08:44 - 29/01/2017
Cạnh tranh sòng phẳng từ các nhà bán lẻ ‘khôn ngoan’
Một vấn đề được quan tâm lớn của năm 2017 là diễn biến của thị trường bán lẻ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuât hàng Việt. Bài viết này của chuyên gia thị trường Trần Anh Tuấn cung cấp cái nhìn sắc sảo về cạnh tranh ngành bán lẻ tại Việt Nam hiện nay và cả những năm tới.
Theo ông, cuộc cạnh tranh đang diễn ra “sòng phẳng” và quyết liệt, đòi hỏi quy mô đầu tư lớn, mô hình kinh doanh đa kênh mang đến lợi thế cạnh tranh cao, trình độ quản lý mang tính chuyên môn cao và đổi mới liên tục về tư duy kinh doanh, đã thong minh, khôn ngoan còn luôn được hỗ trợ bằng công nghệ.
Cạnh tranh sòng phẳng bằng cả hệ sinh thái bán lẻ và đổi mới
Theo báo cáo năm 2016 về Chỉ số Phát triển Bán lẻ Toàn cầu (GRDI) của tổ chức A.T. Kearney,Việt Nam hiện xếp hạng thứ 11 về mức độ thu hút đầu tư bán lẻ trong số 30 thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất. Việt Nam có mức độ bão hòa thị trường thấp nhưng tốc độ phát triển GDP 5.2%, cao nhất trong các nước Đông Nam Á.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ năm 2016 ước đạt 2.67tỉ đồng (khoảng 118 tỉ đô la Mỹ), tăng 10,2% so với năm trước.
Theo tư vấn quốc tế nhận định, đây là thời điểm tốt mà các NBL (NBL) thế giới nên xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam trong điều kiện Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho cuộc cạnh tranh sòng phẳng và trực tiếp giữa các “NBLkhôn ngoan”trong và ngoài nước từ 11/1/2015. Các NBL ráo riết bước vào cuộc tranh đua ngày càng quyết liệt xét về góc độ “chất” và “lượng”.
Về chất, các tập đoàn bán lẻ quốc tế như Central Group, TCC (Thái Lan) kể cả các tập đoàn bán lẻ trong nước như VinGroup, Saigon Co.op, Satra đều theo đuổi chiến lược cạnh tranh “giành đất giành sân” dựa vào hệ sinh thái bán lẻ bao gồm các loại hình bán lẻ đa dạng như trung tâm thương mại (shopping center), trung tâm mua sắm phức hợp (shopping mall), trung tâm phân phối hay đại siêu thị(hypermarket), siêu thị (supermarket), cửa hàng tiện lợi(convenience store) kể cả mô hình cửa hàng tạp hóa (grocery store) nâng cấp thành Co.op Smile gần đây của Saigon Co.op.
Để thực hiện việc mở rộng mạng lưới nhanh chóng, các tập đoàn thường sử dụng chiến lược mua bán sát nhập (M&A) và sắp tới đây là nhượng quyền thương mại (franchise) mặc dù không dễ thành công đối với đơn vị trong nước.
Chiến lược bao vây các phân khúc của thị trường bán lẻ này theo mô hình kết hợp “TTTM + siêu thị + cửa hàng tiện lợi”lại được hỗ trợ tích cực của loại hình cửa hàng chuyên doanh (specialty store), kinh doanh trực tuyến với hệ thống và chiến lược cung ứng. Bên cạnh chiến lược đa dạng hóa theo chiều ngang với các mô hình bán lẻ khác nhau, các đơn vị bán lẻ cũng triển khai chiến lược kết hợp chiều dọc thông qua việc đầu tư vào các công ty cung ứng các ngành hàng quan trọng như thực phẩm, nông nghiệpkể cả nhãn hàng riêng của siêu thị để chủ động kiểm soát nguồn cung về chất lượng, giá cả, lợi nhuận…
Cạnh tranh bán lẻ ở mức độ cao không chỉ thể hiện qua quy mô của nguồn lực tài chính, mặt bằng điểm bán mà cả ở chiến lược và mô hình kinh doanh, tài năng của đội ngũ nhân sự và đặc biệt thể hiện rõ nhất ở mức độ đổi mới 3 yếu tố quan trọng quyết định mua hàng là sản phẩm/dịch vụ, trải nghiệm mua sắm của khách hàng và công nghệ giúp việc mua bán dễ dàng và thuận lợi hơn cho khách hàng.Chẳng hạn, các siêu thị ngoại kinh doanh 40.000-50.000 mặt hàng,thường nhỉnh hơn các siêu thị trong nước kinh doanh 25.000-30.000 mặt hàng. Tập đoàn Aeon cũng tuyên bố sẽ làm thay đổi phong cách và trải nghiệm mua sắm của người Việt bằng phương châm “cắm rễ và sống với dân địa phương” để hiểu rõ nhu cầu mua sắm của người Việt.
Các chuyên gia đánh giá các nhà bán lẻ nước ngoài có kinh nghiệm kinh doanh lâu năm hơn doanh nghiệp trong nước, mang theo những trải nghiệm mua sắm mới cho người tiêu dùng cùng cách phục vụ, truyền thông hiệu quả nên tạo được sự hấp dẫn cho người tiêu dùng.
Cục diện cạnh tranh từng bước chuyển đổi từ định hướng đầu tư hiệu quả của NBL sang định hướng phục vụ và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Nếu xét về tất cả các yếu tố cạnh tranh, các NBL quốc tế đang tỏ ra cólợi thế cạnh tranh cao hơn về nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế, hệ thống chuỗi cung ứng, quản trị bán lẻ, sản phẩm/dịch vụ đa dạng hơn (số lượng mặt hàng), đổi mới trải nghiệm dịch vụ và cả hệ thống công nghệ hỗ trợ, nhất là công nghệ marketing, bán hàng và chăm sóc khách hàng đa kênh.
Đặc biệt các NBL Nhật Bản, Hàn Quốc chứng tỏ năng lực vượt trội về chuyên môn về định vị mô hình kinh doanh, quản lý ngành hàng, thiết kế, trưng bày & quảng bá hàng hóa tại điểm bán thậm chí quản lý quan hệ khách hàng (CRM) nên tiếp tục thu hút và gia tăng thị phần bán lẻ. Lợi thế cạnh tranh mang tính ngắn hạn trước đây của các đơn vị bán lẻ trong nước so với quốc tế như thấu hiểu khách hàng địa phương, thương hiệu hiện diện sớm hơn ở thị trường hay điểm bán nhiều hơn dường như ngày càng rút ngắn dần do chiến lược thâu tóm và quản trị chuyên nghiệp của các đơn vị quốc tế mới xâm nhập. Các đơn vị bán lẻ trong nước nếu thiếu nguồn lực, chưa có chiến lược phát triển đúng dắn hoặc chậm đổi mới chắc chắn sẽ từng bước bị thâu tóm hay bị loại khỏi thị trường trong tương lai sắp tới.
Xét về quy mô và số lượng, các NBL quốc tế hiện chiếm thị phần 59% về doanh số bán lẻ,lớn hơn các NBL trong nước chiếm khoảng 41% và theo dự báo tỉ lệ thị phần này ngày càng chênh lệch lớn hơn về phía các NBL quốc tế. Các NBL quốc tế như Circle K, Shop & Go, B’s mart, Family Mart, Ministop dẫn dắt thị trường với mô hình cửa hàng tiện lợi–được xem là “hiện tượng” với tốc độ tăng trưởng số lượng cửa hàng đạt đến 260%/năm kể từ năm 2012 với số lượng cửa hàng đã lên hàng trăm cho mỗi đơn vị tương ứng.
TCC (Metro Cash&Carry), Lotte và VinGroup(Vincom) có số lượng nhiều nhất về mô hình đại siêu thị và TTTM. Phân khúc siêu thị được kiểm soát bởi Saigon Co.op (Co.opmart), Central Group (Big C), VinGroup (Vinmart) và AEON.Saigon Co.op và Satra thì dẫn đầu về số lượng loại cửa hàng chuyên doanh thực phẩm tiện lợi– tương tự như siêu thị mini – với thương hiệu Co.opfood và Satrafoods.
Theo kế hoạch tương lai, Lotte, Saigon Co.op, VinGroup và AEON tiếp tục gia tăng tập trung đầu tư các mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh kể cả cửa hàng tạp hóa nhằm ngăn chặn sự xâm nhập mạnh mẽ của các chuỗi cửa hàng tiện lợi trên và đối thủ mới như Seven Eleven(Nhật Bản) với mô hình chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng khắp thế giới.
Nếu nhìn rộng hơn các ngành bán lẻ khác như thời trang, thực phẩm & đồ uống (F&B), kinh doanh trực tuyến thì ưu thế này càng rõ nét hơn nữa với sự xâm nhập nhanh chóng và hiệu quả từ các tập đoàn quốc tế như chuỗi cửa hàng như Adidas, Nike, Ecko, Zara hay KFC, Jollibee, McDonald rồi đến Lazada (Alibaba sở hữu), Zalora (Central Group sở hữu). Thị trường điện máy thì thị phần tạm thời vẫn thuộc về phía các đơn vị Việt Nam như FPT, thegioididong, Viễn Thông A, Nguyễn Kim, VinPro nhưng đa phần đều có sự góp mặt đáng kể trong vốn đầu tư nước ngoài vào các tập đoàn này…
Thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển như thế nào…
Thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và hứa hẹn tiềm năng phát triển tốt so với dự báo trước đây của các công ty tư vấn bán lẻ quốc tế.Cơ hội tiềm năng còn bỏ ngỏ rất lớn cho các NBL trong và ngoài nước, đặc biệt nếu “chinh phục” được kênh phân phối truyền thống trong nước.
Dự kiến tốc độ tăng trưởng bán lẻ đạt trung bình 11,9%, quy mô thị trường khoảng 180 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45% tổng giá trị. Dấu hiệu xuất hiện các mô hình kinh doanh ngầm dưới mặt đất như công viên 23/9 và sắp tới hàng loạt các công viên khác sẽ được ngầm hóa hệ thống cửa hàng bán lẻ (chưa kể đường ngầm metro tương lai) sẽ ngày càng rõ hơn trong điều kiện mặt bằng bán lẻ hiện đại ngày càng khó tìm.
Thị trường bán lẻ sẽ gia tăng cạnh tranh cả chiều rộng và chiều sâu, tạo áp lực lớn lên các nhà bán lẻ trong nước. Thị phần của các đơn vị bán lẻ quốc tế dự báo sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa trong thời gian tới, tạo thuận lợi lớn hơn cho sản phẩm nhập khẩu xâm nhập mạnh mẽ và dễ dàng hơn từ đó tạo áp lực cạnh tranh lớn trực tiếp đối với các nhà sản xuất hàng hóa Việt Nam. Tập đoàn Central Group (Thái Lan) sở hữu chuỗi siêu thị Big C Việt Nam đã công bố các kế hoạch đầu tư và kinh doanh dài hạn với số lượng siêu thị, TTTM trong vòng 5 năm tới lên gấp đôi là minh chứng cụ thể cho xu hướng này.
Ngoài ra một số xu hướng chính trong phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian sắp tới như sau:
Xu hướng M&A trong chuỗi cung ứng tiếp tục gia tăng đặc biệt từ các hệ thống bán lẻ quốc tế vào Việt Nam, góp phần thay đổi cấu trúc và cục diện ngành bán lẻ, thúc đẩy cạnh tranh gia tăng về quy mô, số lượng đồng thời mang đến nhiều lựa chọn hơn cho NTD. Các tập đoàn bán lẻ vào sau có khuynh hướng đầu tư lớn để mua lại các chuỗi hiện tại nhằm nhanh chóng mở rộng thị phần.
Các hệ thống bán lẻ có mức độ tập trung cao về quy mô chuỗi càng gia tăng sức mạnh thương hiệu và khả năng thương thảo với các nhà cung cấp. Xu hướng cùng lúc kéo theo sự lên ngôi và phát triển mạnh hơn của nhãn hàng riêng từ các NBL với mong muốn gia tăng lợi nhuận và điều tiết quan hệ kinh doanh với nhà cung cấp. Điều này càng làm gia tăng thách thức cho các doanh nghiệp cung cấp hay nhà sản xuất trong nước do gia tăng cạnh tranh với chính NBL, giảm thị phần và lợi nhuận kể cả nguy cơ bị đánh bật khỏi kênh phân phối hiện đại. Mặt khác, các NBL cũng cần xây dựng các chương trình hợp tác và liên kết marketing chặt chẽ với các sản xuất, các nhà cung cấp nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm mang đến sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh.
Kênh bán lẻ hiện đại (kênh MT) tiếp tục phát triển, từng bước định hình thị trường bán lẻ, dù hiện nay chỉ mới chiếm 25% tổng số doanh số bán lẻ trong nước. Xu hướng mở rộng đô thị hóa sang các khu vực ngoại thành các thành phố lớn hay các tỉnh khác, việc hình thành các khu dân cư mới, lớp tiêu dùng trẻ mới nổi quan tâm bảo vệ sức khỏe, ưa chuộng cửa hàng hiện đại và hạn chế về giao thông trên đường phố sẽ thúc đẩy kênh MT phát triển nhanh và mạnh hơn trong vài năm tới.
Hơn nữa, xu hướng phát triển kênh MT không đơn thuần là tiếp tục mở rộng các siêu thị hay TTTM mà quan trọng hơn là thúc đẩy làn sóng “hiện đại hoá” kênh bán lẻ truyền thống qua đổi mới định vị, sản phẩm, phong cách trưng bày, dịch vụ khách hàng…Trong đó, cửa hàng tiện lợi được xem là động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất với sự tranh đua quyết liệt từ NBL hiện hữu và NBL mới xâm nhập. Xu hướng hình thành các “chuỗi cửa hàng thương hiệu”theo mô hình một chủ sở hữu hoặc thậm chí nhượng quyền thương mại được nâng cấp từ loại hình cửa hàng đơn lẻ truyền thống “mama-papa shop”trên phố được phát triển nhanh, mà cụ thể là sự ra đời của chuỗi cửa hàng Co.op Smile của tập đoàn bán lẻ Saigon Co.op kể cả nhiều chuỗi cửa hàng chuyên doanh thời trang, điện máy, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp…
Các chuỗi cửa hàng chuyên doanh như rau quả sạch, nông sản sạch đang phát triển nhanh chóng khắp cả nước cũng thể hiện xu hướng hiện đại hóa kênh phân phối này. Chợ truyền thống nên được cải tiến và nâng cấp về trưng bày, dịch vụ để gia tăng thu hút khách hàng. Điều này đang đặt ra những thách thức cho kênh bán lẻ truyền thống, nhưng cũng là sức ép buộc các cửa hàng nhỏ lẻ phải thay đổi cách thức trưng bày cửa hàng, marketing cũng như cải tiến hình ảnh, thái độ và chất lượng phục vụ, kể cả khả năng quản lý cửa hàng theo hướng áp dụng công nghệ bán lẻ hiện đại hơn.
Theo dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, số trung tâm thương mại cũng tăng lên trên 300 điểm và cửa hàng tiện lợi lên đến hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn…
Kinh doanh đa kênh: Hiện các “NBL khôn ngoan” trên thế giới từng bước chuyển hóa sang phương thức kinh doanh đa kênh Omni-channel nhằm tích hợp các kênh tiếp cận khách hàng, cung cấp dịch vụ khách hàng ưu việt và tạo ra những trải nghiệm tốt nhất bất kể khách hàng mua hàng trực tuyến từ máy tính, điện thoại di động, bán hàng qua điện thoại hay mô hình cửa hàng truyền thống. Tại Việt Nam xu hướng kinh doanh đa kênhứng dụng công nghệ này cũng đang ngày càng phát triển hiệu quả đặc biệt kinh doanh trực tuyến trở nên phổ biến hơn nhờ marketing online rất thu hút giới tiêu dùng trẻ. Đây là lãnh vực mà cả NBL và nhà sản xuất Việt Nam cần cải thiện nhiều do giới hạn về nhận thức về tư duy kinh doanh, hiệu quả và cách thức thực hiện.
Xu hướng tiêu dùng quan tâm sức khỏe và giá trị sản phẩm cũng có ảnh hưởng quan trọng đối với thị trường bán lẻ. Theo nghiên cứu mới của Nilsen năm 2016, NTD Việt Nam vẫn là những người lạc quan nhất về tài chính trong khu vực Đông Nam Á. Hơn 34% NTD Việt Nam quan tâm nhiều hơn về sức khỏe và giá trị của sản phẩm hơn là vấn đề giá rẻ. Nói khác đi, nhìn chung giá rẻ không hẳn còn là yếu tố quyết định chủ chốt ảnh hưởng lên quyết định mua hàng của NTD.
Điều này hứa hẹn sự tăng trưởng của các thị trường ngách mới nổi, bảo vệ sức khỏe, xu hướng sản phẩm & dịch vụ xanh, sạch, sản phẩm chăm sóc tinh thần kể cả đổi mới thiết kế bao bì sản phẩm theo hướng gia tăng thu hút NTD. Khách hàng sẵn lòng việc chi nhiều hơn để có được những “trải nghiệm mua sắm” tốt hơn, ví dụ như sự đa dạng hàng hóa từ kiểu dáng, thiết kế, xuất xứ, chất lượng và sự thuận tiện khi mua sắm và sử dụng. Do đó, các NBL cần quan tâm nhiều hơn đến đổi mới chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cách trưng bày hàng hóa, cách sắp xếp hàng, đến thực hiện các chương trình, hoạt động marketing nhằm gia tăng thu hút khác hàng và tối ưu hóa doanh thu trên từng đơn vị diện tích mặt bằng bán lẻ.
Tuan Tran
CEO, the Pathfinder
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này