14:01 - 18/05/2022
Vay vốn không tài sản thế chấp: giải pháp cho DN nhỏ và vừa ĐBSCL
Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thiếu các tài sản mà các ngân hàng ưu tiên làm tài sản thế chấp. Vậy làm thế nào để họ có thể tiếp cận các khoản vay cho các kế hoạch sản xuất kinh doanh mới hay đơn giản là hồi phục sau những biến động như Covid-19 vừa rồi?
Sáng 18/5, tại TP. Cần Thơ, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức buổi Hội thảo: “Tiếp cận vốn vay không thế chấp tài sản – Giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vùng Đồng bằng sông cửu Long”.
Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do USAID tài trợ, cho biết hội thảo này là một phần của sáng kiến tiếp cận tài chính của USAID LinkSME, một trong các lĩnh vực mà dự án đang giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện hoạt động và nguồn lực để có thể tham gia hoặc nói cách khác là gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Daniel Fitzpatrick đại dịch Covid-19 cho thấy rõ tính dễ bị tổn thương của tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) cũng như những khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay để hồi phục. Tuy nhiên những thách thức mà các công ty này phải đối mặt trong việc tiếp cận các khoản vay không phải là mới. Có một số lý do cho điều này, trong đó có những yếu tố nổi bật như: DNVVN thường thiếu các tài sản mà các ngân hàng ưu tiên làm tài sản thế chấp, chẳng hạn như bất động sản và phương tiện đi lại. Một số ngân hàng coi tài sản thế chấp là yếu tố hàng đầu khi cho vay, các ngân hàng coi hầu hết các yếu tố khác là quá khó giải quyết hoặc đơn giản là không có giá trị. Chính vì thế, các tổ chức như Quỹ Phát triển DNVVN, hay còn gọi là SMEDF, đã được chính phủ thành lập với mục đích rõ ràng là cấp khoản vay cho các DNVVN với ít hoặc không có tài sản thế chấp. Cuối cùng, các tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn như Quỹ Beacon, cũng cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thuộc diện được ngân hàng ưa chuộng.
Ông Vũ Văn Tuấn, Chuyên gia tư vấn dự án LinkSME (USAID), cho rằng thực trạng khó tiếp cận tài chính của khối DNVVN, vốn đóng góp 45% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, đã tồn tại bấy lâu nay. Gần như tất cả ngân hàng TM Việt Nam, đều coi DNVVN là khách hàng chiến lược, cùng với đó là các gói hỗ trợ của chính phủ, nhưng xét về lượng cho vay thì thường DN lớn được cho vay là nhiều. Hơn 70% DNNVV chưa tiếp cận được tài chính do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Về phía DN, đa số không đáp ứng được điều kiện các khoảng vay, không có phương án kinh doanh một cách rõ ràng, báo cáo tài chính chưa rõ ràng, chính xác… cùng với đó là thói quen quản trị chưa được chuyên nghiệp, bài bản. Theo ông Tuấn, nhiều khi doanh nghiệp không biết nguồn hay các sản phẩm tài chính nào khác mà chỉ nghĩ tới ngân hàng. Còn ở phía góc độ các tổ chức tài chính thì các tổ chức này thường chưa hoặc ít nhấn mạnh đến các sản phẩm cho DNVVN và thường thì họ cũng không hạ chuẩn cho vay với các đối tượng này.
Ông Tuấn cho rằng, xu hướng thay đổi về thị trường tài chính hiện nay mà các DNVVN có thể khai thác đó là các nguồn tiếp cận đa dạng nhiều. Có thể kể hơn 10 nguồn khác nhau chẳng hạn, công ty cho thuê tài sản, tài chính, quỹ bảo hiểm tín dụng, chính sách hỗ trợ, tài khóa, miễn, giảm, hoãn của Chính phủ hay nhà tài trợ quốc tế… dưới nhiều hình thức khác nhau, các công ty tài chính công nghệ, quỹ đầu tư, hay phát hành trái phiếu… Hiện nay có khoảng 49 ngân hàng, hơn 1000 quỹ tín dụng nhân dân ở các tỉnh, 10 công ty thuê tài chính mà các DNVVN có thể tiếp cận.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Văn Phúc – Phó TGĐ Công ty cho thuê tài chính TNHH BIDV Sumi Trust, cho biết theo thống kê có tới 90% DN thuê tài chính để mua sắm thiết bị, vật tư để sản xuất. Cho thuê tài chính là một phương thức tài trợ vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp, theo đó, bên cho thuê (công ty cho thuê tài chính) cấp tín dụng trung dài hạn cho bên thuê thông qua việc cho thuê tài sản (là các động sản) trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính.
Trên thực tế, ông Phúc cho biết thêm: “Thời gian qua có một doanh nghiệp cần đầu tư máy móc thiết bị, tài sản không quá lớn, nằm ngoài hạng mục của ngân hàng tài trợ trước đây, chúng tôi đã làm việc với DN giúp họ tiếp cận, vay được nguồn vốn này”.
“Hoặc với một số doanh nghiệp nông nghiệp ở ĐBSCL, họ muốn hiện đại hóa, mua máy móc, họ có đặc thù là đầu tư từ nhỏ đến lớn 100 – 300 triệu, DN cần rất nhanh, ngân hàng khó đáp ứng phục vụ, thì chúng tôi tiến hành các thủ tục nhanh chóng để cho họ vay vốn thành công” – ông Phúc nói.
Ông Phúc tiếp tục lấy dẫn chứng: “Như vừa rồi, có một công ty nông nghiệp khó khăn về nguồn vốn lưu động vì Covid-19, chúng tôi mua lại máy móc của họ và cho chính họ thuê lại. Hay một doanh nghiệp xây dựng khác, chuẩn bị tham gia đấu thầu, đòi hỏi phải có máy móc thiết bị mới, họ cũng tính toán phương án kinh doanh, giải pháp là chúng tôi cho thuê các máy móc này và tài trợ 100% nguồn vốn”.
Theo ông Phúc lợi ích cho thuê tài chính: Mức tài trợ cao, lãi suất hợp lý; Tăng vốn lưu động – trường hợp bán tài sản cho Bên cho thuê và thuê lại; Tận dụng hiệu quả các nguồn vốn khác nhau, không ảnh hưởng tới hạn mức tín dụng ngân hàng; Thời hạn thuê linh hoạt, đa dạng; Đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; không cần tài sản đảm bảo; Kết thúc hợp đồng linh hoạt: mua lại tài sản thuê, trả lại tài sản thuê, hoặc thuê tiếp, và vẫn được trích khấu hao tài sản như trường hợp doanh nghiệp tự mua…
Bà Yến Đỗ – Quỹ đầu tư Beacon Fund (Singapore), tiết lộ ngoài mô hình kinh doanh, doanh nghiệp có nhiều hoạt động khác, như chính sách cho những người nữ trong công ty, cam kết về tính bền vững, đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân canh tác hữu cơ có thu nhập cao. “Chúng tôi nhìn thấy những điều này và tài trợ vốn cho họ, vì phù hợp với nhiều tiêu chí của chúng tôi” – bà Yến Đỗ nói.
Theo bà Yến Đỗ, cộng đồng nữ doanh nhân liên tục phải đối mặt với thực trạng thiếu hụt nguồn vốn. Beacon Fund vào Việt Nam năm 2010, quỹ đã đầu tư vào các khởi nghiệp có các hoạt động xã hội, sau đó chuyển sang DNVVN do phụ nữ lãnh đạo, vì quỹ nhận thấy các doanh nghiệp này thường ít tiếp cận được hơn nguồn vốn tài chính.
Cũng theo bà Yến Đỗ, Mức đầu tư của Beacon Fund dao động từ 200 ngàn USD đến 2 triệu USD, tập trung vào các doanh nghiệp có lợi nhuận, mức độ tăng trưởng vừa phải, và xem trọng vai trò bình đẳng giữa nam và nữ.
Ông Phan Thanh Hà – Giám đốc Quỹ phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết dự án LinkSME hiện tại có rất nhiều các hoạt động cùng triển khai với Cục Phát triển doanh nghiệp để hỗ trợ DNVVN nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tài chính đáp ứng nhu cầu tài chính tham gia vào chuỗi cung ứng bao gồm: Hỗ trợ 1-1 tư vấn doanh nghiệp xây dựng phương án kinh doanh và chuẩn hóa số liệu tài chính và tái cơ cấu hoạt động tài chính phù hợp với yêu cầu của các nguồn tài chính. Triển khai các chương trình hội thảo sự kiện kết nối các nguồn tài chính mới phù hợp với năng lực kinh doanh của các DNVVN tại Việt Nam. Triển khai các khóa đào tạo nâng cao năng lực tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và giảm số lượng các doanh nghiệp bị nợ quá hạn hoặc đối mặt với nguy cơ phá sản. Triển khai các khóa đào tạo cho các cán bộ tín dụng Ngân hàng am hiểu nhu cầu tín dụng của một số ngành mà Việt Nam có lợi thế tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Công bố các sổ tay hướng dẫn, công cụ tự đánh giá sức khỏe tài chính cho DNVVN.
Bài và ảnh Trần Quỳnh/BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này