11:04 - 14/10/2017
Người khổng lồ ngủ quên: càng vào sâu, càng thăm thẳm cô đơn
Tác phẩm “Người khổng lồ ngủ quên” được Kazuo Ishiguro viết năm 2013, hoàn tất và phát hành ngày 3/3/2015 tại Anh và Mỹ.
Hai năm sau đó, nó đã có trên kệ sách của một số nhà sách ở Việt Nam, do công ty sách Nhã Nam tuyển chọn NXB Văn Học ấn hành ngày 17/3/2017. Sách in 2.500 cuốn, bán chật vật và vì lý do mới đây nhất, K.I đoạt giải Nobel Văn học 2017, nên hiện nay sách đã hoàn toàn hết sạch trên kệ sách của các nhà sách, kể cả nhà sách Nhã Nam.
Tên nguyên tác tiếng Anh là The Buried Giant, và thật hay, cũng tuỳ vào lúc bạn đọc xong câu chuyện, bạn có thể gọi một cái tên khác như Người khổng lồ ẩn mình, hay Người khổng lồ đã bị chôn vùi, v.v.
Liệu ta có thể “ẩn mình” khi đọc xong cuốn này không?
Có lẽ, với tôi thì không. K.I có khả năng lôi bạn ra khỏi đời sống thực tại đang bủa vây và đưa bạn vào một thế giới mà bạn hằng mong: sự đối mặt với bản ngã.
Chính là sự kiếm tìm.
Đã từ lâu lắm rồi tôi mới đọc lại một cuốn sách hoàn toàn không có những câu kiểu cố nói về một chân lý nào đó. Ba ngày, tôi mới đọc được có 98 trang vẫn chỉ mô tả một hành trình tìm kiếm, và 248 trang sau nữa, có lẽ cũng chỉ là hành trình tìm kiếm.
Dù bủa vây bởi cộng đồng hay lầm lũi trong đêm tối, những gương mặt thân quen không còn nhớ rõ và cả khi một trong hai người hay nhiều người đã từng gặp thì giờ đây nó vẫn chỉ là những ký ức mờ ảo. Có khi chúng ta muốn lãng quên và khi thật sự lãng quên rồi thì chúng ta hốt hoảng, thậm chí là sợ hãi. Ký ức làm cho chúng ta kết nối với thế giới bên trong tưởng đã mục ruỗng, lụi tàn. Nhưng chính chúng ta đánh mất nó hoặc tìm mọi cách để xoá hẳn nó. Trí óc như một cái máy “bị lỗi” bởi nhiều “mệnh lệnh” chồng chất lên nhau, liên tục, trong cùng lúc xoá và quên nhiều thứ, cho đến khi mọi thứ mờ dần, và trở nên muộn màng với một cuộc đời còn lại – A, một phần đời còn lại cũng không kịp nữa rồi!
Những băn khoăn về sự chung thuỷ, khao khát được chiến đấu và chiến thắng một con quỷ hay một con rồng, không phải là điều ta thật sự muốn nói, mà nó là một cảm xúc chống lại sự đơn độc của con người.
Minh định một thế giới trong bản thể, không phải thật sự là điều muốn nói, mà nó là SỰ TỰ CHINH PHỤC BẢN THÂN.
Cái thế giới mà Kazuo Ishiguro sống ấy, nó thật sự kỳ thú, nó ở trong lòng chúng ta, mà ít ai nhận ra. Khi nhận ra rồi thì có khi ta kể về nó theo ý ta muốn, chứ không phải thật sự nó là chính ta.
Nhà sưu tập tranh Nguyễn Thị Hương Lan gởi cho tôi một tin nhắn về những cuốn sách đã được chuyển thể thành phim của Kazuo, ngay sau khi nghe tin ông đoạt giải Nobel Văn học 2016, chị viết: “Vào Netflix xem Never let me go, rồi qua Amazon hay iTunes U xem The remains of the day. Phim nào từ sách của K.I đều có tài tử gạo cội tham gia. Ai cũng thích đóng những vai có chiều sâu hết”.
Bao nhiêu đó thôi, cũng đủ cho chúng ta không còn băn khoăn gì về tác giả mà khi xướng tên mọi người đều “ngỡ ngàng”, cũng như tôi đã viết trả lời chị Lan Hương: “Tôi cảm thấy chúng ta luôn bị bỏ quên. Như K.I đã không quan tâm gì đến chúng ta cho đến khi tự chúng ta mới nhận ra thế giới khác, bên cạnh mình mà bấy lâu mình khao khát có thể nhìn thấy, bước vào, nhờ một cái tên quen thuộc: Nobel”.
Tịnh Thuỷ
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này