09:50 - 14/01/2020
TS Lê Đăng Doanh: Để không ai bị bỏ lại
Trao đổi với TGHN đầu năm mới chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, nguồn nhân lực cho sự phát triển của Việt Nam từ năm 2020 sẽ là: “Năng lực sáng tạo, tiếp thu cái mới, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, khả năng hợp tác trong một tập thể rất đa dạng trên mạng là những phẩm chất cần thiết trong thời đại hiện nay”.
– Thưa ông, tăng trưởng bền vững là mục tiêu các nền kinh tế hướng đến, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông nhận thấy mức độ biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam như thế nào?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Tăng trưởng bền vững là tăng trưởng cho hiện tại, đồng thời bảo đảm sự tăng trưởng cho thế hệ mai sau về xã hội và thiên nhiên. Về mặt xã hội, tăng trưởng bền vững đòi hỏi mọi người phải được tham gia và hưởng thụ những tiến bộ kinh tế, không để ai bị bỏ rơi phía sau, không dẫn đến chênh lệch giàu – nghèo quá mức, dẫn đến bất bình trong xã hội. Đối với thiên nhiên, khai thác tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, rừng, biển) phải bảo đảm gìn giữ cho thế hệ mai sau, tránh gây ô nhiễm môi trường, tàn phá rừng biển, khai thác cạn kiệt khoáng sản. Tăng trưởng bao gồm sự gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng, Việt Nam đã xây dựng 17 mục tiêu tăng trưởng bền vững theo Chương trình Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Một nhân tố quan trọng trong tăng trưởng bền vững là giảm bớt lượng khí CO2 phát tán ra thiên nhiên, làm cho trái đất ấm lên, dẫn đến tan băng, nước biển dâng cao làm mất nguồn sống của con người. Việt Nam được đánh giá là một trong sáu nước chịu thiệt hại nặng nề nhất về nước biển dâng. Nếu đến cuối thế kỷ 21, nước biển dâng lên 100cm, dự báo 38% đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm dưới nước biển, ảnh hưởng đến 22 triệu dân, nhiều vùng trũng thấp ở miền Trung và miền Bắc cũng được dự báo sẽ chìm trong nước biển. Vì vậy, giảm thiểu nước biển dâng là lợi ích sống còn của Việt Nam. Hiện nay, sạt lở nghiêm trọng ở Cà Mau đã gây thiệt hại kinh tế, ảnh hường đến đời sống của người dân. Việc thực thi luật về bảo vệ môi trường cần được đẩy mạnh với sự hợp tác của các tổ chức quần chúng và sự tham gia của toàn xã hội, khắc phục việc sử dụng than để sản xuất điện, sử dụng than tổ ong, đốt rơm ngoài đồng sau khi thu hoạch lúa, v.v.
Mặt khác, Việt Nam cam kết vận hành “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, điều quan trọng là phải xác định rõ nội dung “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà trong đó vai trò của nhà nước, trách nhiệm giải trình của người ra quyết định, sự công khai minh bạch của quản lý nhà nước, vai trò giám sát quyền lực của các cơ quan dân cử, xã hội dân sự, báo chí… thế nào? Yếu điểm mà mình đang yếu là sự thiếu quy định của luật pháp về công khai minh bạch của bộ máy nhà nước, sử dụng ngân sách, tuyển dụng cán bộ, viên chức. Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh do các tổ chức quốc tế xếp hạng, duy có xếp hạng về chỉ số về tham nhũng, Việt Nam ít đạt được tiến bộ, vẫn xếp thứ 107/180 nền kinh tế (2018), chỉ đạt 35/100 điểm. Với công nghệ thông tin hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách, đi công tác nước ngoài của các cơ quan và công chức nhà nước.
– Theo ông, xây dựng nguồn nhân lực cho một nền kinh tế bền vững cần những chuẩn bị nào? Yếu tố và phẩm chất nào cần nhất của con người cho nền kinh tế phát triển bền vững?
– Con người, chất lượng nguồn nhân lực (bao gồm thể lực, trí tuệ, kỹ năng) trong thời đại Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi những phẩm chất mới về sáng tạo, đón nhận cái mới, hợp tác với người nước ngoài từ các châu lục, ngôn ngữ, tôn giáo khác nhau. Câu “ta về ta tắm ao ta, dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn” trước kia cần được hiểu và vận dụng thích hợp trong hoàn cảnh mới, hiểu rõ những hạn chế của “ao nhà” để vươn lên và khắc phục, phát hiện cái hay, cái mới cần tiếp thu của thế giới. Giáo dục, đào tạo từ gia đình đến nhà trường, qua mạng internet… cần sự đổi mới mạnh mẽ, kết hợp với doanh nghiệp, các viện nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Nhìn rộng hơn, thể chế là cái khuôn hình thành con người, nhưng công nghệ thông tin với việc đào tạo qua mạng, làm việc qua mạng, trả thù lao qua ngân hàng… đã vượt qua biên giới hành chính của nhà nước, giúp hình thành con người của thế giới hội nhập, của công dân toàn cầu. Năng lực sáng tạo, tiếp thu cái mới, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, khả năng hợp tác trong một tập thể rất đa dạng trên mạng, là những phẩm chất cần thiết trong thời đại hiện nay.
– Hitchcock và Willard vào năm 2006 đã đưa ra quan điểm về tính bền vững nói chung và doanh nghiệp nói riêng phải nhận thấy điều cốt lõi chính là đòi hỏi thay đổi tổ chức và thay đổi văn hoá, kỹ năng quản lý được các xung đột, liên kết các nguồn nhân lực và các hệ thống, quy trình khác. Ông có lưu ý đến vấn đề này không? Theo nhận định riêng của ông, ở Việt Nam, thay đổi điều cốt lõi đó như thế nào?
– Hợp tác và cạnh tranh trong thế giới ngày nay đòi hỏi năng lực phân tích và nhận biết tình huống, phát hiện những yếu tố thuận và nghịch, khả năng xử lý xung đột ở mức độ khác nhau. Điều cần thiết là thu thập thông tin đầy đủ và chính xác, phân tích tình huống, hiểu rõ đối tác hay đối thủ, tránh rơi vào bị động khi phát sinh xung đột trên thương trường. Điều quan trọng là các bên phải giải quyết đúng luật pháp, tránh hành động cảm tính, ứng xử không phù hợp với pháp luật. Về mặt này, chúng ta có thể học nhiều qua lịch sử về chọn đồng minh, chấp nhận đối thủ thích hợp nhất, biến đối thủ thành đối tác.
– Trong nông nghiệp tái tạo, một chuyên gia kinh tế Nhật Bản nhận xét: “Để chúng ta cùng sống với nhau trên tinh thần chia sẻ, các liên minh phi lợi nhuận, các tập đoàn lớn, nông dân quy mô nhỏ, nhà đầu tư và nhà hoạt động xã hội đều cùng giúp cho người tiêu dùng hiểu ý nghĩa và hành động ý nghĩa của việc thực hành này, rằng chỉ có duy nhất một nền nông nghiệp”. Ở những lĩnh vực kinh tế khác, điều này có ý nghĩa như vậy không?
– Trong nông nghiệp hay suy rộng ra trong nền kinh tế kết nối, liên kết, hợp tác là xu hướng chủ đạo hướng tới tăng trưởng bền vững, các bên cùng có lợi. Cần nhận biết lợi thế so sánh của mình có thể bổ sung thế nào cho chuỗi giá trị, để xác định vị thế của mình trong chuỗi giá trị. Thế giới ngày nay thay đổi rất nhanh, tuổi thọ của một sản phẩm bị rút ngắn, vì vậy cần khai thác tối đa khả năng hợp tác, liên kết qua mạng, luôn linh hoạt, sáng tạo tự đổi mới doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ thích ứng với những biến động về khoa học – công nghệ và thay đổi của thương trường. Thí dụ điện thoại di động đã tạo ra những khả năng giao tiếp mới như thanh toán qua mạng, quảng cáo, thực hiện mua bán sản phẩm dịch vụ qua mạng ở cả vùng nông thôn xa xôi. Doanh nghiệp cần giới thiệu các tính năng của sản phẩm, dịch vụ mới, tạo ra thói quen tiêu dùng mới, hình thành người tiêu dùng hiện đại của nền kinh tế số.
– Xin cảm ơn ông với những trao đổi thú vị này.
Trần Thu Thảo thực hiện (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này