
22:13 - 20/01/2023
Thế giới tiêu dùng trong vũ trụ số ở Trung Quốc
Trong vũ trụ số, bạn sẽ được thể hiện bằng một avatar, tương tác với người bán hàng và các nhân vật khác cũng được thể hiện bằng avatar. Bạn cũng có thể gặp các nhân vật nổi tiếng khi tham gia buổi hòa nhạc hay chương trình giải trí.

Hãng công nghệ Baidu đã khai trương nền tảng số với các nhân vật ảo vào tháng 7/2022. Dự kiến, Baidu cũng đưa các nhân vật nào vào thế hệ Web3. Ảnh: Baidu.
Vì thế, các công ty tổ chức sự kiện và các mặt hàng sưu tập cũng có mặt trong thế giới này…
Nhưng người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa cởi mở 100% với việc sử dụng những nhân vật được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Do đó, các thương hiệu sẽ cần phải điều hướng cẩn thận giữa quan hệ đối tác KOL con người thật và KOL ảo
Chuyển sang mua sắm ở metaverse
Thương mại điện tử đã đạt được tỷ lệ thâm nhập cao ở thị trường Trung Quốc, và người tiêu dùng cũng đang muốn chuyển sang mua sắm ở vũ trụ số.
Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc nói rằng Gen Z là nhóm người tiêu dùng chính ở metaverse bởi nhu cầu tiêu dùng của họ được cá nhân hóa và đa dạng hóa. Bán hàng cho Gen Z được đặc trưng bởi tính xã hội hóa, phát trực tiếp và sẵn sàng thử bất cứ điều gì đặc biệt, mới mẻ. Tổng khối lượng bán hàng trực tuyến tăng đều đặn hàng năm. Bán lẻ ở Trung Quốc chuyển đổi từ mua sắm ngoại tuyến sang thương mại điện tử do nhu cầu cao và lợi ích tiết kiệm chi phí. Trong tương lai, sẽ có sự chuyển đổi sang mua sắm ở thế giới ảo.
Sàn thương mại điện tử Taobao (Đãi bảo) đã ra mắt “Metaverse Mall” vào lễ hội mua sắm 618. Trong thế giới này, người mua sắm có thể hướng dẫn hình đại diện của họ tham quan các cửa hàng 3D và tham gia vào nhiều hoạt động tương tác và nhập vai. Alibaba cũng đã nắm bắt cơ hội, tung ra các chương trình mua sắm 3D trên Tmall Luxury Pavilion để tái tạo hầu như trải nghiệm mua sắm trên thực tế.
Được hỗ trợ bởi công nghệ VR (thực tế ảo) và AR (thực tế tương tác), mua sắm ảo trong metaverse có thể tăng đáng kể tỷ lệ tương tác và chuyển đổi của khách hàng. Đây là một thực tế mới cho bán lẻ.
Với AR/VR, các thương hiệu có thể khiến khách hàng đắm chìm trong môi trường ảo độc đáo với các câu chuyện của thương hiệu, vì thế có sự khác biệt. Màn hình VR gắn trên đầu, điều khiển theo dõi chuyển động, tai nghe cung cấp hình ảnh kỹ thuật số, âm thanh và cảm giác chạm. Công nghệ AR (được triển khai thông qua các thiết bị di động được trang bị máy ảnh, kính thông minh và tai nghe phủ nội dung kỹ thuật số lên thế giới thực.
Mua sắm ảo mang đến những điều tốt nhất của cả hai thế giới: Sự hòa nhập của các cửa hàng thực tế và sự tiện lợi của các trang web trực tuyến. Người mua sắm Metaverse có thể thử các sản phẩm bán lẻ ảo, tương tác với đại diện thương hiệu và kết nối với những người mua sắm khác trong môi trường ảo từ chính ngôi nhà của họ.
Nghiên cứu của hãng KPMG cho thấy mua sắm ảo là hình thức rất hữu hiệu cho việc gắn kết người dùng với thương hiệu. Người tiêu dùng dành trung bình 14 phút cho trải nghiệm mua sắm ảo 3D so với hai phút trên các trang web thương mại điện tử tĩnh 2D – tức tăng bảy lần. Sự gia tăng mức độ tương tác sẽ khiến tỷ lệ chuyển đổi (mua hàng) tăng 70%. của khách hàng do trải nghiệm mua sắm ảo dẫn đến tỷ lệ chuyển đổi tăng 70%. Tỷ suất hoàn vốn (ROI) tăng 450% do tỷ lệ mua hàng cao.
Hãng Kivisense của Trung Quốc chuyên về các công cụ WebAR cho phép dùng thử các sản phẩm. Công nghệ của Kivisense được cung cấp thông qua các trang web, các chương trình nhỏ của WeChat, Shopify và các cửa hàng nhỏ ngoại tuyến. Các thương hiệu và nền tảng mua sắm trực tuyến như Gucci, Farfetch và Lancôme đã áp dụng công nghệ dùng thử AR để tạo ra trải nghiệm mua sắm ảo thực tế hơn. Poizon là một nền tảng mua sắm trực tuyến dành cho các cửa hàng thời trang và giày dép có tính năng thử giày AR. Công nghệ ngày càng trưởng thành giúp nắm bắt các chuyển động ở chân của khách hàng.
Một người tiêu dùng chia sẻ về trải nghiệm của mình: “Chức năng này đã giải quyết vấn đề trả lại sản phẩm vì không vừa, khách có cơ hội thử mọi đôi giày mà mình thích. Tuy nhiên, không có cách nào để mô phỏng cảm giác khi một người thực sự đi giày (có thoải mái hay không) và người ta không thể biết cỡ tốt nhất mà họ nên mua”.

Các nhân vật ảo bán hàng của startup Deep Science ở Trung Quốc. Streamer ảo là xu hướng mới trong bán lẻ trực tuyến ở đại lục. Ảnh: Deep Science.
Nhân vật ảo
Nhân vật ảo là sản phẩm công nghệ số được tạo thành từ các nhóm lập trình viên, nhà thiết kế, họa sĩ hoạt hình, chuyên gia tiếp thị và nghệ sĩ 3D. Những nhân vật ảo đã gia tăng nhanh chóng về số lượng và ảnh hưởng trong những năm gần đây ở Trung Quốc. Người tiêu dùng bị thu hút bởi vẻ sống động như thật cũng như giá trị nghệ thuật mà các nhân vật này mang lại.
Các nhân vật ảo được ưa chuộng hơn các ngôi sao giải trí bởi họ không đòi lương bổng, chịu nghe lời và làm việc không biết mệt. Chi phí tạo ra các nhân vật này cũng không quá đắt.
Theo hãng dữ liệu iiMedia Research, thị trường thần tượng ảo ở Trung Quốc giai đoạn 2017 – 2023 tăng trưởng kép hàng năm là 101%, với giá trị 8,1 tỷ nhân dân tệ năm 2017, dự kiến đạt 186,6 tỷ năm 2022 và 333,4 tỷ năm 2023.
Người tiêu dùng Trung Quốc hiện khá quen thuộc với các nhân vật ảo. Nhiều thương hiệu dùng những nhân vật ảo này để thu hút Gen-Z, những người yêu thích hoạt hình, truyện tranh và trò chơi điện tử.
Luo Tianyi là một trong những thần tượng ảo đầu tiên và lớn nhất ở Trung Quốc. Luo phát triển dựa trên nội dung do người dùng tạo – như bài hát, âm nhạc và hình minh họa – khiến người hâm mộ cảm thấy gần gũi và cá nhân hơn. Cô là thần tượng ảo đầu tiên được CCTV mời biểu diễn tại gala Lễ hội mùa xuân năm 2021. Cô cũng cùng biểu diễn với nghệ sỹ dương cầm Langlang nổi tiếng trong một buổi hòa nhạc.
Một nhân vật ảo khác là Ayayi được hãng RM Inc. “chế tác” hồi tháng 5.2021. Tài khoản của cô cũng tạo kỷ lục về lượng người theo dõi. Hãng nước hoa Guerlain của Pháp hợp tác với Ayayi trong các chiến dịch trực tuyến và ngoại tuyến. Ayayi cũng hợp tác với sàn Tmall để phát hành bánh trung thu NFT phiên bản giới hạn và hộp quà thực cho Tết Trung thu.
Bên cạnh các KOL ảo, các livestreamer ảo (phát hình trực tuyến) và Vtuber ảo (xuất hiện trong clip) cũng xuất hiện từ vài năm nay. A-Soul là một nhóm nhạc thần tượng ảo được phát triển bởi ByteDance và Yuehua Entertainment. Nhóm ra mắt vào năm 2020 trên nền tảng Bilibili và đã thu hút hơn 10 triệu người theo dõi hơn hai năm qua.
Theo thống kê Bilibili, các YouTuber ảo có thu nhập cao nhất Trung Quốc trong năm 2021 gồm: A-Soul thu về 3,15 triệu nhân dân tệ mỗi tháng với hơn 31.000 lượt tài trợ của người xem; VirtuaReal thu về 2,93 triệu nhân dân tệ mỗi tháng với hơn 25.000 lượt tài trợ; Project Providence thu về 1,2 triệu nhân dân tệ mỗi tháng với hơn 11.000 lượt tài trợ. Các thương hiệu tiêu dùng cũng lên kế hoạch chuẩn bị cho các nhân vật ảo của mình để sẵn sàng gia nhập vào các nền tảng vũ trụ số sẽ hình thành trong tương lai.
Cửa hàng Nescafe trên JD.com phát trực tuyến 24/7 do một nhân vật ảo chủ trì. Khán giả có thể đặt câu hỏi hoặc yêu cầu nhân vật ảo biểu diễn các tiết mục khác nhau. Các tính năng hỗ trợ khác được lồng ghép vào chương trình livestream bao gồm: đánh giá sản phẩm và đề xuất mua hàng, hướng dẫn mua sắm kỹ thuật số…
Little Monk Yichan bắt nguồn từ một chương trình hoạt hình 3D dành cho trẻ em được công chiếu vào năm 2016. Các chủ đề lành mạnh và hoài cổ đã gây được tiếng vang với khán giả Trung Quốc và tạo nên thành công trên nền tảng Douyin (phiên bản nội địa của TikTok). Từ sức ảnh hưởng này, đội ngũ sở hữu nhân vật trên đã ứng dụng các công nghệ hiện có để phát triển các tính năng mới như: livestream và bán hàng, phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Yichan Little Monk.
Những ví dụ trên chứng minh sự nhạy bén và năng lực của các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc tận dụng những tiến bộ công nghệ sẵn có vào các ứng dụng thực tế trong kinh doanh. Phần lớn phát kiến mang tính ứng dụng, và một phần trong đó thậm chí mang tính tiên phong dẫn dắt thị trường, quay trở lại tác động đến việc định hướng phát triển của các công nghệ lõi.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng mặc dù tăng trưởng nhanh, nhân vật ảo có sức ảnh hưởng đến công chúng vẫn là những gì mới mẻ hay non trẻ.
An Phú (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp xanh từ tài nguyên bản địa
Thực phẩm hữu cơ cơ hữu mùa COVID
Hương cà phê Ê Đê bay xa
Phù phiếm giấm nuốc?
Điện ảnh Việt đầy ấn tượng của 2022
Tags:Trung Quốcvũ trụ số
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này