22:05 - 15/12/2020
Mekong Connect 2020: ‘Đồng bằng’ trước những thách thức cũ và mới
Với chủ đề “đưa sản phẩm – dịch vụ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào chuỗi giá trị toàn cầu”, diễn đàn Mekong Connect 2020 sẽ chính thức khai mạc tại tỉnh Đồng Tháp vào ngày 21/12 tới.
Chiều 15/12, tại Đồng Tháp, Ban tổ chức diễn đàn Mekong Connect 2020 đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu về sự kiện. Đây là là lần thứ 5 sự kiện được tổ chức ở ĐBSCL và lần đầu tiên tổ chức ở Đồng Tháp.
Diễn đàn Mekong Connect 2020 diễn ra bối cảnh ĐBSCL đứng trước những thách thức mới xen lẫn những cái khó đã tồn tại lâu nay như: hạn mặn, ô nhiễm, thiếu hụt phù sa, biến đổi khí hậu, tình trạng sản xuất manh mún…
Trước đó, vào ngày 14/12, báo cáo thường niên đầu tiên về kinh tế ĐBSCL năm 2020 cũng đã đưa ra những cảnh báo về bất cập, sa sút của ĐBSCL, nhất là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và sự chậm thay đổi của thể chế, chính sách.
Báo cáo cũng chỉ ra, với mô hình kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào các ngành truyền thống, gồm lúa gạo và thuỷ sản, thì kinh tế của vùng sẽ không thể “bứt phá”.
“Nếu mô hình này (bao gồm cả chính sách của nhà nước và tập quán của người dân và doanh nghiệp) không thay đổi, thì tụt hậu là điều không thể tránh khỏi và sự tan rã của ĐBSCL chỉ là vấn đề thời gian. Ngược lại, nếu đủ dũng khí và trí tuệ để chuyển sang mô hình phát triển mới, những thách thức hiện nay sẽ trở thành cơ hội lớn để ĐBSCL tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Từ đó, mở ra một tương lai tươi sáng cho hơn 17 triệu dân cũng như những thế hệ tương lai”, báo cáo viết.
Ban tổ chức buổi họp báo cho biết, tại diễn đàn Mekong Connect 2020, các bên liên quan sẽ cùng nhìn lại những nét lớn của kinh tế ĐBSCL; sức mạnh liên kết vùng trong phát triển; định hướng phát triển của đồng bằng và đầu tư cho nguồn năng lượng mới để tạo chuyển biến cho kinh tế ĐBSCL.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đơn vị chủ nhà đánh giá, qua 4 lần tổ chức, diễn đàn Mekong Connect đã có những đóng góp tích cực trong định hình chính sách, giúp các địa phương trong xây dựng kế hoạch lãnh đạo, điều hành và phát triển kinh tế- xã hội. “Tôi tin, những ý kiến trao đổi, thảo luận tại diễn đàn lần này (lần 5) cũng góp phần quan trọng trong định hướng, quy hoạch phát triển vùng”, ông Nghĩa cho biết.
Những vấn đề lớn của ĐBSCL như: thực hiện kinh tế tuần hoàn; đổi mới công nghệ để xây dựng nông nghiệp bền vững và hiệu quả; chọn đối tác đầu tư để phát huy các nguồn lực của đồng bằng, trong đó, quan trọng là nguồn năng lượng sạch và giải pháp nào để tận dụng các hiệp định thương mại tự do nhằm giúp doanh nghiệp ĐBSCL bước vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng được mổ xẻ tại diễn đàn.
Ban tổ chức xin cám ơn các doanh nghiệp tài trợ, đồng hành: Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va; Công ty cổ phần Rynan Technologies Vietnam; Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; Công ty TNHH Bảo quản rau quả Cass; Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long; Công ty TNHH Minh Long I; Công ty TNHH Cỏ May; Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang; Công ty TNHH thương mại dịch vụ Union Trading; Công ty cổ phần Vinamit; Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn; Công ty TNHH Erofins sắc ký Hải Đăng; Công ty TNHH MTV SX – TM thực phẩm đồ uống Thanh Bình; Công ty cổ phần thương mại Khải Hoàn.
Theo Trung Chánh/TBKTSG (link bài gốc)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này