08:57 - 27/07/2016
Chọn Formosa, một bài học khác về chính sách FDI
Trong việc mua công nghệ từ nước ngoài, họ chọn công nghệ tiên tiến nhất và từ ban đầu đã đặt kế hoạch làm chủ công nghệ. Có thể nói tinh thần dân tộc là yếu tố cốt lõi trong thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sản phẩm thép Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Formosa) làm ra sẽ bán ở đâu, có cơ sở để hy vọng sản phẩm đó có sức cạnh tranh không?
Chúng ta đã tranh thủ được công nghệ tốt nhất của thế giới chưa, điều kiện chuyển giao công nghệ cho Việt Nam đã được đặt ra như thế nào? Một dự án tầm cỡ quốc gia có nên tùy thuộc 100% vốn nước ngoài?
Bài toán dễ thấy đáp án về thị trường, cạnh tranh ngành thép
Năm 2015, nhu cầu thị trường nội địa Việt Nam (quy ra thép cán nóng) khoảng 16 triệu tấn, các nhà máy trong nước đã sản xuất tổng cộng khoảng bảy triệu tấn, trong đó xuất khẩu gần ba triệu tấn. Do đó, lượng nhập khẩu độ 12 triệu tấn.
Nếu thị trường nội địa sẽ tăng tới khoảng 22 triệu tấn vào năm 2020 như nhiều người trong ngành thép dự báo và nếu tổng lượng sản xuất của những nhà máy đang có vẫn giữ mức bảy triệu tấn/năm, trong đó xuất khẩu vẫn là ba triệu tấn/năm, thì khi dự án thép của Formosa hoàn thành giai đoạn hai (sản xuất 20 triệu tấn/năm), sản phẩm của họ sẽ bán ở đâu?
Bài toán sơ bộ cho thấy trong 20 triệu tấn sản xuất, 18 triệu tấn sẽ nhắm vào thị trường trong nước (thay thế nhập khẩu) và hai triệu tấn phải xuất ra thị trường thế giới.
Như vậy Formosa phải có sức cạnh tranh về chất lượng và giá thành so với hàng nhập khẩu. Điều kiện để xuất khẩu được càng khó hơn.
Trên thế giới, tình hình sản xuất thừa về thép đang ngày càng trầm trọng, liệu Formosa có thể cạnh tranh không?
Formosa và Chính phủ Việt Nam vào thời điểm 2008 (cấp phép đầu tư) đã phân tích, đánh giá thị trường Việt Nam và triển vọng xuất khẩu như thế nào khi dự án bắt đầu sản xuất?
Nếu phân tích thị trường thép thế giới ta thấy thép vào thời đó đã lâm vào tình trạng sản xuất thừa và triển vọng cho thấy tình trạng ấy ngày càng trầm trọng, nhất là khi nhìn kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc trong ngành này.
Sản lượng thép của thế giới vào năm 2000 đã đạt 850 triệu tấn, sau đó tăng rất nhanh, lên tới 1,65 tỷ tấn vào năm 2013.
Nguyên nhân chính là do chiến lược phát triển của Trung Quốc. Chỉ trong 10 năm (từ 2000-2010), sản lượng thép của Trung Quốc tăng tới hơn năm lần (từ 120 triệu lên 620 triệu tấn), năm 2014 tăng lên 821 triệu tấn. Hiện nay riêng Trung Quốc chiếm tới một nửa sản lượng thép thế giới.
Đó là nói về sản lượng. Công suất nhà máy còn cao hơn nhiều. Công suất thép của Trung Quốc lên tới 1,14 tỷ (khoảng năm 2010), nên suất hoạt động mới chỉ khoảng 70%. Trong bốn năm đầu thập niên 2010, giá thép tại Trung Quốc giảm tới gần 50%.
Từ năm 2013, Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược xây dựng Vành đai kinh tế đường tơ lụa và kế hoạch lập Ngân hàng hạ tầng châu Á (AIIB), ngoài tham vọng chi phối châu Á, cũng có mục đích giải quyết nạn sản xuất thừa của ngành thép.
Do chênh lệch cung cầu trong nước quá lớn, từ gần 10 năm nay Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép (xuất khẩu đã tăng tới 90 triệu tấn vào năm 2014) với giá rẻ làm xáo trộn thị trường thế giới.
Gần đây Ủy ban mậu dịch quốc tế (ITC) của Mỹ đã quyết định sẽ áp dụng thuế đặc biệt chống bán phá giá đối với thép nhập từ Trung Quốc.
Tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 5 năm nay, các nước G7 đã ra quyết định yêu cầu Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép. Tại Hội nghị đối tác chiến lược Mỹ Trung gần đây, phía Mỹ cũng đưa ra yêu cầu tương tự.
Tại châu Á hiện nay, thép cao cấp (dùng cho sản xuất xe hơi, đồ điện gia dụng…) do Nhật Bản và Hàn Quốc cung cấp, thép thường (chủ yếu dùng cho các ngành xây dựng) do Trung Quốc cung cấp với giá rẻ.
Giá thép cao cấp của Nhật và Hàn Quốc cũng có khuynh hướng giảm (và từng bị Mỹ phê phán là bán phá giá) vì cung lớn hơn cầu. Hơn nữa Formosa không thể sản xuất các mặt hàng cao cấp nầy.
Về thép thường, với tình hình thị trường, với kế hoạch sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc hiện nay, Việt Nam chẳng những không có triển vọng chen chân vào thị trường thế giới mà còn sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Cần nói thêm, khi công ty JFE của Nhật Bản quyết định đầu tư vào dự án thép của Formosa, dù chỉ có 5% vốn, dư luận trong ngành thép tại Nhật Bản đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về lợi ích tương lai mà JFE hy vọng. JFE đầu tư với hy vọng sẽ tăng thị phần tại thị trường Á châu sau khi nhà máy của Formosa đi vào hoạt động.
Ngoài việc sản xuất thừa và giá rẻ, việc các hiệp định tự do mậu dịch mà Việt Nam đã và sẽ cam kết không cho phép bảo hộ ngành thép trong nước, cũng sẽ làm cho dự án thép của Formosa gặp khó khăn.
Theo thông tin ngày 18/7, Bộ Công Thương vừa quyết định sẽ áp dụng biện pháp tự vệ dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam.
Cụ thể, mức thuế hiện hành (23,3%) sẽ duy trì đến ngày 21/3/2017, sau đó giảm dần xuống 17,3% trong bốn năm,; từ ngày 22/3/2020 trở đi sẽ trở về mức 0% nếu không gia hạn.
Dù gia hạn, với điều kiện thị trường thế giới phân tích ở trên, mức thuế đó chắc cũng khó bảo hộ được hàng thép sẽ sản xuất của Formosa. Nhưng dù bảo hộ được trong một thời gian dài, vấn đề vẫn trầm trọng nhìn từ một phương diện khác như sẽ đề cập dưới đây, là vấn đề chọn lựa chủ đầu tư.
Câu hỏi về chủ đầu tư tên… Formosa và chi phí cơ hội bị mất
Đã có nhiều ý kiến về việc chọn lựa một công ty đã có “tiền án” về môi trường như Formosa. Ở đây ta chỉ xét về công nghệ sản xuất, về trình độ, kinh nghiệm quản lý.
Tập đoàn Formosa mẹ ở Đài Loan chủ yếu hoạt động trong ngành chất dẻo (plastics). Trong dự án thép Formosa tại Hà Tĩnh, họ liên kết với công ty thép CSC cũng của Đài Loan. So với Nhật Bản và Hàn Quốc, trình độ công nghệ của CSC rất thấp.
Bằng chứng là họ hầu như không có một vị trí đáng kể trên thị trường thép ở châu Á chứ chưa nói đến thị trường thế giới. Ngoài ra, thiết bị chủ yếu của Formosa được mang từ Trung Quốc sang.
Nói chung, về mặt công nghệ, dự án thép này là một hợp thành của những công ty thứ cấp trong ngành và chủ yếu được thực hiện bởi một tập đoàn không có kinh nghiệm về sản xuất và kinh doanh thép.
Vấn đề cuối cùng là quan hệ của dự án đối với nền kinh tế quốc dân, là khả năng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và lao động Việt Nam.
Điều kiện để thành công về mặt này là hoạt động của dự án FDI phải gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và lao động trong nước.
Cụ thể, phải tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tích cực tham gia vào việc xây dựng nhà máy, cung cấp sản phẩm đầu vào cho nhà máy, lao động làm việc trong nhà máy phải ưu tiên cho người trong nước.
Những khâu, những công đoạn đòi hỏi trình độ công nghệ, quản lý cao thì phải dùng người nước ngoài trong giai đoạn đầu nhưng phải có kế hoạch từng bước chuyển lại cho chuyên viên và lao động trong nước.
Dự án thép của Formosa hoàn toàn không thỏa mãn những điều kiện này. Đã có nhiều báo cáo cho thấy Việt Nam đã dành cho Formosa một ưu đãi quá đặc biệt trong đó họ được phép xây dựng một vùng kinh tế riêng, thiết bị, nhà thầu xây dựng chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Lao động người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) chỉ kể số đăng ký chính thức đã lên tới hàng ngàn, chưa nói đến lao động bất hợp pháp. Những người trách nhiệm phía Việt Nam hoàn toàn không nghĩ đến việc tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện tiếp thu công nghệ cho lao động bản xứ.
Từ sự phân tích về thị trường thế giới, khó có thể hy vọng dự án thép của Formosa cạnh tranh được với thép nhập khẩu.
Trong những hiệp định thương mại tự do, dù ngành thép có được phép bảo hộ về thuế quan trong một thời gian nhất định thì chi phí cơ hội của dự án này đối với Việt Nam sẽ rất lớn.
Sản phẩm thép thô giá thành cao mà được bảo hộ sẽ làm cho các ngành ở hạ nguồn phải sử dụng đầu vào giá cao, làm cho họ mất sức cạnh tranh trên thị trường.
Kinh nghiệm của thế giới đã cho thấy nhiều nước bảo hộ các ngành công nghiệp nặng như thép đã lâm vào khủng hoảng triền miên vì cả nền kinh tế mất sức cạnh tranh, kéo theo nhập siêu lớn và nợ nước ngoài không trả được.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã thành công trong việc xây dựng ngành thép. Dù có bảo hộ trong thời gian đầu nhưng ngay từ đầu đã hội đủ các điệu kiện để sau đó trở thành ngành chủ lực trong nền kinh tế và cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới. Cần một bài viết khác mới bàn sâu được vấn đề này.
Chỉ tóm tắt mấy điểm: Họ xem việc phát triển ngành thép là dự án quốc gia, là uy tín của đất nước, nên tự mình phải chủ động, cả nhà nước và doanh nghiệp trong nước quyết tâm thực hiện.
Trong việc mua công nghệ từ nước ngoài, họ chọn công nghệ tiên tiến nhất và từ ban đầu đã đặt kế hoạch làm chủ công nghệ. Có thể nói tinh thần dân tộc là yếu tố cốt lõi trong thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Qua phân tích ở trên, bài học về chính sách FDI đã rõ. Cần nhấn mạnh thêm điểm này: Những dự án lớn cỡ như dự án thép của Formosa phải được bàn bạc kỹ và tham khảo rộng rãi ý kiến của chuyên gia kinh tế, công nghệ, luật pháp… trước khi có quyết định.
Trong kế hoạch tăng sản lượng thép của Trung Quốc, có hai dự án đặc biệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Đó là dự án thép ở thành phố Trạm Giang tỉnh Quảng Đông và dự án tại thị trấn Phòng Thành Cảng thuộc tỉnh Quảng Tây.
Hai dự án này vị trí rất gần Việt Nam, có quy mô lớn (tổng sản lượng của hai dự án bắt đầu là 15 triệu tấn/năm và sẽ tăng lên 20 triệu tấn/năm vào năm 2020), và chủ yếu nhắm vào xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trần Văn Thọ
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này