
10:52 - 13/06/2020
Du lịch ngược dòng thời gian
Làng du lịch sinh thái Thới An Đông dưới chân cầu bà kè, quốc lộ 91B, thuộc phường Thới An Đông, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ đã khởi động.
Không còn là đá, là gỗ, là gạch vô tri nữa, khi vết sứt mẻ của năm tháng chừng như đang thầm thì kể câu chuyện phế – hưng bất tận.
Kết nối xưa – nay
Căn nhà có hàng hiên rộng đặt những chiếc ghế gỗ dài, khung sắt đặc, đúc hoa văn kiểu châu Âu, kết hợp với dãy đèn măng-sông trên cao và sàn lót gạch bông đã xuống màu men mang đủ nét u trầm, mở ra một không gian nhuốm màu hoài cổ.
Từng phiến đá, mỗi viên gạch trong khuôn viên này đều có lịch sử của nó, như hai cái băng đá cũ đặt dưới bóng cây gáo vốn dĩ là của ông Cả Đài, một nhân vật tên tuổi của Cần Thơ xưa, còn những viên gạch bông lót nền đã phai mòn và in đậm dấu thời gian nọ… là từ công trình trùng tu trường Collège de Cantho, nay là Châu Văn Liêm.
Qua cửa là gian chính. Cột gỗ đen mun giữa nhà với bao lam, thành vọng được chạm lộng công phu cùng với hoành phi, câu đối. Chủ nhân Nguyễn An Hà kể rằng, nội thất được thiết kế lấy sáng, lấy gió theo kiến trúc Pháp, còn chi tiết trang trí và vật dụng theo kiểu Việt nửa đầu thế kỷ 20. Bàn thờ gia tiên đặt hai bên, với những bộ bàn ghế mặt đá cẩm thạch, cẩn xà cừ lấp lánh ánh bạc…
Bài trí ở gian trong là những kỷ vật được góp nhặt nhiều năm. Đáng chú ý là bộ sưu tập áo dài Nam bộ qua các thời kỳ, và không chỉ là những nếp áo thăng trầm mà cả bộ trang sức đi kèm, của từng nhân vật lịch sử gắn bó với vùng đất này.
Một chi tiết độc đáo khác là ba phòng ngủ được kiến tạo bên trong ba chiếc xe vận tải quân sự đã từng tham gia chiến tranh. Hầu hết các vật dụng bài trí bên trong xe là những kỷ vật của một thời chinh chiến đã xa, để nếu ai là người trong cuộc, gặp lại, sẽ có dịp sống lại ký ức. Kỹ tính và cầu toàn khi hệ thống các bộ sưu tập, Nguyễn An Hà lập hẳn một xưởng cơ khí nhỏ, rước mấy ông thợ máy già về để phục chế bộ sưu tập phương tiện giao thông Nam bộ đầu thế kỷ 20. Bạn sẽ gặp lại xe lam, xích lô máy, xe ngựa, xe lôi… hầu như nguyên bản.
“Nơi này sẽ tổ chức định kỳ những workshop kết hợp phiên chợ, để trưng bày và mua bán trao đổi cổ vật theo chủ đề. Sẽ là nơi gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu. Du khách sẽ tham gia, với tư cách là người sưu tập cổ vật hoặc chỉ dạo chơi quan sát. Phiên chợ sẽ là một sản phẩm du lịch”.
Khu vườn trải nghiệm
Từ không gian xưa cũ, chừng 15 phút đi bộ băng qua những xóm nhà ven rạch Bà Kè, là khu trải nghiệm với tôm cá dưới ao, rau trái trên bờ. Khách sẽ bơi xuồng, mò ốc, đuổi gà, bắt vịt… tạm thời buông bỏ nhịp điệu phố phường để sống hoà cùng thiên nhiên miền sông nước. Hà chia sẻ: “ Làng Du lịch sinh thái Thới An Đông là thành viên của CLB Bếp Ngon Phương Nam (Mekong Cuisine) nên tại đây, du khách có thể thưởng thức các món ngon tiêu biểu mang đậm hương vị miền Tây từ các đơn vị khác; đồng thời để trải nghiệm văn hoá ẩm thực, câu chuyện bên bàn ăn sẽ được kể từ các đầu bếp, những nông gia nuôi trồng, đánh bắt nông, thuỷ sản địa phương”.
Có rất nhiều dịch vụ trải nghiệm tại đây, nhưng cụm nhà nhỏ dựng trên cây, ven hồ… đã thu hút mọi ánh nhìn.
Nhà trên cây trang bị đầy đủ tiện nghi cho lưu trú, thậm chí theo chúng tôi là đã vượt ngoài mong đợi cho một kỳ nghỉ dưỡng. Tầm nhìn thoáng đãng hướng ra vườn cây, ao cá, đón nắng đón gió, và chỉ cần đưa tay là chạm vào lá, để nghe nhịp xạc xào đong đưa.

Sân trước khi bước vào một khu của làng du lịch sinh thái Thới An Đông. Những chiếc xích lô máy cũ, những viên gạch lát sân cũ.
Sân kiểng, đồi tùng
“Hầu hết người chơi cây cảnh đều có mối liên hệ với nhà cổ, đồ xưa. Tôi cũng không ngoại lệ nên chơi kiểng kết hợp đồ cổ. Sau một thời gian, thấy cũng đã đến lúc hệ thống lại từng bộ sưu tập, đặt trong khuôn viên nhà vườn của mình nhằm giới thiệu với khách du lịch thú chơi tao nhã của người Cần Thơ xưa, trong lịch sử hình thành đô thị ngày nay”. Nguyễn An Hà nói như vậy khi đưa chúng tôi thăm vườn kiểng vừa hoàn thành sắp đặt.
Khá nhiều chủng loại nhưng đáng chú ý là những chậu linh sam có nguồn gốc từ Phú Yên, qua tay Hà hơn 20 năm để thành những tiểu cảnh non bộ nhiều dáng thế. Bộ năm cây khế gân cổ có tuổi đời trên trăm năm trong chậu đã được UNESCO công nhận và đạt nhiều giải thưởng quốc tế tưởng đã là nhứt, nhưng chưa phải. Những gốc duyên tùng mới là đỉnh cao của nghề chơi.
Hai mươi gốc duyên tùng cổ thụ được trồng trên ngọn đồi nhỏ phủ cỏ xanh rì. Tất cả đều có lai lịch liên quan tới các nhà giàu xưa. Nguyễn An Hà đã kỳ công góp nhặt được nhiều cây quý, mà tuổi đời phải tính tới hàng trăm năm. Quý nhất là gốc song thụ, được trồng giữa đồi có gốc gác từ thành Châu Đốc xưa thời Pháp thuộc, sau đó là dinh tỉnh trưởng… “Trong Nam kêu duyên tùng, ngoài Bắc là tùng cối, lại còn có tên tuyết tùng, bởi chiều tối, nách lá mở ra đón sương, ánh sáng chiếu vào sẽ lấp lánh như bông tuyết. Tạo dựng thành một quần thể tuyết tùng trên đồi, nơi này sẽ là điểm check-in dành cho khách thích phong cảnh Đà Lạt!” , Nguyễn An Hà cho biết.
Bài và ảnh Đỗ Khuê (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này