
15:12 - 03/05/2017
Cuộc chiến chống chích ngừa
Một số ca tai biến sau chích ngừa, nỗi lo bệnh tự kỷ gây ra do vắcxin, niềm tin vào tôn giáo không chấp nhận đưa chất lạ vào cơ thể, cùng nhiều lý do khác đã hình thành trường phái chống vắcxin (anti-vaccine).
Vắcxin cứu 2 – 3 triệu người mỗi năm
Từ năm 2012 đến nay, tuần lễ cuối tháng 4 mỗi năm được tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là Tuần lễ chích ngừa thế giới (World Immunisation Week) để nâng cao nhận thức con người về chích ngừa, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để chống lại những bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin.
Chẳng có gì phải bàn cãi khi chích ngừa đã giúp 2 – 3 triệu người thoát khỏi tử vong mỗi năm, đặc biệt là trẻ em, cũng như giúp kéo dài tuổi thọ con người và làm phát triển kinh tế. Ước tính cứ mỗi 1 USD bỏ ra cho chích ngừa, xã hội sẽ tiết kiệm 16 USD chi phí cho chăm sóc sức khoẻ và giảm năng suất lao động do bệnh tật.
Cách đây 20 năm, sởi còn là nỗi ám ảnh của biết bao người vì bệnh có thể dẫn đến biến chứng mù mắt, viêm não và tử vong cho trẻ em. Nhưng nhờ sự bền bỉ của phong trào chích ngừa sởi mà số trẻ tử vong vì bệnh này đã giảm từ 651.000 ca vào năm 2000, còn 134.000 ca vào năm 2015 trên toàn cầu.
Sau 22 năm nỗ lực chích ngừa, năm 2016 hàng chục quốc gia châu Mỹ là nơi đầu tiên trên thế giới được WHO công nhận loại trừ hoàn toàn bệnh sởi. Trước đó, những quốc gia này cũng được công nhận không còn bệnh đậu mùa vào năm 1971, bại liệt năm 1994, hội chứng rubella và rubella bẩm sinh năm 2015.
Bằng chứng thuyết phục như thế vậy sao có chuyện chống chích ngừa? Theo các nhà nghiên cứu, tranh cãi về vắcxin nổ ra khoảng 80 năm trước khi xuất hiện thuật ngữ “vắcxin” và “chích ngừa”. Tranh cãi chủ yếu xoay quanh tính hiệu quả, an toàn và sự cần thiết phải chích ngừa, vì cho rằng nó vi phạm một số nguyên tắc tôn giáo.
Đầu thế kỷ 18, như nhiều nơi trên thế giới, nước Anh biết đến dịch đậu mùa cướp đi sinh mạng vô số người. Sau khi chứng kiến thành công của việc “chủng đậu” ở Thổ Nhĩ Kỳ, công nương Mary Wortley Montagu mang phương pháp này về Anh, cứu sống nhiều người khỏi bệnh đậu mùa. Bất chấp thành công này, tôn giáo vẫn phản đối với lý lẽ “bệnh tật là do thượng đế tạo ra để trừng phạt người có tội, vì thế bất kỳ nỗ lực nào để ngăn cản bệnh đều xem là tiếp tay cho quỹ dữ”.
Thế nhưng vào cuối thế kỷ 18, vắcxin chữa đậu mùa được phát minh bởi bác sĩ Edward Jenner, sau khi ông chứng kiến một số nông dân nhiễm nhẹ bệnh đậu bò mà không mắc bệnh đậu mùa. Thực nghiệm bằng cách lấy vẩy mụn bệnh đậu bò của người bệnh cấy vào da một người lành, Jenner nhận thấy người này chỉ mắc bệnh đậu mùa thể nhẹ và không bị biến chứng. Năm 1798, Jenner công bố nghiên cứu và từ đó vắcxin ngừa đậu mùa được sử dụng, giúp ngăn chặn đà tiến của dịch bệnh cướp đi sinh mạng hàng triệu người.
Người lớn tranh cãi, trẻ em chịu thiệt
Nếu cuộc chiến chống vắcxin ra đời trên thế giới hàng trăm năm nay, thì tại Việt Nam nó chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây sau một loạt sự cố có liên quan đến chích ngừa.
Mẹ của hai con nhỏ, chị Quỳnh, 32 tuổi, ngụ tại TPHCM, cho biết mình hầu như ngày nào cũng lên mạng theo dõi cuộc chiến chống vắcxin ở một số diễn đàn. Chị chia sẻ: “Tôi vẫn cho con chích ngừa, nhưng thấy người ta nói đến tác hại của vắcxin có lý quá, tôi đâm ra hoang mang”. Không chỉ đọc một mình, chị Quỳnh còn chia sẻ link cho nhiều bà mẹ bỉm sữa cùng đọc.
Trên một diễn đàn có tên “Vắcxin nên hay không?”, tháng qua đã nổ ra một tranh cãi nảy lửa về vắcxin. Trong khi một người có nickname KT tung ra loạt bài năm kỳ “Nạn dịch vắcxin”, thì một người với nickname VHC phản bác với cũng với loạt bài năm kỳ. Tranh cãi thu hút hàng trăm người khác (thật hay ảo?) tham gia, với những lời lẽ qua lại từ lý lẽ đến không lý lẽ, từ lắng nghe đến cố chấp và từ… lịch sự đến bất lịch sự.
Từ các diễn đàn tranh cãi về vắcxin trên thế giới cũng như Việt Nam, người ta dễ nhận thấy một khía cạnh nguy hiểm mà TS Heidi J. Larson của trường Vệ sinh và y học nhiệt đới (Anh quốc) đã bày tỏ trên nhật báo Independent hồi tuần qua: “Tôi nghĩ chúng ta cần “hạ hoả” vì nó chỉ làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ. Sự đối nghịch tình cảm giữa hai cực chống đối và ủng hộ vắcxin đang tạo ra một môi trường như chiến tranh, ở đó người ta chiến đấu “một mất một còn” với nhau…
Nhưng một kết cục tồi tệ nhất sẽ xảy ra đó là những đứa trẻ chết vì chúng không nhận được những loại vắcxin cứu mạng có thể bảo vệ chúng khỏi những bệnh nguy hiểm thậm chí chết người như sởi và bạch hầu, những vắcxin đã chứng tỏ giá trị trong nhiều thập kỷ qua”.
Khi được báo chí hỏi công chúng cần rút ra điều gì từ Tuần lễ chích ngừa thế giới, Larson chia sẻ: “Vắcxin là một trong những phát minh y tế tốt nhất lịch sử vì nó đã cứu sống hàng triệu người. Nhưng vắcxin không hoàn hảo và chúng cũng sẽ không bao giờ hoàn hảo. Cũng như với những giải pháp sức khoẻ và khoa học, bạn cần có khát vọng cải thiện mọi thứ bạn có để làm cho nó tốt hơn. Và trong lúc này, bạn hãy sử dụng những công cụ tốt nhất mà bạn có để phòng bệnh và cứu mạng”.
Cần nói thêm, phong trào tẩy chay hoặc lơ là chích ngừa đã khiến dịch bệnh bùng phát nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề. Mới nhất, vào năm 2014 dịch sởi bùng phát khắp nước ta cướp đi sinh mạng hơn 100 trẻ là bài học không quên.
bài, ảnh Châu Giang
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này