11:40 - 02/10/2023
Việt Nam tìm lối đi riêng trong điều kiện chính sách nới lỏng
Mặc dù các yếu tố vĩ mô tốt – xấu đan xen, nhưng nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn có lối đi riêng trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng và đi trước khá xa so với nhiều nước trên thế giới.
Vĩ mô quốc tế kém khả quan
9 tháng tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam đã phải đối phó với những vòng xoáy từ thế giới tới trong nước. Trước hết, về tình hình vĩ mô nước ngoài, các yếu tố xấu nhiều hơn yếu tố tốt, cụ thể là giá dầu tăng cao gây áp lực lớn lên lạm phát của nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện giá dầu đã đạt mức cao nhất khoảng hơn 90 USD một thùng sau khi tạo đáy vào tháng 6/2023 ở mức 67-68 USD một thùng. Lạm phát Mỹ nói riêng vẫn rất khó lường, khi trong tháng 6 giảm về mức 3% nhưng tháng 7 đã tăng lên 3,2% và tháng 8 tăng lên 3,7% do tác động của giá dầu cùng giá lương thực, thực phẩm tăng cao. Điều này khiến các chính sách tiền tệ trở nên chặt chẽ và “khó thở” hơn về mặt cung tiền.
Cùng với đó, lãi suất Chính phủ Mỹ lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua, gần bằng so với mức đỉnh năm 2007 là 4,6%; gây áp lực đến tỷ giá và tiêu dùng rất lớn. Đồng thời các loại lãi suất ở Mỹ cũng cao như lãi suất vay mua nhà khoảng 7%, trong khi trước đó là 4%.
Điều này đồng nghĩa với việc người dân Mỹ sẽ phải hạn chế chi tiêu vào năm 2024 hoặc dài hơn, bởi nền kinh tế Mỹ hiện nay là nền kinh tế tiêu dùng; GDP tăng trưởng dựa trên tiêu dùng và tiêu dùng dựa trên chi phí lãi suất. Từ đó cũng có xác suất rằng năm 2024 kinh tế Mỹ sẽ rất khó khăn, nhưng các yếu tố này vẫn chưa đủ để quyết định 100%.
Tại Trung Quốc, bất động sản mặc dù gặp những khó khăn nhất định, nhưng thực tế khủng hoảng bất động sản Trung Quốc còn nhẹ hơn so với Việt Nam giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023.
Trong 2 quý đầu năm nay, kinh tế Trung Quốc đã tăng hơn 5,5% trong khi suốt thời gian Covid-19, họ gần như đóng cửa toàn bộ nền kinh tế với bên ngoài mà tăng trưởng GDP vẫn cao. Đặc biệt, nền kinh tế Trung Quốc không dựa nhiều vào bất động sản mà dựa vào công nghệ cao.
Có những lĩnh vực Trung Quốc đang đứng số một thế giới như xây dựng hạ tầng là các cây cầu, các tuyến đường sắt cao tốc, hay các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Tik Tok… Sự phát triển của Trung Quốc đang dựa vào nội lực, tiêu dùng và chất xám thay vì gia công như trước đây, nên lĩnh vực bất động sản không ảnh hưởng đáng kể đến quốc gia này. Như vậy kinh tế Trung Quốc có thể yếu, nhưng không đến mức xấu như thị trường đánh giá.
Xét một cách tổng quan, vĩ mô nước ngoài tốt – xấu đan xen nhưng dấu hiệu xấu nhiều hơn tốt. Từ đó gây áp lực lên nền kinh tế Việt Nam cuối năm 2023 kéo sang năm 2024 ở một số vấn đề như: VND mất giá; Lạm phát Việt Nam khó kiểm soát hơn; và Xuất khẩu phục hồi không nhanh.
Việt Nam tìm lối đi riêng
Về kinh tế vĩ mô của Việt Nam 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 4,24%. Nếu Việt Nam làm tốt thì GDP cả năm sẽ đạt khoảng 6% hoặc thấp hơn, tuy nhiên xu hướng lại đang khá tích cực khi quý 1, GDP chỉ tăng 3%, tăng dần từ quý 2 lên 4% và quý 3 đạt 5,3%. Vì vậy xu hướng tăng GDP trong quý 4 có thể rất triển vọng.
Cùng với đó, chúng tôi đánh giá tích cực hoạt động đầu dựa trên con số tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 2.260,5 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Đáng chú ý, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ ngày 1/1 đến 20/9/2023 đạt 20,21 tỷ USD tổng vốn đăng ký, tăng 7,7%.
Về xuất nhập khẩu, đầu năm nay là tiêu cực thì đến nay đã bắt đầu đảo ngược xu hướng. Cụ thể, xuất siêu đạt 21,68 tỷ USD trong 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 60,53 tỷ USD, giảm so với tháng trước nhưng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy tháng 10-11-12 tới đây, tăng trưởng xuất khẩu sẽ rất mạnh mẽ và kéo dài đến đầu năm 2024. Điều đó cho thấy nội tại của Việt Nam về xuất khẩu đang trở lại khá tốt.
Riêng yếu tố lạm phát có diễn biến tiêu cực hơn, bởi lạm phát tháng 9/2023 tăng 1,08% so với tháng trước và cả quý 3 lạm phát đã tăng 2,8%. Thực tế chỉ số giá vàng và chỉ số đô la Mỹ cũng đóng góp vào đà tăng của lạm phát, cùng với yếu tố khá quan trọng đó là giá dầu. Nếu tháng 10 này, lạm phát của chúng ta vẫn giữ được ở mức thấp thì tình hình sẽ khả quan.
Chúng tôi cho rằng về lâu dài, Việt Nam vẫn có lối đi riêng và có cơ hội phát triển mạnh dựa trên các yếu tố gồm: Thứ nhất, Việt-Mỹ nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện, mang cơ hội lớn cho chúng ta nếu khai thác được tiềm năng này.
Thứ hai, là tham gia vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn trực tiếp toàn cầu nhờ vào vị thế có đất hiếm lớn thứ hai thế giới.
Thứ ba, là Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm trung chuyển của thế giới do vị trí địa lý tốt, các cảng biển của Việt Nam ngày càng được đánh giá cao như cảng Cái Mép thuộc Top đầu thế giới. Một số đối tác ở Mỹ cũng đang chuẩn bị các kế hoạch có thể đầu tư vào hệ thống cảng biển của Việt Nam giúp nâng cấp và trở thành trung tâm trung chuyển của thế giới.
Thứ tư, là Việt Nam sẽ đón nhận dòng vốn FDI lớn, điều này đã được thể hiện qua 9 tháng đầu năm khi dòng vốn FDI tăng 7,7% và xu hướng đó sẽ tiếp tục kéo dài đến năm sau.
Từ các phân tích đánh giá, chúng tôi nhận định chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian sắp tới sẽ không có gì thay đổi. Trước đây, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam thường quanh mức 12 -15%, cung tiền M2 cũng ở mức này, thậm chí thấp hơn. Chúng ta không bị cung tiền một cách quá đà như Mỹ hay một số nước khác, vì vậy sẽ không nhất thiết phải thắt chặt tiền tệ bởi vì năm 2022 cung tiền rất thấp, tín dụng đầu năm 2023 cũng rất thấp, trong khi tăng trưởng đặt mục tiêu là 6,5% thì cung tiền phải trên 10% mới đáp ứng đủ.
Về tầm nhìn trên thị trường chứng khoán, trong năm 2024 sẽ có sự phân hoá mạnh do một số doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường, ngược lại một số nhóm được hưởng lợi nhờ kinh tế tăng trưởng và nhờ chiếm thị phần của những doanh nghiệp yếu kém bỏ lại. Do đó, việc lựa chọn những doanh nghiệp tăng trưởng trong giai đoạn tới sẽ vẫn mang lại kết quả tốt cho nhà đầu tư.
Theo Đặng Trần Phục*/DĐDN
————
(*) Chủ tịch HĐQT AzFin Việt Nam.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này