11:25 - 17/08/2020
Thế giới trong cơn ‘trầm cảm tài chính’ và giấc mộng làm tổ đại bàng
Những biến động làm thay đổi vĩnh viễn các hành vi của con người kể từ đại dịch Covid-19 cũng khiến cho nhiều khái niệm truyền thống trong lĩnh vực tài chính khó có thể tồn tại.
Trong số đó, quan trọng nhất là lý thuyết tài chính doanh nghiệp về sự đánh đổi giữa rủi ro và tỷ suất sinh lợi. Có phải rủi ro càng cao, tỷ suất sinh lợi càng lớn? Chí ít, với những gì mà nhiều nhà đầu tư và các nhà kinh tế quan sát gần đây thì câu trả lời là không.
Các gói bơm tiền khổng lồ của các nước để mua vào trái phiếu chính phủ (TPCP) khiến cho phần bù rủi ro-chênh lệch giữa tỷ suất sinh lợi thị trường và lãi suất TPCP-ngày càng thu hẹp dần.
Nhà đầu tư nhận được mức sinh lợi thấp, trong khi đó, thậm chí rủi ro mất vốn vĩnh viễn ngày càng lớn. Tuần trước chứng kiến việc cả thế giới say đắm trong ánh sáng lấp lánh của kim loại khi giá vàng liên tục lập đỉnh cao nhất mọi thời đại.
Bất ngờ, phiên giao dịch đầu tuần nhận thông tin Nga tìm được vaccine đã khiến lợi tức TPCP Mỹ tăng mạnh, kỳ hạn 2 năm tăng 0,14%, 5 năm tăng 0,27%, 10 năm tăng 0,64%, 20 năm tăng 1,1% và 30 năm tăng 1,32%. Chẳng những thế, giá vàng còn liên tục lao dốc thẳng đứng ngay sau đó khiến cho nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề.
Bất bình đẳng xã hội có thể là mồi lửa làm thiêu cháy mọi thứ
Trong khi các phép đo lường rủi ro chủ yếu nhìn vào các mẫu hình lịch sử, trên thực tế khái niệm rủi ro được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường, pháp lý và thể chế. Chúng đan xen, nhạy cảm và liên tục thay đổi.
Báo chí quốc tế cảnh báo các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý đến rủi ro bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng, khiến cho phản ứng của công chúng đối với một sự kiện nào đó bùng nổ theo cách họ không thể dự kiến trước. Đại dịch lần này chính là điểm tới hạn khiến cho một sự kiện bất kỳ có khả năng dẫn đến một vụ nổ lớn.
Chẳng hạn, cổ phiếu của Boohoo, công ty mua sắm thời trang trực tuyến nổi tiếng của Anh, đã giảm đến 40% sau khi bị tố cáo bóc lột các nhân viên. Giờ đây, các doanh nghiệp nào không chú trọng đến các chuẩn mực phát triển bền vững và các chiến lược quản lý năng động để giảm thiểu rủi ro hoạt động và rủi ro danh tiếng, một đốm lửa nhỏ cũng có thể làm tiêu tan cả cơ nghiệp.
Phát kiến “con gà đẻ trứng vàng” đang dẫn thế giới đến cơn trầm cảm tài chính
Thường thì nhà đầu tư nhận được lời khuyên hướng đến các cơ hội đầu tư dài hạn. Nhưng tờ Financial Times, trong một bài phân tích có tựa đề “Không có câu trả lời dễ dàng trong kỷ nguyên tỷ suất sinh lợi thấp”, có trích dẫn nhận định của Eric Knight-Giám đốc quỹ Knight Vinke-cho rằng ngày nay các nhà đầu tư đang gặp phải “rủi ro tái đầu tư”.
Đây là loại rủi ro mà tỷ suất sinh lợi tốt ngày hôm nay không thể thay thế bằng cơ hội tốt tương đương ngày mai khi khoản đầu tư hiện hữu đáo hạn. Điều đáng sợ là tỷ suất sinh lợi trung bình từ 8% giảm xuống 6,5% sẽ làm sụt giảm giá trị danh mục của quỹ hưu trí 35% trong 30 năm và 50% trong 50 năm.
Với lợi tức TPCP đang ở mức âm, giá trị danh mục của các quỹ đầu tư (phần lớn nắm giữ TPCP) chẳng mấy chốc sẽ bốc hơi trong thời gian ngắn.
Vì sao thế giới đang và sẽ sống trong kỷ nguyên tỷ suất sinh lợi thấp? Ở góc độ vĩ mô, nhiều nhà kinh tế nhận định đó là hệ quả của việc các ngân hàng trung ương khám phá công cụ chính sách tiền tệ mới “gà đẻ trứng vàng” (magic money tree).
Trong khi chính phủ muốn phình to số nợ công để chống chọi với đại dịch, ngân hàng trung ương lại hà hơi tiếp sức bằng cách thiết lập mức lãi suất danh nghĩa thấp hơn lạm phát.
Lợi tức TPCP âm còn kéo mặt bằng lãi suất giảm thấp một cách méo mó của các công ty vay nợ. Nhiều công ty yếu kém, vốn chủ sở hữu âm nay nhận được gói hỗ trợ cũng chỉ tồn tại thời gian ngắn. Các xác sống này sẽ là lực cản rất lớn cho quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch.
Hệ lụy của chính sách “in tiền” là sự chuyển giao của cải từ người tiết kiệm sang các chủ nợ và từ tiền thuế của người dân sang các nhóm lợi ích. Sự chuyển giao đơn phương này càng đào sâu thêm sự bất bình đẳng, vốn đang diễn ra sâu sắc trong xã hội ngày nay.
Một chính sách tài khóa, tiền tệ không còn là một quyết định kinh tế đơn thuần nữa, mà là một quyết định chính trị.
Điều này giải thích cho một nghịch lý, trong khi đại dịch làm cho nền kinh tế thực bị suy yếu thì thị trường chứng khoán lại đi lên, hệ thống ngân hàng thương mại của nhiều nước vẫn có lãi tốt.
Tuy nhiên, như đã đề cập, công cụ tiền tệ “con gà đẻ trứng vàng” đến một lúc nào đó cũng sẽ làm cho tài sản của các định chế ngân hàng, các tổ chức tiết kiệm như các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí ngày càng sụt giảm giá trị, trong đó có cổ phiếu trong danh mục của các quỹ.
Cuối cùng, cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu đều cùng chung số phận. Trầm cảm tài chính là biểu hiện cho căn bệnh này và cũng là câu trả lời khả dĩ cho việc lý giải vì sao chúng ta sẽ sống trong kỷ nguyên tỷ suất sinh lợi thấp.
Suy trầm tài chính cũng đang làm thay đổi sâu sắc nguyên tắc đa dạng hóa đầu tư từ tập trung vào danh mục hỗn hợp các loại tài sản sang nguyên tắc gia tăng số lượng. Việc các quỹ đầu tư ngày càng tăng cường nắm giữ vàng nhiều hơn trong thời gian qua phần nào minh chứng cho nhận định này.
Đến những nơi đang tính chuyện làm tổ cho đại bàng
Trở lại câu hỏi Eric Knight đặt ra ở phần trên là làm thế nào giảm thiểu rủi ro tái đầu tư, ông có đề xuất nên đầu tư vào các dự án có đời sống thật dài. Cách khả dĩ là nhà đầu tư phải phân tích chuyên sâu các công ty và thẩm thấu các phân tích này bằng cách đặt mình trong vai trò của tất cả các bên có liên quan.
Các bên có liên quan là một danh sách rất dài, bao gồm các cổ đông, chủ nợ, nhân viên, nhà cung cấp, chính quyền địa phương và trung ương. Chúng cần được phân tích kỹ để củng cố thật chắc chắn giá trị của khoản đầu tư.
Những thay đổi quá sâu sắc như thế mang lại nhiều hàm ý cho các nhà hoạch định chính sách khi thiết kế các chính sách thu hút đầu tư. Nhất là ở những nền kinh tế hưởng lợi nhiều từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trong cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung.
Điều quan trọng nhất chính là phải tạo lập môi trường đầu tư công khai, minh bạch và cạnh tranh bậc nhất, không chỉ ở cấp độ doanh nghiệp mà còn lan tỏa đến mọi cấp từ trung ương đến chính quyền địa phương.
Mục đích là để đón đầu những nhà đầu tư quan tâm đến việc củng cố giá trị các khoản đầu tư trong dài hạn. Khi đầu tư vào một địa điểm hay một quốc gia nào đó, họ sẽ xem xét toàn diện mọi khía cạnh liên quan đến các cổ đông, chủ nợ, nhân viên, nhà cung cấp, đến cả chính quyền trung ương và địa phương.
Cách tiếp cận mới của các nhà đầu tư trong một thế giới suy trầm tài chính khiến cho một chính sách thu hút đầu tư tốn kém chỉ làm tổ cho đại bàng có lẽ không phù hợp.
Nếu thiết kế không đúng, một chính sách thu hút đầu tư nước ngoài chăm chăm làm tổ cho đại bàng, như miễn giảm giá thuê đất, giảm thuế, nhân công giá rẻ, có thể sẽ rất lãng phí nguồn lực quốc gia một cách không cần thiết. Đáng sợ nhất là cái họ cần mà mình không có. Khi đó, làm tổ cho đại bàng mãi cũng chỉ là giấc mộng.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này