10:37 - 04/06/2020
Nhiều tiền, lắm suy tư
Từ con số1,3 tỷ USD trong năm 2000, lượng kiều hối chảy về Việt Nam luôn tăng đều và dồi dào, như năm 2019 vượt quá cột mốc 16 tỷ USD.
Tuy nhiên, thái độ và sử dụng hiệu quả nguồn tiền khổng lồ lại gợi nhiều suy tư…
Số liệu của World Bank (WB) về kiều hối tại Việt Nam ba năm qua đều tăng ấn tượng: 13,8 tỷ USD năm 2017, 15,9 tỷ USD 2018 và 16,7 tỷ USD 2019. WB nói tỷ lệ tăng trưởng trung bình của nguồn tiền này là 10 – 15% trong hơn một thập niên qua.
Tiền mồ hôi, công sức
Số ngoại hối trong năm 2019 là do công sức khó nhọc của 4,5 triệu người Việt lao động tại 103 quốc gia và lãnh thổ. Các số liệu thống kê chính thức của Việt Nam nói lượng tiền xuất khẩu lao động hàng năm đạt 2,5 – 3 tỷ USD, khoảng 15% tổng lượng kiều hối. Như vậy, số tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về giúp đỡ thân nhân chiếm tỷ lệ áp đảo 85%.
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ước tính chỉ riêng giai đoạn 1990 – 2015, có hơn 2,5 triệu người Việt di cư ra nước ngoài và trung bình mỗi năm tăng thêm gần 100.000 người. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ghi nhận có 540.000 lao động Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài trong năm 2019. Riêng năm ngoái, có hơn 141.000 người.
Tuy nhiên lao động Việt Nam thuộc nhóm thu nhập thấp tại nước ngoài, trung bình mỗi tháng gửi về 735 USD. Nhưng theo báo cáo “Hai mặt của đồng tiền: Câu chuyện của người nhận kiều hối” của công ty tài chính UniTeller công bố tháng 12/2019, mức gửi này cao xấp xỉ mười lần mức thu nhập 73 USD/tháng của các hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam.
Đồng tiền khó, thái độ dễ?
Phần lớn nguồn tiền đổ về TP.HCM, có khi tỷ lệ lên đến 50% được tái đầu tư vào thị trường bất động sản và ngoại hối, khi lãi suất tiết kiệm ở Việt Nam cao hơn nước ngoài. Nhiều căn hộ, biệt thự, khu đất được Việt kiều nhờ người thân đứng tên mua.
Trong khi đó, các số liệu của Agribank và các ngân hàng khác ở Việt Nam cho thấy các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh, trung bình nhận 250-500 triệu USD/năm, nhưng đang có chiều hướng giảm dần và giảm mạnh trong ba năm qua. Vụ tai tiếng “nạn nhân xe thùng” ở Anh, các vụ du khách trốn ở lại Hàn Quốc và Đài Loan – mà phần lớn đến từ các tỉnh này – đã khiến hồ sơ xin visa bị đại sứ quán, tổng lãnh sự quán nước ngoài xếp vào “danh sách đen” – đòi hỏi thủ tục gắt gao khi xin visa! Vì thế, lượng lao động đi nước ngoài giảm.
Tại các địa phương này ngày càng có nhiều căn nhà khang trang mọc lên và các loại tiện nghi đắt tiền: smartphone, xe sang hay nhà từ đường, nhà thờ tổ hay lăng mộ nguy nga! Trong khi đó, khảo sát của UniTeller cho thấy tiền gửi về được chi trả: 24% cho các khoản chi quan trọng thường nhật trong gia đình, 25% trả nợ, 14% để dành, và còn lại dùng để trả các khoản giáo dục và y tế…
Nguồn tiền từ người thân ở nước ngoài đã cải thiện chất lượng cuộc sống cho hơn 74% người Việt tham gia khảo sát. Bên cạnh đó, 73% cho biết nguồn tiền nước ngoài đã giúp họ trang trải những chi tiêu mà bản thân họ không thể chi trả trước đây. “Từ nguồn thu nhập phụ trợ cho gia đình và người thân, kiều hối đã trở thành nguồn tiền huyết mạch cải thiện vị thế kinh tế và xã hội của người nhận”, báo cáo của UniTeller nhận định.
Kết quả khảo sát của UniTeller cho thấy 99% người Việt tự tin mình có thể tự chủ trong việc sử dụng kiều hối. Nhưng có tới 21% thừa nhận họ thường xài đến đồng cuối cùng và 35% có xu hướng… xin thêm!
Cứ mười người ở nước ngoài, thì có ba phàn nàn họ phải chịu “sứt mẻ tình thân” và đau đầu vì chuyện gửi tiền về mỗi tháng!
Ricky Hồ (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Chiến lược liên thủ của ‘bộ tứ kim cương’
NHNN có thể kiên nhẫn trong việc tăng lãi suất năm 2024
Bà Phạm Chi Lan: Nên để TP.HCM chủ động, linh hoạt mở cửa
Thông điệp thời chiến, hiến kế thời bình
Một đề xuất làm ‘méo mó’ thị trường
Tags:kiều hối
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này