11:54 - 25/01/2023
Soi lại bóng mình
Trong truyện ngắn Gương Soi, Haruki Murakami đã cho nhân vật “tôi” nhận ra bản ngã của mình khi soi lại bóng mình.
Một năm qua, trên đường đi tìm nhân vật, gặp thoáng chốc bạn bè, cộng sự, tôi thường đưa ra những câu hỏi dưới đây, cho bạn, mà cũng là cho chính mình, như một cách “soi lại bóng mình”.
I. Dù bạn nổi tiếng hay không, tự nhìn về mình có lẽ vẫn là điều thật nhất. Nếu được, xin tự giới thiệu bạn trong vài dòng?
II. Trong bao bề bộn của cuộc sống bạn đã trải qua, xin kể ra một thời điểm bạn phải đứng trước một chọn lựa cực kỳ khó khăn?
III. Nếu được làm lại một việc cụ thể nào đó, bạn sẽ làm như đã làm, hay sẽ làm khác đi, thậm chí ngược lại?
IV. Nhân dịp đầu năm, bạn còn mơ ước nào muốn ưu tiên làm trước?
Người sốt sắng nhất là ca sĩ Quang Thành, người mà năm nay tôi mới có dịp cùng làm giám khảo cho giải Út Trong Award mà nghệ sĩ Linh Huyền tổ chức. Viết về một người như Thành không thể gom trong vài dòng. Trong suốt buổi nói chuyện, gần như Thành không muốn nhắc tới tuổi thơ mất cha khi mới lên năm, sau bao lượt ngược xuôi tìm mộ, mãi tới khi anh cùng gia đình sang Mỹ định cư, mới tìm ra cha nằm trong khu mộ tập thể ở Phú Quốc, bị thủ tiêu vì ông là giám thị của trại giam Côn Đảo trước năm 1975. Vướng lý lịch này, Thành không vào được đại học, nhưng hành trang vào đời của anh là lời mẹ dạy từ nhỏ đến giờ vẫn là đừng mang theo hờn oán theo đời cho nặng lòng.
– Dẫu bao thăng trầm nhưng tôi vẫn không thể tách mình khỏi đam mê chính là nghệ thuật. Tôi luôn tiếp tục đa đoan, tự gắn trách nhiệm với gia đình, thân hữu, với công tác xã hội, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa và quê hương. Được truyền cảm hứng từ mẹ, nên ngay cả khi niềm tin chạm đáy tôi cũng luôn suy nghĩ và sống tích cực để vượt qua, tự vực mình dậy để còn tiếp tục đi tiếp với gia đình và đồng sự.
Năm 2002 đang thành công khi được giữ vị trí quan trọng trong một tập đoàn nước ngoài, chuyên về kinh doanh bất động sản và đầu tư tài chính, tôi đứng trước chọn lựa nên ở lại Việt Nam để tiếp tục phát triển sự nghiệp hay sang Mỹ để lo gia đình. Chính ý nghĩ xem quê hương như người mẹ mà tôi đã chọn ra đi để biết chắc rằng rồi sẽ có lúc mình trở lại, như vậy mới lo cho gia đình được đàng hoàng hơn.
Dù đã học xong Nhạc viện và khóa cải lương của trường Nghệ thuật Sân khấu nhưng nếu được trở lại, có lẽ tôi phải tập trung vào chuyên môn của mình chớ không phải chia giờ cho việc biên tập, tổ chức, quản lý, đào tạo, kinh doanh dù biết rằng sự thành công của một cá nhân cần có nhiều bàn tay góp vào.
Tôi vẫn mơ trong tương tai sẽ có những chương trình mang đậm nét dân tộc và đương đại xứng danh mang tên văn hóa Việt Nam vượt qua các giới hạn trước và sau 1975, không bị ràng buộc bởi thành kiến và các dị biệt, nghi ngại, chống đối, điều mà các cộng đồng Hàn, Nhật, Hoa… đã làm được với thế giới. Tôi hiểu để làm được điều này, mình phải học hỏi tới nơi tới chốn, và dĩ nhiên, việc này không thể làm nổi từ một vài cá nhân.
Nhà báo Vũ Kim Hạnh trả lời sớm nhất dù là một người bận rộn, người mà ngay khi về Việt Nam sau dịch bệnh, tôi phải ghé vì khi gặp chị, tôi “được” rất nhiều. “Được” không chỉ ở chị mà còn ở anh Nguyễn Kiến Phước- cả khi anh đã mất. Định chỉ gặp nhau một tiếng, rốt kéo thành nguyên cả buổi sáng, nhưng chị đề nghị chỉ nên ghi lại câu trả lời này thôi:
“Nếu được làm lại, vẫn sẽ chọn nghề làm báo (là bao gồm, có thể là quản lý, đào tạo hay viết báo). Vào vị trí nào sẽ chuyên tâm chỉ cho phần công việc đó”.
Thời gian đại dịch bùng phát năm Covid, tôi thường nối những người có tâm với Sài Gòn cùng nhau, nên đã từng giới thiệu nhà báo Kim Hạnh với Bảo Đăng. Đăng mới trên hai mươi, trong lúc thấy nhiều người bị giữ chân tại nhà thì cậu quyết định lao ra ngoài để mở một bếp ăn từ thiện, hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu và các tình nguyện viên. Khi được hỏi về chuyện đó, cậu trả lời:
– Nhân sự trực chiến cả nhóm chỉ có 6-7 người, phải kiếm địa điểm tổ chức bếp, phải tự xoay các nguồn kinh tế để duy trì đúng chất lượng cho hơn 2.000 suất ăn/uống mỗi ngày, chưa kể khi mọi di chuyển đều bị giới hạn thì mình lại phải di chuyển gấp vài ba lần hơn bình thường để vừa đảm bảo việc duy trì nguồn thực phẩm, nguyên liệu cho bếp, vừa tham gia tiếp nhận tro cốt người đã mất do dịch để làm thủ tục ký gởi (tạm thời) vào các chùa chịu chấp nhận lưu giữ tro cốt. Cuối cùng, chúng tôi cũng duy trì bếp được 68 ngày, hỗ trợ và giải quyết hơn 400 phần tro cốt để người mất được an yên nơi cửa Phật, người còn an tâm để tiếp tục điều trị.
Đâu ai muốn mình sẽ trở thành “người hùng” trước một thảm hoạ, nên ngay sau dịch, tôi muốn “Phải Quên Sạch Sẽ” những gì mình đã làm. Bởi càng cố nhớ, mình sẽ chấp niệm vào đó. Lặng lẽ làm và quên đi với tôi là cách hay nhất khi ai đó nhắc về những hoạt động thiện nguyện trong suốt thời gian qua. Mình chỉ nên nhớ Sài Gòn khi ấy không gục ngã, Sài Gòn bao đồng gánh vác cho hết thảy anh em mọi miền thì cũng có lúc Sài Gòn cần nghỉ ngơi và để anh em khắp nơi chung vai sát cánh để chở che cho Sài Gòn. Vậy thôi.
Không chỉ trong năm mới này mà mỗi ngày, giờ, phút giây nào tôi cũng mong mình sẽ tốt hơn, tử tế hơn và biết yêu thương nhiều hơn nữa…
Ở Canada và sắp về Việt Nam, sau bốn năm rưỡi bị stroke, Minh Phượng, em tôi, thỉnh thoảng vẫn còn diễn được trong các show T.V. và từ thiện, chỉ chọn câu cuối. Cô nói:
– Hiện Phượng chỉ thèm được đi trên đôi chân của mình. Thử coi, mình vốn là người ham hoạt động, muốn trèo đèo, lội suối, bơi lội, tập yoga…giờ thì “bó chân chấm cơm”. Thèm vậy, nhưng ngó lại, khi cần qua những nơi gập ghềnh, lên thuyền, xuống bến vẫn có người giúp dìu, thậm chí bế qua, có phim muốn mời còn chỉnh kịch bản lại cho nhân vật mình ngồi xe lăn hay chống gậy. So với những người bị tổn hại các phần khác của cơ thể, mình vẫn là nhẹ nhất và còn đầy may mắn”.
Tác phẩm của Hoàng Song Việt không chỉ rải khắp trong Nam, ngoài Bắc mà còn ở hải ngoại, nhưng các thù lao dường như không đủ cho Việt vận hành Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt của mình. “Giá trị thương hiệu” này đã được xác lập qua các tác phẩm được giải thưởng cao trong đó có vở “Truyền thuyết chàng Sa Mộc” HCV liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 (mà tôi được Việt rủ phụ một tay). Sẽ có thêm những tác phẩm “tử tế” như vậy, đó là ước mơ của Việt, và hai trong bốn câu của Việt là:
– Một đời tôi không biết thỏa hiệp, biết rõ điều không tốt thì nhất định không làm. Bị cho là quá cứng nhắc trong suy nghĩ và hành động, nên rất ít bạn đồng hành, có chăng cũng chỉ là giai đoạn. Với Sân khấu thì tôi sẽ hoạch định từng mỗi dự án, mỗi hoạt động chi tiết nhất có thể, nhưng với cuộc đời thì luôn … tùy duyên.
Nếu được làm lại, tôi sẽ quyết chịu đựng đến cùng những nghịch cảnh, vì chịu đựng cũng là một ý chí chiến đấu, để bảo vệ được những tài năng trẻ của sân khấu cải lương không dễ tập hợp và đào tạo; bởi đó cũng chính là hoài bão của tôi.
Trong đại dịch vừa qua, cả nhà Phạm Vũ Tuân, (viết văn ký tên Tịch) gồm cha mẹ và hai anh em phải vào khu cách ly, và chỉ có ba người về nhà. Tuân vừa phải qua một cuộc giải phẫu, vẫn cố gởi tới một câu chuyện cảm động.
“…Thời điểm đó, có rất nhiều sáng kiến được thực hiện để hỗ trợ và cứu giúp những hoàn cảnh ngặt nghèo. Một phần mềm trên trình duyệt ra đời, tên SOSMAP – những gia đình nào cần kíp sự giúp đỡ, những người nào hảo tâm muốn cho đi, tất cả đều hiển hiện trên tấm bản đồ. Phần mềm lúc đấy như chiếc cầu, nối liền những cung và cầu. Bản thân lúc đó tự cách ly ở chung cư một mình, khi nhìn lên khu vực nhà ở xung quanh, thấy có nhiều gia đình cần hỗ trợ. Tôi chia nhỏ ra từng phần, định mỗi ngày sẽ giúp đỡ một ít. Duy chỉ có một gia đình, làm mình ngạc nhiên với yêu cầu về sự trợ giúp khá nhiều: cần gạo, cần trứng, cần sữa, cần nhu yếu phẩm… tôi nghĩ số lượng đó là khá nhiều cho sinh hoạt một tháng. Tôi bắt đầu phân vân và ngờ vực, có nên giúp đỡ gia đình này hay gạch tên họ ra khỏi danh sách đó. Một thoáng giận len lỏi, nghĩ đâu đó trong những gia cảnh cần hỗ trợ thực sự, vẫn có những người dụng tâm riêng. Nhưng nếu như gia đình họ thực sự cần kíp thì sao? Vẫn nhớ lại lời mẹ dạy, nếu mình không biết về người ta, mà lại đang tâm nghĩ xấu về người khác, đó chính là cái tội lớn trong đời. Thà mình giúp người, giúp lầm cũng được, còn hơn là dửng dưng trơ mắt nhìn họ. Tôi quyết định vẫn sẽ giúp gia đình nọ. Tôi nhắn tin cho số điện thoại đăng trên phần mềm, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ không thiếu chút gì. Tôi đã đứng dưới cổng chung cư chờ gần 40 phút. Bên kia hẹn lại vào giữa trưa hôm sau, vì bận việc nhà. Trong lòng nghĩ, bản thân đã cất công chuẩn bị mọi thứ, lại còn phải chờ đợi hẹn lần hẹn lữa. Ngày hôm sau tôi gặp một người đàn ông đến, khác xa trong trí tưởng tượng sẽ là một người gầy gò, đen đúa và ăn mặc lôi thôi. Người đàn ông này trắng và cao ráo, mặc sơ mi quần Tây đóng thùng lịch lãm. Tôi thầm nghĩ, thôi rồi, mình đã lầm người rồi. Người đàn ông nhìn khá rụt rè so với hình ảnh bên ngoài của ông. Ông cúi gập người gần 75 độ, miệng lí nhí gia đình tôi rất cảm ơn, rất cảm ơn. Tôi trao túi đồ nhưng trong lòng cứ xốn xang nghĩ ngợi. Thôi vậy, mình giúp đỡ người ta đâu cần người ta báo đáp, cái gì cho đi rồi thì đừng nhớ tới nữa. Nửa đêm, điện thoại nhận được một tin nhắn. Nội dung đại khái, gia đình tôi từ chiều đến giờ mừng không biết kể sao nữa. Đã ba ngày rồi mà cả ba nhà nội ngoại mới có gạo để ăn bữa đầu tiên. Hôm qua vợ tôi vừa sinh em bé ở bệnh viện, thế là không đến gặp anh được. Không có anh, tôi cũng không biết làm sao nữa. Thú thật, tôi thấy xấu hổ với mọi người quá, tay chân lành lặn, có ăn học đàng hoàng mà phải ngửa tay đi xin ăn. Tôi dạy tiểu học, không đến trường dạy đã mấy tháng nay rồi, số tiền dành dụm bao năm nay cũng đã xài hết. Xin cầu chúc cho anh và gia đình gặp được nhiều may mắn và sức khoẻ. Đọc xong, tôi lặng người đi một lúc, thấy mừng là dù rốt cùng như thế nào cũng đã quyết định giúp đỡ một người xa lạ. Cho dù nếu có quay lại thời điểm lúc bấy giờ, tôi vẫn sẽ làm như vậy và càng vững tin vào điều mẹ dạy. Để cho cuộc đời mình không còn chút hối tiếc nào”.
Còn bạn thì sao? Những câu hỏi này bạn có thể tự trả lời về mình hoặc với mọi người đã, đang làm việc với, như một cách ngó lại cái bản lai diện mục của chính mình sau những chặng đường đời.
Tùy bút của Nguyễn Thị Minh Ngọc (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này