09:36 - 05/12/2023
Thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục ‘đứng hình’?
Tại cuộc họp lấy ý kiến đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ, về việc hoãn một số quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, Bộ Tài chính đưa ra 3 đề xuất:
Thứ nhất, nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán là cá nhân đã tích lũy đủ thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định NĐT chứng khoán chuyên nghiệp tại NĐ65, nên không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định này.
Thứ hai, không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu (TP), để hạn chế tình trạng doanh nghiệp (DN) lợi dụng phân phối, chào mời NĐT cá nhân nhỏ lẻ không phải NĐT chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua TP.
Thứ ba, không kéo dài thời ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc.
Thực tế 3 đề xuất này của Bộ Tài chính là 3 nội dung trong NĐ08. Bình luận về vấn để này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, cho rằng nên xem xét lại việc bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với các DN phát hành TP riêng lẻ, bởi khó áp dụng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc cho tất cả DN.
Theo PGS.TS Thịnh đến hết năm 2025 vẫn có rất ít DN hoàn thành xếp hạng tín nhiệm, vì vậy cần xem lại điều kiện này. Ngoài ra, quy định cá nhân phải là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, có vốn đầu tư thường xuyên 2 tỷ đồng trở lên, đồng thời phải nắm giữ TP 6 tháng liên tục không đứt quãng, là quy định rất khó, và nếu hạn chế cá nhân tham gia đầu tư TP sẽ không kích thích được thanh khoản thị trường trong bối cảnh trầm lắng hiện nay.
Trong khi đó, theo đánh giá của FiinGroup, thị trường TP vẫn còn những yếu tố khó khăn, cần sự trợ giúp từ chính sách và nỗ lực vượt qua của DN.
Thứ nhất, triển vọng kinh doanh của các tổ chức, đặc biệt là nhóm bất động sản (BĐS) và nhóm năng lượng tái tạo chưa thể thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, rủi ro thiếu dòng tiền trả nợ đáo hạn vẫn còn hiện hữu.
Thứ hai, thị trường kênh TPDN chưa thể hồi phục nếu thiếu sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức định chế phi tài chính và NĐT cá nhân. Đối với lĩnh vực BĐS, đại diện FiinGroup cho rằng BĐS dân cư sẽ ảm đạm, khi thị trường BĐS trầm lắng kéo dài và nguồn vốn dài hạn chưa được khơi thông, nhất là từ kênh TP. Để vượt qua khó khăn, ngoài nỗ lực của DN, thị trường TP vẫn cần sự trợ giúp từ chính sách.
Theo báo cáo thị trường TP của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta), quy mô thị trường TPDN tại Việt Nam đã thu hẹp đáng kể so với 2021. Dù đã có dấu hiệu ấm dần trong quý III năm nay nhưng áp lực đáo hạn vẫn còn đè nặng tới năm 2024.
Quy mô thị trường TPDN Việt Nam so với GDP tại cuối quý II-2023 đạt mức 11%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn đỉnh điểm phát triển TPDN vào giai đoạn 2021 (15%). Áp lực TPDN đáo hạn trong quý IV rơi vào khoảng 57.000 tỷ đồng sau khi đã trừ các khoản mua lại. Trong đó, BĐS chiếm 47%. Lượng TPDN đáo hạn trong năm 2024 vẫn còn tương đối lớn với hơn 297.000 tỷ đồng TP tới hạn, với tỷ trọng lớn vẫn thuộc về nhóm BĐS.
Trong báo cáo “Nghiên cứu Đổi mới cơ chế phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ – Một vài hàm ý đối với thị trường BĐS” của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam (VIRES) công bố cuối tháng 11, tiếp tục nhấn mạnh TP phải là nguồn vốn quan trọng nhất với thị trường BĐS, và thị trường cần nguồn vốn trung và dài hạn phải trông chờ vào TP chứ không phải vốn ngân hàng.
Bởi lẽ, nếu BĐS vẫn tiếp tục trông mong vào tín dụng hỗ trợ sẽ tạo ra rủi ro hệ thống rất lớn. Do đó, TP vẫn phải là kênh vốn chính của thị trường. Về dài hạn, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để phát triển thị trường TP lành mạnh, minh bạch, bền vững để các DN có không gian rộng hơn trong việc huy động vốn.
VIRES nhấn mạnh, việc điều hành chính sách pháp luật cần tránh tình trạng khi quá nới lỏng, tạo ra thị trường đầy kẽ hở để các DN đua nhau phát hành. Đến khi có rủi ro lại đột ngột “phanh” gấp, khiến DN trở tay không kịp, như câu chuyện đã diễn ra năm 2022.
Theo ĐTTC/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này