09:00 - 18/07/2019
Số hoá, quyết định vẫn là người tiêu dùng
“Cách mạng 4.0”, cuộc thay đổi dựa trên nền tảng của công nghệ số, tức “chuyển đổi số” không phải vấn đề gì cao xa hay quá kỹ thuật, học thuật.
Microsoft của Bill Gates đã đưa ra định nghĩa thế này: “Chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới”.
Từ khoá quan trọng chính là “những giá trị mới”. Những giá trị mới đó là cái gì vậy, đối với chúng ta với vai trò là doanh nghiệp, nếu không phải là sản phẩm mới, dịch vụ mới, chất lượng mới, thị trường mới, cung cách mới, hình ảnh mới, tăng trưởng mới, sự khẳng định mới…
… Thị phần mới, lợi nhuận mới?
Thực tiễn kinh doanh ngày nay khá nghiệt ngã: hoặc đạt đến những giá trị mới đó, hoặc bị đào thải, không thể phân vân ngập ngừng trong cuộc chơi hay nói “không” với chuyển đổi số.
Vậy chỉ còn phải xác định “chơi” như thế nào, khi nguồn lực là có hạn, và còn nhiều vấn đề phải quan tâm khác.
Hiểu rõ về mối ưu tư này của doanh nghiệp, hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã đưa số hoá thành một trọng điểm mở đầu chuỗi ba chương trình hành động của năm 2019 và sau đó: số hoá, chuẩn hoá, chinh phục thị trường.
Chuyển đổi số với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số đông trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đầu tiên không phải là một vấn đề kỹ thuật, mà là vấn đề mối liên hệ với người tiêu dùng, xét từ cả hai góc độ: nội tại và ngoại vi.
Khi được hỏi điều gì là khó khăn nhất trong quá trình tiếp cận doanh nghiệp, anh B.Đ.T., một chuyên gia tư vấn giải pháp của H., đã chia sẻ: chính là làm sao giải toả nỗi sợ hãi của chủ doanh nghiệp về hình ảnh ông kẹ “chuyển đổi số”. Gần như 100% các anh chị đều nhất trí rằng phải chuyển đổi, tuy nhiên chỉ một nửa trong số đó là chủ động tìm đến các nhà cung ứng giải pháp, một nửa còn lại vẫn kiên trì tâm lý “cố thủ” tránh xa nó, chờ ai đó đến thuyết phục mình. Tỷ lệ này dù sao cũng đang tăng dần.
Nguyên nhân nỗi lo là ở chỗ doanh nghiệp quan niệm đó là một vấn đề đòi hỏi chuyên môn cao về công nghệ thông tin, khó nắm bắt, khó kiểm soát, và bên cạnh đó là bài toán chi phí. Một người bán giải pháp giỏi sẽ giúp doanh nghiệp gỡ bỏ nỗi lo lắng đó bằng cách vạch ra một lộ trình đồng hành khả dĩ nhất, để hai bên cùng bước trên con đường không thể không đi qua ấy. Một thách thức đòi hỏi mức độ tin cậy cao, tính phối hợp cao giữa nhà cung ứng dịch vụ và doanh nghiệp – người sử dụng dịch vụ, và dĩ nhiên, trong sự liên thủ ấy, thành công cuối cùng phụ thuộc vào nỗ lực và sự đầu tư của cả hai bên.
Xét ở góc độ ngoại vi, cũng chính là tình thế thị trường, thói quen sử dụng sản phẩm, dịch vụ, thói quen mua sắm, trào lưu thị hiếu, mọi cái đều đang củng cố cho hình ảnh của một thời đại số hoá, xã hội số hoá.
Khi mà chuỗi người xếp hàng mua sắm là những chiếc áo mang màu đồng phục xanh, đỏ, vàng của các hãng vận chuyển – giao hàng chiếm đa số.
Khi mà một xe đẩy bán ổi, một sạp bánh xèo trong góc hẻm cũng ghi rõ địa chỉ… Facebook hay Foody.
Khi thế hệ millennials đang định hình phong cách sống.
Đó chính là tâm lý tiêu dùng số mà doanh nghiệp không thể bỏ qua khi viết lên bản kế hoạch kinh doanh của mình, cho dù đó là kế hoạch tuần hay kế hoạch dài năm.
Hoà vào trong một môi trường tâm lý tiêu dùng số đang hiện hữu và liên tục phát triển, và vượt qua tâm lý ngại thay đổi, đó là hai điểm then chốt mà hội đang hướng các doanh nghiệp Việt Nam cùng đi đến.
Tiếp tục chương trình hoạt động liên quan đến chủ đề này, hội tổ chức chuỗi hội thảo ba chủ đề lần lượt diễn ra trong các tháng 7, 8 và 9: Chiến lược kinh doanh thời đại số; Trải nghiệm khách hàng – cơ hội phát triển thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME); Kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ đối với các doanh nghiệp SME. Mục tiêu của chuỗi hội thảo là trang bị cho các doanh nghiệp những thông tin cần thiết để doanh nghiệp có thể tự tin nắm vững xu thế, vượt qua những rào cản tâm lý, và định ra mô hình chuyển đổi số phù hợp cho doanh nghiệp của mình.
Mỗi lĩnh vực kinh doanh khác nhau sẽ có những mô hình ứng dụng công nghệ số khác nhau.Tuy nhiên, mọi mô hình kinh doanh đều phải xuất phát từ việc xác định chiến lược thị trường.
Tại chủ đề đầu tiên – Chiến lược kinh doanh thời đại số, diễn ra ngày 18/7/2019, trên 100 doanh nghiệp Việt Nam sẽ nghe các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thị trường và công nghệ, như bà Nguyễn Phương Nga – giám đốc phát triển thị trường của công ty nghiên cứu thị trường Kanta Việt Nam, ông Phí Anh Tuấn – chủ tịch công ty PAT Consulting, và các chuyên gia khác chia sẻ về các nội dung Xu hướng tiêu dùng thời đại số. Việc chuyển đổi từ lấy sản phẩm làm trọng tâm sang xem khách hàng là trọng tâm, những lưu ý trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh ở kỷ nguyên số.
Đặc biệt, hội thảo có phần toạ đàm giữa các chuyên gia và các doanh nghiệp đã và đang thực hiện chuyển đổi số như Điện Quang, Zara Yarntex… về các bài học kinh nghiệm thực tiễn mà doanh nghiệp đã gặp và giải quyết trong quá trình chuyển đổi.
Tập trung đi sâu vào những thông tin nền tảng nhận diện người tiêu dùng làm cơ sở cho các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như những đúc kết từ thực tiễn, các nhà tổ chức hội thảo cố gắng làm sao cung cấp cho doanh nghiệp một góc nhìn cụ thể nhất, tường minh để có thể định ra hành trình chuyển đổi cho riêng mình. Chắc chắn, những thông tin này sẽ thật bổ ích đối với các doanh nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục quá trình chuyển đổi số của mình cho một mục đích: chinh phục thị trường.
CIO Việt Nam: Chiến lược kinh doanh thời đại số
Lúc 8h30, thứ 5 ngày 18/7/2019, tại tầng 12, IMC building, 62 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM sẽ diễn ra chương trình “Chiến lược kinh doanh thời đại số”.
Chương trình do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) phối hợp cùng cộng đồng CIO Vietnam tổ chức. Nội dung trên nằm trong chuỗi chương trình “Digitalization for SMEs”.
Với chủ đề “Chiến lược kinh doanh thời đại số”, ban tổ chức sẽ chia sẻ nhiều nội dung liên quan, thiết thực cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa:
– Nhận dạng chân dung người tiêu dùng hiện đại
– Hành vi tiêu dùng thời đại số đã khác như thế nào so với trước đây?
– Chiến lược kinh doanh thay đổi như thế nào trong thời đại số
– Các câu chuyện thực tế và các chia sẻ kinh nghiệm
Phan Nhơn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này