09:10 - 04/03/2020
Một mô hình thay đổi chuỗi giá trị nông sản hiện nay
Cùng với doanh nhân Kao Siêu Lực, với nghề chế biến của mình đã có sáng kiến làm ra bánh mì thanh long và dưa hấu, được xã hội hoan nghênh, doanh nhân Nguyễn Lâm Viên đề xuất mô hình xây dựng trung tâm phân loại, bảo quản, sơ chế và chế biến nông sản chủ lực của từng tỉnh.
Ý tưởng này có thể tác động vào chuỗi giá trị của nông sản, từ khâu cốt yếu đầu tiên là người nông dân (nhà vườn), cho đến các khâu khác và đến người tiêu dùng cuối cùng.
Đề xuất của ông Nguyễn Lâm Viên ngay lập tức được sự đồng tình của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.
Chiều ngày 22/2/2020, tại TP.HCM, bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, cùng lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Kế hoạch và đầu tư đã có buổi làm việc với người đề xuất mô hình, ông Nguyễn Lâm Viên và bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN.HVNCLC). Ông Nguyễn Lâm Viên hiện là chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Vinamit, cũng là phó chủ tịch hội DN.HVNCLC.
Bà Vũ Kim Hạnh nêu lại “bối cảnh” của cuộc gặp, chứng tỏ các bên đều đã “phản ứng nhanh” với tình hình cần cấu trúc lại hoạt đông nông nghiệp: sau bài báo Góc nhìn của bà Kim Hạnh trên báo điện tử VnExpress, bí thư Lê Minh Hoan bày tỏ ý muốn thúc đẩy cụ thể hơn gợi ý của ông Nguyễn Lâm Viên.
Bỏ tư duy mùa vụ, thương vụ và nhiệm kỳ
Thông tin về “bức tranh” tiêu thụ rau, củ, quả nội địa, ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch Vinamit cho biết, nhìn chung tất cả vận hành theo giá thị trường và người bị thiệt hại, bấp bênh nhất chính là nông dân, người chủ làm ra mọi sản phẩm. Thói quen của nhà vườn lâu nay là cứ tuỳ theo giá thị trường mà những thành phần làm thương mại thường phát giá mua mỗi ngày. Thậm chí, các thương lái Trung Quốc “làm chủ” cả vùng trồng, làm giá và trì hoãn mua để đe doạ nhà vườn. Một ví dụ là các nhà buôn Trung Quốc thông báo tình hình sẽ lùi thời hạn mở cửa biên mậu vài tuần hay lâu hơn nữa do dịch Covid-19, đã khiến các nhà vườn hoảng sợ, phải bán rẻ.
Ông Viên đưa ra một ví dụ cụ thể là nông dân bán mít cho Trung Quốc với giá 30.000 đồng/kg. Mức giá này sau đó trong tay các chành, vựa lên xuống tuỳ họ điều tiết. Những nhà chế biến có khả năng không bao giờ có thể mua được giá phải chăng. Vì vậy, đề xuất của ông Viên là nhằm trao lại cho người nông dân và các thành viên tham gia chuỗi giá trị này một sự công bằng, hợp lý.
Cần phải đồng bộ về mục đích giữa các thành phần xã hội, cũng như cơ quan quản lý nhà nước, thì mới phát triển bền vững được. Các doanh nghiệp và chính quyền cần hợp tác để ngăn chặn những rủi ro, biến động của thị trường, nhất là khi có bàn tay cạnh tranh bất chính, chèn ép hay lừa đảo nông dân.
Theo bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan, vừa qua, những yếu tố phi thị trường đã quyết định thị trường, như là tâm lý của nông dân. Điểm nghẽn của nông nghiệp nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đó là nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ và chính quyền tư duy nhiệm kỳ.
Bí thư Tỉnh uỷ cho rằng, người nông dân hiện vẫn còn suy nghĩ: “Trong cái rủi sẽ có cái may” và “mất mùa này còn mùa khác”, cứ thế họ chờ đợi số phận rủi may, nên thường gặp rủi ro và thiệt thòi. Ông Hoan bày tỏ niềm tin sẽ có một bộ phận người nông dân tử tế và doanh nghiệp tử tế cùng nhau tham gia xây dựng mô hình này. Giờ là lúc kết nối họ lại.
Đồng Tháp “xắn tay” làm trước
Bí thư Tỉnh uỷ đánh giá cao ý tưởng mô hình và nhấn mạnh: Không thể không làm! Ông yêu cầu ban cán sự Đảng chỉ đạo uỷ ban nhân dân tỉnh có thư ngỏ gửi ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong đó trình bày ý tưởng và tham vấn ý kiến đóng góp cho mô hình, cũng như chính sách hỗ trợ. Theo ông, tuy xúc tiến thực hiện mô hình ngay, nhưng phải xây dựng thật chặt chẽ, hoàn chỉnh về lý thuyết trước khi thực hiện, và cũng cần truyền thông kêu gọi các nguồn lực tham gia, v.v.
Phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, uỷ ban nhân dân tỉnh rất hoan nghênh, ủng hộ xúc tiến mô hình này và sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực hỗ trợ thực hiện mô hình. Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, có thể sẽ không dễ dàng trong việc huy động nông dân, doanh nghiệp tham gia. Mặc dù vậy, không thể không làm. Cuộc thảo luận cũng đề cập một số định chế chuyên môn có vai trò quan trọng, như: ngân hàng, tổ chức tư vấn về quản lý hợp tác xã kiểu mới…
Vấn đề cần giải quyết trước mắt đó là bộ máy điều hành trung tâm, đơn vị phân phối trên cả nước và xuất khẩu, hoàn chỉnh ý tưởng, trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất thí điểm thực hiện tại Đồng Tháp, sau đó, tiếp tục rút kinh nghiệm và nhân rộng, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh chia sẻ.
Mô hình trung tâm sẽ là: công đoạn trước phân phối gồm năm công việc: Sơ chế – Phân loại – Đóng gói – Bảo quản – Tồn trữ, sau đó phân phối trên tất cả các kênh.
Với hai chức năng: sơ chế, phân loại, đóng gói, bảo quản, tồn trữ nông sản; phân phối thị trường nội địa và xuất khẩu, trung tâm sẽ là nơi tập trung dữ liệu, phân tích, dự báo thị trường, nắm bắt thông tin và định hướng cho bà con nông dân. Nhiệm vụ là phát triển nông nghiệp theo đúng nhu cầu thị trường và có thể làm chủ được sản lượng, chất lượng, tiêu chuẩn theo thị trường, nhu cầu mà khách hàng mong đợi; đáp ứng được thị hiếu và yêu cầu cụ thể của người tiêu dùng, nhà phân phối sỉ và lẻ, nội địa và xuất khẩu; quản lý được rủi ro và điều tiết tốt nhất có thể các thay đổi của thị trường (được mùa, mất giá; được giá, mất mùa); tạo mối quan hệ hữu cơ giữa người trồng và người mua, giữa người trồng và người tiêu dùng.
Ngoài ra, trung tâm phân phối do có cơ hội hiểu rõ hơn về thị trường quốc tế, về yêu cầu của người nông dân, từ đó có thể lên kế hoạch canh tác với từng nhà vườn được chủ động và thực hiện dễ dàng hơn. Sẽ giảm thiểu tối đa cảnh người nông dân hết chặt cây này để trồng cây khác, trong tình thế “mù” thị trường và hoàn toàn lệ thuộc thương lái.
Điểm mạnh nữa là trung tâm sẽ có đủ data (dữ liệu) để dự báo khi gặp những khủng hoảng để phối hợp với Chính phủ, các cơ quan nhà nước và hiệp hội, để giải quyết vấn đề một cách có bài bản và căn cơ hơn – chủ tịch Vinamit phân tích.
Vũ Khánh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này