10:36 - 23/10/2019
Việt Nam nằm trong top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới
Theo Dữ liệu Kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (World Bank), kiều hối chuyển về các quốc gia thu nhập trung bình và thấp được dự báo sẽ đạt 551 tỷ USD trong năm 2019 và 597 tỷ USD vào năm 2021.
10 quốc gia được dự báo sẽ nhận nhiều kiều hối nhất năm 2019 là Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Philippines, Ai Cập, Nigeria, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam và Ukraine.
Năm nay, Ấn Độ được dự báo sẽ nhận kiều hối 82,2 tỷ USD, chiếm 2,8% GDP của nước này. Theo sau là Trung Quốc với 70,2 tỷ USD, chiếm 0,5% GDP.
Đứng ở vị trí thứ 9, kiều hối chuyển về Việt Nam năm nay ước đạt 16,7 tỷ USD (chiếm 6,4% GDP), tăng nhẹ so với 16 tỷ USD của năm 2018. Trong hai thập kỷ qua, kiều hối chuyển về Việt Nam tăng đều, từ mức hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2000 và chỉ giảm duy nhất vào năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, so với Philippines, quốc gia ASEAN đứng thứ hai trong top 10, kiều hối về Việt Nam hiện chỉ bằng một nửa. Kiều hối về Philippines ước tính chiếm khoảng 9,8% GDP của nước này trong năm 2019.
Xét về nguồn kiều hối, ước tính hơn 50% lượng kiều hối chuyển về các nước thu nhập thấp và trung bình là từ những quốc gia sử dụng đồng USD hoặc có tiền tệ quan hệ mật thiết với đồng USD (như các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh – GCC).
Phần còn lại được chuyển từ các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) với 12%, Anh (4%), Liên bang Nga (3%), Canada (3%) và Australia (2%)…
Tăng trưởng dòng kiều hối về các nước thu nhập thấp và trung bình được dự báo sẽ giảm xuống còn 4,7% trong năm 2019, so với mức 8,6% năm 2018. Kiều hối về các nước này cũng được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2020 và 2021 với mức tăng trưởng lần lượt là 4,2% và 4%. Các nhân tố ảnh hưởng bao gồm là tăng trưởng kinh tế tại các nước nguồn, giá dầu và biến động tỷ giá.
Trong trung hạn, tăng trưởng kiều hồi được dự báo sẽ tiếp tục bị hạn chế bởi chi phí chuyển tiền cao và các quy định tài chính nghiêm ngặt. Còn trong dài hạn, rủi ro sẽ tiếp tục tăng, chủ yếu do tình trạng dòng người di cư – được dự báo sẽ tăng đáng kể.
Khoảng cách thu nhập trung bình giữa các nước thu nhập cao và thu nhập thấp – động lực chính của việc di cư, hiện ở mức 54:1 (hơn 43.000 USD so với dưới 800 USD). Điều này được dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa dòng người di cư từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Bên cạnh đó, thay đổi trong nhân khẩu học cũng là động lực thúc đẩy di cư. Vào năm 2030, dân số trong độ tuổi lao động tại các nước thu nhập thấp và trung bình được dự báo sẽ tăng thêm hơn 550 triệu người. Và phần lớn trong số này có thể không tìm được việc làm hoặc việc làm với thu nhập tốt ở nơi mình sinh ra, từ đó gia tăng áp lực di cư.
Theo Hoài Thu/VnEconomy
Có thể bạn quan tâm
Vốn ngoại rót 1,1 tỷ USD vào bất động sản Việt
NHNN đang xử lý vụ Giám đốc Quỹ Tín dụng Thái Bình ‘ôm’ tiền bỏ ra sao?
‘Rã băng’ trái phiếu bất động sản
Tỷ giá USD/VND, ‘ngưỡng chặn’ và cung ngoại tệ tiềm năng
‘Cơn sóng nợ’ đang hình thành
Tags:kiều hốiWorld Bank
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này