11:33 - 25/01/2017
Trách người thợ vẽ khéo vô tình…
Được hưởng 70 xuân là “xưa nay hiếm”. Đỗ Phủ không kiêu ngạo cho mình là quý hiếm mà chỉ kể chuyện khi về hưu cứ bán dần quan phục đi mà không tiền đủ uống rượu.
Bèn tự nhủ “nợ tiền nợ rượu, ai chẳng thế/ sống bảy mươi năm đã mấy người!” Hãy cứ “dzui dzẻ” đi! Nhà thơ đoản mệnh Tú Xương dịch ra như vậy. Những năm 1950, tôi thấy ông bác dán hai tranh em bé ôm gà, ôm vịt lên vách. Những năm 1960, bố tôi mua bức cuốn thư bằng cáctông có hình Hồ Chủ Tịch dùng thay cho ban thờ và bát hương. Rồi tôi mê các bức tranh ngũ quả Bờ Hồ và nhái nhại nó suốt mấy chục năm sau. Đến những năm 1980 còn được hai cụ Nghiêm và Phái cho tranh con giống/ Tết (thay cho thiệp Tết vừa xấu vừa đắt khi đó).
Ngày xưa, có lẽ từ thế kỷ 17, tranh Tết buộc phải có đối với toàn dân từ quan to nhà giàu tới đồ nho nghèo và bần cố nông. Treo đến khi màu bay hết giấy rách xơ xác tang thương thì bỏ. Đó là một tập tục văn minh nhất của dân Việt mà ta lại bỏ đi mất. Từ những năm 1930, một tập tục mới ra đời là làm báo Tết dẫn đến việc các hoạ sĩ sáng tác tranh Tết, thường là thiếu nữ rước (hoa) Xuân về và theo các con giáp để in báo, tặng bạn bè. Riêng danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ các con vật này quanh năm suốt tháng, tạo ra cả một thể loại “Tranh con giáp/giống” như một di sản mỹ thuật hiện đại.
Tranh Tết xưa là để cầu cúng, chúc tụng, trừ tà ma nhưng cũng lồng vào việc mô tả đời sống sinh hoạt nơi kẻ chợ và thôn quê. Mươi năm nay tôi cũng có cái thú vẽ tranh Tết như vậy. Năm nay thêm hai chủ đề: “I think…” lẩy câu “Tôi tư duy nên tôi tồn tại” của R. Descartes. Là do có mấy anh bạn bức xúc rằng trí thức ta chỉ giỏi vâng lời và thuộc bài chẳng chịu tư duy sáng tạo gì cả! Hai là chủ đề Xuân phồn thực, giao hoà âm dương mà Hồ Xuân Hương thấy tranh xưa còn thiếu: “Còn thú vui kia sao chẳng vẽ/ Trách người thợ vẽ khéo vô tình!”
Cung chúc Xuân nay sáng tạo và sinh sôi.
Nguyễn Quân
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này