09:35 - 21/12/2016
Yêu như vậy mới là yêu…
Có một chàng thanh niên mơ một giấc mơ lạ. Anh muốn biến tất cả phụ phẩm của cây lúa Đồng Tháp quê anh thành chính phẩm có giá trị 5 sao, để quê anh bớt nghèo và nông dân bớt khổ.
Tận dụng nguyên liệu bản địa?
Anh nói điều đó tại chợ thiết bị công nghệ Techmart năm ngoái, và không chỉ nói, anh lặng lẽ mở phòng thí nghiệm triệu đô (nói theo kiểu thiên hạ bây giờ khi khen cái gì quý, triệu đô triệu đô không) để đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu trích ly dầu cám, tìm công thức trồng và bảo quản nấm rơm hữu cơ… Và anh làm được.
Một công ty hoá mỹ phẩm lớn của Nhật đang bàn mua sỉ dầu cám, còn nấm rơm nhà kính của anh đã vào các bếp ăn sang trọng. Chắc có thể gọi tên giấc mơ của anh Phạm Minh Thiện của Cỏ May là mơ đổi đời rơm rạ, đổi đời người nông dân.
Các hội nghị quốc tế gần đây về nền nông nghiệp xanh, bền vững, bảo vệ sinh thái, môi trường thường nêu vấn đề và trao đổi nhiều về xu hướng: tận dụng nguyên liệu BẢN ĐỊA để chế biến nông sản giá trị gia tăng cao và chế tạo các chế phẩm khoa học cao cấp, qua đó giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và kết nối bền vững con người với thiên nhiên.
Nhiều nhà khoa học hết sức chú trọng sử dụng nguyên liệu bản địa chế tạo các sản phẩm mới giá trị. Triết lý tận dụng nguyên liệu bản địa bắt đầu từ câu chuyện, thuở xưa, ông bà mình đã bảo lưu những loại giống bản địa phù hợp với điều kiện sinh thái, khí hậu để có đủ lương thực mà sống và tiếp tục phát triển.
Làm nông hữu cơ cũng đi từ nguyên tắc đó. Bắt đầu từ đi tìm hiểu các loại côn trùng, các loại cây, các sinh vật nhỏ, nguồn nước… từ đó tìm ra quan hệ giữa con người với thiên nhiên và cách trồng rau trồng lúa sao cho không làm ô nhiễm, xâm hại thiên nhiên.
Vỏ trấu, cơm dừa, rơm rạ đã thành vàng
Tận dụng nguyên liệu bản địa, bảo vệ môi trường, thiên nhiên – đó là cách mà chuyên gia phát triển cộng đồng Nhật Bản Ino Mayu hướng dẫn nông dân Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre) trồng rau theo phương thức hữu cơ, kết nối với người tiêu dùng đô thị hay tìm cách chế biến cơm dừa thành mứt dừa hữu cơ ngũ sắc, toàn màu thiên nhiên, để có thể xuất khẩu đến các thị trường khó tính Nhật, Hàn…
Câu chuyện biến vỏ trấu thành kho vàng còn ly kỳ hơn. Tập đoàn Kova đã nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ làm ra chất phủ Colloidal từ vỏ trấu của cây lúa Việt. Colloidal là nguyên liệu chính sản xuất sơn nano tập đoàn hoá chất nổi tiếng Grace Division của Mỹ, vốn sản xuất Colloidal bằng cách điều chế một hoá chất là TetraEthoxySilane, đã phải ngả mũ trước Kova vì vỏ trấu, một nguyên liệu luôn có sẵn và rất rẻ mà quy trình chế tạo của Kova cũng đơn giản, chi phí không cao.
Chất phủ Colloidal là chất kết dính, bóng, bền với ánh sáng và tia cực tím, chống thấm nước, hấp thụ mùi hôi, chống cháy, chống nóng và có đủ độ cứng cần thiết. Vỏ trấu là phế phẩm của cây lúa, nay tạo ra sản phẩm có giá trị cao và góp phần gia tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Cứ 10kg vỏ trấu sản xuất được 1kg Colloidal có giá bán từ 10 USD đến vài chục USD/kg. Sản phẩm ra đời từ sáng kiến này có ba loại: sơn chống đạn, sơn chống cháy và sơn kháng khuẩn, trong đó, một số sản phẩm đã có mặt trên thị trường. Điều kỳ diệu đến từ tâm niệm của TS Nguyễn Thị Hoè, là góp phần đổi đời người nông dân.
Tết này, tôi biết có nhóm bạn tuổi teen học nước ngoài về đang đi tìm thợ phục hồi lại cái… tĩn nước mắm. Họ chạy khắp Cần Thơ, Phú Quốc, Bình Dương… tìm thợ làm được cái tĩn y chang hồi xưa, làm đồ đựng, phục hồi dáng cũ cho nước mắm truyền thống sắp xuất hiện rỡ ràng mùa tết này, sau cơn “thập tử nhất sinh” bị vu cáo nhiễm arsenic vừa rồi. Các bạn nói ý tưởng đó đến khi các bạn lặng người trước “vườn gia vị” đẹp tuyệt hôm dự chung kết cuộc thi Chiếc thìa vàng.
Họ bái phục kỳ công thâm hậu của “đại sư” Lý Ngọc Minh bền bỉ mỗi năm chi vài triệu đô, để làm sống lại nền ẩm thực Việt ngon và lành bằng “Hành trình gia vị Việt”.
Những trái giác, trái bần, tiêu rừng, tiêu lốp… khuất lấp trong những bờ sông xa đầy lau sậy hay những cánh rừng hẻo lánh, đã vào thực đơn các đầu bếp chuyên nghiệp nổi tiếng nhất thế giới.
Người đưa ý tưởng Chiếc thìa vàng giờ đã truyền lửa đam mê “nền ẩm thực Việt ngon và lành” cho con trai cả, Lý Huy Sáng, và các em. Lớp trẻ, yêu đất nước (với cách thể hiện riêng của họ) đầy đam mê, đang tiếp tục sáng tạo những sản phẩm mới nữa từ nguyên liệu bản địa với công nghệ mới, kỹ thuật mới, và cả góc nhìn mới về mỹ thuật, nghệ thuật.
Như một nhóm bạn trẻ bỗng đề xuất cho các bạn làm “Giỏ quà tết Xanh – Tử tế” năm nay với toàn những sản phẩm thú vị từ Phiên chợ Xanh – Tử tế, nội dung thú vị và hình thức ngộ nghĩnh.
Tôi lùi lại, và nghĩ, cứ để các bạn làm, họ đang “khởi nghiệp” bằng nguyên liệu xanh bản địa với cái đầu, cái tâm và cái tình hội nhập đó.
Kim Hạnh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này