17:12 - 16/02/2024
Lòng khoan dung vẫn vẹn nguyên giá trị
Nhân đọc cuốn sách “Bàn về lòng khoan dung” của Voltaire (1), tôi muốn gợi lại một cách tiếp cận nhân văn trong thế giới loài người, đó là lòng khoan dung.
1.
Mở đầu tác phẩm, Marc-Antoine Calas đã treo cổ tự tử sau một bữa ăn tối cùng gia đình ở thành phố Toulouse vào ngày 12.10.1761. Bữa ăn gồm người cha Jean Calas, người mẹ, hai người em trai Louis và Piere Calas, người bạn Lavaisse cùng bà hầu người Công giáo bị tống giam. Sau đó, người cha bị gán cho tội siết cổ để giết con trai mình, với lý do Marc-Antoine muốn từ bỏ đức tin Tin lành để trở lại đạo Công giáo nhằm có thể được chấp nhận làm luật sư nhưng gia đình Tin lành không đồng ý cho con mình thay đổi đức tin. Ở thế kỷ 18, vào thời điểm Voltaire viết tác phẩm này, đương sự muốn được làm luật sư thì cần có giấy chứng nhận là người Công giáo, vì vậy mà Marc-Antoine không thể nào được chấp nhận làm luật sư nên đi đến quyết định kết liễu cuộc đời mình.
2.
Tuy nhiên bi kịch đương thời không phải là việc anh chàng Marc-Antoine quyết định kết liễu đời mình vì khác biệt đức tin mà ở chỗ, gần như tất cả thẩm phán đều quyết tâm ép người cha Jean Calas tội chết vì đã tìm cách giết con trai mình dù không có bằng chứng. Những kẻ cuồng tín thời đó cho rằng, cả gia đình Jean Calas có mối thù với người Công giáo, và đối với người Tin lành họ có nhiệm vụ phải giết con trai mình nếu con trai có ý định thay đổi đức tin. Phiên tòa đã kêu gọi người dân cuồng tín làm chứng gian tố giác người cha, Thẩm phán trưởng của thành phố Toulouse muốn đánh bóng tên tuổi, nghe theo những kẻ cuồng tín đã bỏ qua các quy định và thủ tục tố tụng quyết định hành hình người cha Jean Calas trên bánh xe tra tấn cho đến chết. Trong mười ba bồi thẩm đoàn có “niềm tin u mê đã thay thế cho bằng chứng” xét xử Jean Calas thì có một vị bồi thẩm đoàn đã thấy chứng cứ kết tội yếu ớt, đứng ra phản đối bản án, nhưng ông đơn độc trong việc chống lại bồi thẩm đoàn nên quyết định rút lui và về quê. Voltaire nói rằng, sau này người ta thấy các chứng cứ kết tội Jean Calas không vững nhưng họ vẫn lớn tiếng tuyên bố “thà hành hình một lão già… còn hơn bắt các vị hội đồng bồi thẩm đoàn thừa nhận sai lầm”, với ý đồ “phải hy sinh gia đình Calas vì danh dự của bồi thẩm đoàn”. Tuy nhiên, Voltaire nhấn mạnh “danh dự của các quan tòa… nằm ở chỗ biết sửa sai”.
3.
Qua bi kịch nói trên, Voltaire đặt ra hai giả định cho sự kiện nhà Calas: “một là, bị ảnh hưởng bởi sự cuồng tín tôn giáo của dân chúng, bồi thẩm đoàn đã hành quyết người cha Jean Calas vô tội; hai là, cả gia đình Jean Calas đã hợp lực giết người con trai Marc-Antoine, một điều trái tự nhiên. Dù rơi vào trường hợp nào thì thì việc lạm dụng một tôn giáo thánh thiện nhất đã dẫn tới một tội ác lớn. Bởi vậy, câu hỏi khiến loài người chúng ta quan tâm là: tôn giáo đáng ra phải thiện lành hay phải tàn bạo”? Suốt 24 chương còn lại của quyển sách, Voltaire đi tìm câu trả lời tôn giáo đáng ra phải thiện lành hay phải tàn bạo? và cuối cùng ông đã giúp cho người đọc thấy “công lý và lòng nhân đạo vẫn tồn tại cùng với loài người” như ông đã xác quyết. Kết luận của Hội đồng Nhà nước Pháp đã giúp người mẹ trong gia đình Calas đi từ Toulouse lên Paris kêu oan thành công, khi bà phải đi một quãng đường xa cầu cứu đến giới luật sư cũng như cấp có thẩm quyền và luôn giữ vững niềm tin vào công lý.
Một kiệt tác đáng đọc trong giai đoạn thế giới hiện nay đưa ra nhiều biện minh cho hành động phi pháp và gây tổn hại đến đồng loại, cũng như là cơ sở tham chiếu cho giới luật sư, tòa án thêm một lần đối diện trước các phán quyết đối với các bị can yếu thế. Voltaire dường như không quan tâm tới việc giới chức ai sẽ đọc sách của mình, ai sẽ vứt bỏ nó đi. Ông viết Bàn về lòng khoan dung như “một lời thỉnh cầu hãy để nhân đạo hiện diện một cách khiêm tốn với quyền lực và các phán xét thận trọng” – như ông nói – “Hãy trông chờ vào thời đại, vào lòng nhân từ, vào sự khôn ngoan, vào tinh thần lý tính bắt đầu lan tỏa khắp nơi”.
Với tôi, một người đọc sau gần 300 năm tác phẩm này có mặt, tôi vẫn thấy sự hạn chế đâu đó của lòng khoan dung trong tôn giáo, khoan dung cởi mở của tự do tư tưởng, nhưng thức tỉnh thì cũng không quá muộn. Một cách nào đó, người cha Jean Calas bị bồi thẩm đoàn mất đi lý trí do bị đánh lừa, kêu gào, phẫn nộ của kẻ cuồng tín mà hành quyết đến chết trên bánh xe thì họ, bồi thẩm đoàn có thể cầu xin sự tha thứ của gia đình Calas, bày tỏ lòng ăn năn hối cải. Dựa trên bằng chứng không đầy đủ mà buộc tội bị cáo là điều lầm lạc và đi ngược lại lòng bác ái của mọi quốc gia, vậy họ và những ai như họ đã có ý phơi bày sự độc ác khiến một người cha chết oan thì loài người chúng ta, một thời điểm nào đó, với lòng bao dung có thể cũng nên tha thứ cho những người biết chuộc tội. Thật sự, khi đọc những dòng cuối của Voltaire “Chúa biết rằng khi tôi viết ra những suy nghĩ của mình về lòng khoan dung, về Jean Calas, người đã phải bỏ mạng vì sự bất khoan dung, những hành động của tôi chỉ có động lực duy nhất là mối quan tâm đến công lý, sự thật và hòa bình” làm tôi nhớ đến bao nhiêu cảnh đời cá nhân con người và gia đình họ đã tù tội hàng chục năm oan nghiệt, bao gồm cả những người được minh oan và có thể chưa được minh oan. Một tác phẩm có thể soi sáng nền tư pháp nước nhà, dù nó xuất hiện từ thời Khai minh ở Pháp quốc nhưng sẽ là một tham chiếu cho con người trong thời đại ngày nay.
Nguyễn Minh Thanh (theo TGHN)
———–
(1) NXB Thế giới và Nhã Nam phát hành 9/2023.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này