09:23 - 31/08/2016
Phạm Minh Thiện – Truyền nhân của tử tế
Tiếp quản cơ nghiệp lớn của gia đình, Phạm Minh Thiện, CEO công ty Cỏ May, đang viết tiếp câu chuyện tử tế của cha mình, bên cạnh những dự án táo bạo của sức trẻ.
Ký túc xá tử tế
Ba lần đậu đại học, một lần đậu cao đẳng, nhưng vì hoàn cảnh, Hồ Thị Hà Giang, mới đây, đậu tiếp vào đại học Ngân hàng quyết tâm đi học dù “vay tiền cũng phải đi”.
Cô gái 23 tuổi người Quảng Nam bèn cầm tờ đơn đến ký túc xá (KTX) Cỏ May. Một vài chi tiết khiến cho ban tuyển chọn còn lấn cấn và có chút tranh cãi, dù hồ sơ rất đẹp.
Phạm Minh Thiện, tổng giám đốc Cỏ May, doanh nghiệp xây KTX, đích thân lên TPHCM gặp Hà Giang nói chuyện, rồi xuống ngay KTX bàn bạc.
Vẫn khó thuyết phục. Thiện cương quyết: “Có lẽ phải đích thân mình đứng ra nhận! Khổ tâm lắm!”
KTX Cỏ May năm đầu nhận chỉ tiêu 200 sinh viên, nhưng hồ sơ đã lên tới 400 nên chuyện nhận ai, bỏ ai cũng là một sự trăn trở.
“Văn hoá Cỏ May trước hết mọi người đều phải được tôn trọng. Để được tôn trọng, phải có văn hoá tự trọng. Điều tôi sợ nhất là tư duy ban phát, xin cho tồn tại trong KTX…”
KTX Cỏ May, theo Thiện là “hơn cả KTX bên Singapore mà tôi ở”. Vốn ban đầu chừng 37 tỷ đồng. Toàn bộ sinh viên ở đây đều được miễn phí, từ tiền ăn, ở, tiền học phí đến cả phụ đạo, học ngoại ngữ. Mỗi tuần đều đặn, Cỏ May chuyển cho mỗi sinh viên số tiền 280.000 đồng.
Một sinh viên giỏi một năm có thể nhận được mức học bổng lên tới gần 30 triệu đồng. Tính ra, năm đầu, mức chi cho 200 sinh viên chỉ khoảng chưa đầy… 10 tỷ đồng. Những năm sau, khi 432 sinh viên vào ở đầy, con số này sẽ lên tới 18 – 20 tỷ đồng/năm.
Cỏ May chi ra một số tiền khổng lồ như thế, đổi lại, các sinh viên cần phải làm gì?
“Hãy cứ học giỏi, ngoại ngữ tốt, khi đó các em muốn kiếm học bổng đi du học nước ngoài cũng dễ. Các em muốn bay đâu thì bay, chỉ cần về Sa Đéc thắp cho Ông cụ nén nhang…”, Phạm Minh Thiện nói.
“Ông cụ”, doanh nhân Phạm Văn Bên, người 30 năm trước từ một tổ hợp xà bông nhỏ, đã xây nên doanh nghiệp tư nhân Cỏ May ở Sa Đéc, Đồng Tháp, nay là công ty TNHH Cỏ May, nơi Phạm Minh Thiện giữ vị trí CEO.
Khi Thiện “tiếp quản” công việc, Cỏ May đang có hai nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, một nhà máy chế biến lương thực, một nhà máy bao bì… Không làm gì thêm cả, mọi việc đã tốt. Nhưng Thiện lại nảy ra đủ ý tưởng.
Thiện nghĩ, xu thế của thế giới là làm gia tăng giá trị của hạt gạo, của nông sản, không cưỡng lại được. Và đã là xu thế, thì nếu mình không làm, người khác sẽ làm.
Thế là Thiện lại lò dò, một tay điều hành các nhà máy cũ, tay kia tất bật khởi nghiệp mới. Điều đầu tiên là biến phụ phẩm cám thành chính phẩm.
Cám là một câu chuyện dài, nhiều tập. Những năm 1990, khi ngành chăn nuôi chưa phát triển, Thiện còn nhớ, “có những mùa vụ cám gạo chất đống, bán không ai mua, các nhà máy phải lén lút nửa đêm đi đổ cám, trấu xuống sông vì không còn chỗ chứa”.
Giờ thì điều đó không còn. Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có Cỏ May, đang rất cần cám. Nhưng Thiện nghĩ như thế cũng quá uổng phí. Liệu có thể biến cô Cám thành Tấm? Biến cám thành vàng?
Vàng đâu không thấy, chỉ thấy rất khó thuyết phục được mọi người về giá trị tưởng là đảo lộn đó, ngay cả cha mình về dự án.
Cuối cùng, Thiện mới “giở chiêu”: “Ba bỏ ra mấy chục tỷ xây KTX được, thì con cũng xây nhà máy R&D được chứ”. Ông Bên gật đầu.
Thế là, dự án nhà máy chiết xuất hợp chất Gamma Oryzanol từ cám gạo, vốn đầu tư ban đầu khoảng 20 tỷ đồng, ra đời, thoạt nghe rất táo bạo, đầy rủi ro, nhưng “đó là rủi ro cần thiết”, theo Phạm Minh Thiện. Ba thứ ban đầu cần làm: một là tìm nhân lực, hai là công nghệ, ba là nghiên cứu.
Con người là quan trọng nhất, và có vẻ là nan giải nhất. Có thật thế? Thiện quan sát thấy ở các trường đại học, rất nhiều nhà khoa học “tầm sư học đạo” ở nước ngoài về, nhưng rồi do thiếu đất dụng võ, kiến thức bị mai một.
Thế là Thiện tìm đến, mời về dự án của mình cùng làm chuyện lớn, bồi thường hợp đồng cho các trường, trả lương cao, cùng bắt tay vào “trích ly tinh dầu cám”.
Cỏ May, nhờ có nhà máy thức ăn thuỷ sản, nên nguồn cám nguyên liệu để nghiên cứu không thiếu. Nhưng Thiện muốn đi tìm công nghệ trích ly mới, thân thiện với môi trường. Thế là bắt tay vào nghiên cứu. “Đó là cuộc dấn thân… tốn kém”, Thiện nói.
Thế rồi, Thiện kể, lần đầu mang mẫu cám sang châu Âu để đưa vào thiết bị của họ trích ly thử. “Lúc nguyên liệu đưa vào, anh em hồi hộp lắm. Khi nhìn thấy những giọt dầu cám đầu tiên màu xanh rất đẹp, hương thơm dịu nhẹ, lúc đó thấy “đã” lắm”.
Nhưng rồi, Thiện kể, hàng loạt các vấn đề được đặt ra: tiếp theo làm gì, quy mô đầu tư bao nhiêu tiền? Công suất như thế nào? Rồi lãi vay, chi phí khấu hao, giá thành sản phẩm…
Thêm hơn một năm đàm phán để sở hữu trong tay thiết bị nghiên cứu trị giá 10 tỉ đồng. Dự án như một cỗ máy xay tiền, “cứ nhìn chi phí hàng tháng thì sẽ thấy rõ. “Nhưng đó là sự mất mát cần thiết”. Tiền tỷ cứ thế chảy đi.
“Chẳng ai bỏ tiền tỉ để đầu tư nửa vời, hơn ai hết nhà đầu tư phải dấn thân, phải lì đòn. Nếu ngại rủi ro, không dám dấn thân, không thể tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn. Kỳ tích chỉ có thể xảy ra khi tạo giá trị gia tăng”.
Sau cám là đến nấm, rồi các phụ phẩm đầy tiềm năng vốn đang bị lãng quên khác.
Hạt gạo cũng phải tử tế
Gạo là thứ làm nên Cỏ May trong mấy thập kỷ. Nhưng dưới thời Thiện, gạo Cỏ May mang một dáng dấp khác, an toàn, chất lượng và… đẹp hơn.
Gạo Ngon bốn mùa với những Long Châu 66, Ngọc Sa… vừa được trình làng trên quy mô lớn.
Cỏ May vừa khai trương cửa hàng đầu tiên ở TPHCM, và đặt mục tiêu đến hết năm 2016 là khoảng 1.000 điểm bán, và hết năm 2017 là 3.000 điểm, rồi 4.000 điểm… Các bao gạo được đóng gói đẹp mắt, hút chân không, giá cũng hợp lý.
“Người tiêu dùng thì thiếu lòng tin vào sự sạch, doanh nghiệp cũng thiếu lòng tin về sức mua người tiêu dùng về nông sản sạch. Tôi cam đoan nông sản sạch hoàn toàn có thể sản xuất được”.
Sản xuất gạo sạch vốn đã khó vì người nông dân có thể “lật kèo” khiến hợp đồng “bể dĩa”. Chuyện hợp tác với nông dân và tuân thủ theo hợp đồng là chuyện muôn đời khó. Lúa xuống thì không sao, nhưng giá lúa lên thể nào cũng có chuyện.
“Năm rồi tôi có ký hợp đồng mua lúa với nông dân, coi vùng trồng, chốt với hợp tác xã giá lúa rồi, đặt tiền cọc 100 triệu giá 5.200 đồng/kg, tới khi thu hoạch, giá lúa thị trường lên 5.600. Tất cả hợp đồng đều… bể dĩa, không một lời giải thích”.
Nhưng cũng phải có cách chứ? “Chỉ có cách liên kết với nhau giữa các lợi ích để bảo đảm lợi ích các bên thì người ta mới giữ lợi ích cho họ. Còn cam kết như của người Nhật, người Hoa thì không thể”.
Thiện bảo cũng phải tìm hướng đi, cũng phải cam kết, nhưng không với nông dân mà với người cung cấp phân bón.
Vì sao? “Vì nông dân phải gắn chặt quyền lợi với họ. Dù mấy anh phân bón bị nông dân giật nợ cũng nhiều. Nông dân cũng không muốn giật nợ”, vì giá lúa bấp bênh thôi. Riêng ông phân bón thì buộc phải đi kiếm đầu ra để bảo đảm không bị giật nợ”.
Thế là Cỏ May đặt mua 1.000 tấn lúa, để cho “bên phân bón lo đi bán phân bán thuốc cho nông dân, vừa thu được nợ vừa có lời, nông dân cũng khoẻ”. Mối liên kết tự nhiên hình thành và có tính bền vững.
Lý do thật đơn giản vì “bên bán phân bán thuốc nếu mất uy tín với mình thì bán cho ai? Ai cũng giữ lợi ích cho mình, nhờ đó liên kết này hình thành được ba vụ rồi, lòng tin lớn lên thì sản lượng cũng tăng”.
Sản xuất đã khó, nhưng thị trường có chấp nhận và tin mua hay không thì là chuyện khác. Theo Thiện, kiến tạo lòng tin có hai cách, một là các tiêu chuẩn áp dụng uy tín, hai là bằng thương hiệu.
Hiện hai nhà máy của Cỏ May bao tiêu theo kế hoạch khoảng vài ngàn tấn lúa/năm nên vừa tìm vùng nguyên liệu cao cấp, vừa tìm mô hình liên kết hữu hiệu để tăng diện tích lúa liên kết.
Cuộc đua tiếp sức tử tế
Thiện tiếp quản Cỏ May và tiếp quản luôn cả di sản tử tế của cha mình truyền lại. Anh kể mình phải tiếp tục viết tiếp câu chuyện của Cỏ May.
“Mỗi khi làm được việc gì, giống như là tự báo cáo với ba vậy đó. Ba tôi rất yêu quê hương, thành ra mình làm gì có lợi cho quê hương cũng là điều ba mơ ước”.
Sinh năm 1980, dáng người thấp đậm, ăn mặc thoải mái, ngại nhất là đóng vét, thắt càvạt, điều mà Thiện hay đùa là dây “thắt cổ họng”, hay cười, khuôn mặt Thiện toát ra sự thân thiện và tử tế. Thiện làm việc hết mình, thường phải 14 tiếng đồng hồ/ngày. Những lúc mệt mỏi, đi gặp bạn bè hát ca, ra KTX để “làm mới mình”, tìm lại sự bình yên.
Thời gian gần đây, Thiện bỗng thân với chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi, một thành viên của Nhóm Thứ Sáu lừng danh. Cứ lên Sài Gòn là tíu ta tíu tít gọi “chú Nhi” để “nghe chú Nhi chửi”. “Đàng hoàng nghe con”, ông Nhi thường dặn.
Thiện là niềm tin của ông Bên. Trước khi mất ông Bên nói với bạn bè: “Mình hoàn thành nghĩa vụ rồi”. Nỗi lo duy nhất còn lại về Thiện đó là cậu con út của mình quá từ tâm.
“Từ tâm cũng tốt, nhưng chỉ sợ thằng Thiện từ tâm quá!” “Cha sợ tôi từ tâm quá xách cho hết trơn”, Thiện hồi tưởng.
Kim Yến
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này