15:29 - 01/09/2017
Thanh âm được tạc bởi núi rừng Tây Nguyên
Đó là những cuộc triển lãm được hình thành bởi ba bạn trẻ thế hệ 8X nhóm Art Labor, mới nhất là hơn 50 tác phẩm tượng nhà mồ vừa được trưng bày tại làng Amo, Chư Sê, Gia Lai. Có cả 40 nghệ sĩ Vòng tròn Teh Dar từ Sài Gòn lên tham dự.
Chư Sê đón người xem đến từ khắp nơi bằng cơn mưa chiều rả rích. Chỉ đến khi vào làng, được ba của Trương CôngTùng – một thành viên nhóm Art Labor, dắt đi trời mới hết mưa, hửng nắng. Nắng sáng của buôn làng trong vắt, và giọng nói của ba Tùng rất nồng ấm mời trà, mẹ Tùng hái ở ngoài vườn mấy trái thanh long nhỏ mà ngọt lịm đãi khách.
Vào làng Amo, gặp nghệ nhân tạc tượng nhà mồ Rchâm Jer (mà Tùng gọi âm tiếng Việt là Rế), nhìn đôi mắt sâu thẳm của anh, bỗng nhớ đến những người dân tộc thiểu số nơi các làng Tây Nguyên tôi từng đi qua, buồn bã và có gì đó dường như tuyệt vọng phải tìm hy vọng để sống. Tùng cho người chở tôi đi thăm làng. Là con trai của anh Rế, anh chàng im lặng, chỉ biết chở tôi đến các khu nhà mồ xưa, nay chỉ còn vài vật dụng thông thường người ta đem theo cho người chết. Tôi hỏi: “Em có biết tạc tượng giống cha không?”, anh ta lắc đầu.
Phan Thảo Nguyên, thành viên thứ hai của nhóm, kể chuyện tìm tài trợ cho dự án này. Cô nói: “Sau hai năm tổ chức ba triển lãm, nhóm đã nhận ra một điều, nếu dần dần mà những nghệ nhân tạc tượng mất đi thì điều đó thật là đáng tiếc cho Tây Nguyên. May mắn là trong suốt thời gian thực hiện dự án, nhóm đã tìm và thuyết phục được khoảng 8 nghệ nhân ở các làng chung quanh tham gia. Bác lớn nhất sinh năm 1949 và bất ngờ hơn là có một chàng trai mới 15 tuổi, con của một nghệ nhân tham gia dự án, thấy cha làm cũng muốn làm nên dần dần em đã tự học ở cha và có tác phẩm”.
Cũng theo Nguyên, chương trình có quỹ tài trợ nên sẽ không bán một tác phẩm nào trong số hơn 120 tác phẩm đã được trưng bày. Phần lớn các tượng nhà mồ có yếu tố tâm linh, vì thế nó chưa bao giờ để bán.
Hiện tại, để thuyết phục nghệ nhân tạc tượng ở các làng Tây Nguyên rất khó. Nếu làng nào có đông người theo đạo, thì họ bỏ hẳn tục này. Còn những làng mà ít người bỏ tục, họ rất băn khoăn khi tạc tượng để… trưng bày. Họ cho rằng đây là tượng của người chết, vì thế chỉ dành để làm cho lễ bỏ mả và những lễ hội làng. Nếu làm trái ý, có khi bị “quở trách” hay bị thần linh “phạt”.
Sau triển lãm tại làng Amo, tháng 10.2018, nhóm sẽ đem các tác phẩm đi triển lãm ở bảo tàng Mỹ thuật Đài Loan – thành phố Đài Chung. Nhóm kỳ vọng có thể đưa cả những nghệ nhân đi theo, nhưng cho đến giờ chỉ mới có anh Rế là đủ điều kiện (vì có giấy chứng minh nhân dân) và đã làm xong thủ tục cho anh xuất ngoại.
Chiều ở làng, trong lúc bày tượng thì trời mưa. Anh Rế và trai tráng trong làng dựng rạp để cho người xem không bị ướt, chứ tượng tạc bằng gỗ lấy từ các rẫy càphê và điều không sợ bị hư hại. Quỳnh Anh, thành viên thứ ba của nhóm, nói: “Tất cả các tác phẩm đều không dùng gỗ lấy từ cây rừng nữa, mà nhóm đến các đồn điền càphê và điều để mua thân cây bị đốn bỏ đem về cho các nghệ nhân làm. Nhóm thực hiện cam kết với quỹ tài trợ về việc bảo vệ môi trường tự nhiên, phục dựng nghệ thuật cổ và sau đó sẽ trở thành nguồn sống cho người dân ở đây một khi các tác phẩm bước ra ngoài đời sống, trở thành những vật phẩm đẹp và mang giá trị văn hoá bản địa”.
Chiều tối, dân làng mời cơm cho khoảng 60 người khách, trong đó có 40 nghệ sĩ của đoàn xiếc múa từ Sài Gòn lên để biểu diễn cho bà con xem. Càng về tối, dân làng đến càng đông. Dân làng đốt đống lửa rất lớn, thi thoảng là diễn một phần trích đoạn của vở Vòng tròn Teh Dar trong tiếng trống rộn rã khiến bà con hào hứng vỗ tay nhảy múa đung đưa theo. Hầu hết các ông bố bà mẹ đều để con lên ngồi trên cổ. Người trước từ từ đứng dậy khiến người sau phải đứng cả trên ghế để coi. Một lúc sau, dân làng hào hứng vào nhảy múa luôn. Kết thúc là ché rượu cần do anh Rế ủ từ lâu được bưng ra. Cả làng vẫn ở lại đến 10 giờ đêm. Một ông mặc áo sơmi trắng, quần tây người trông bệ vệ, hỏi tôi suốt: “Sao không đưa lên sân vận động rất to của làng trình diễn?”, “Sao không bắt đèn sáng lên?”; “Sao không…”… Tất cả các câu hỏi của ông tôi không trả lời được, chỉ nói với ông: “Bà con ở đây ai cũng vui, ai cũng cười và reo hò hết, như vậy là đã lắm rồi ạ!”.
Chỉ có một điều khiến tôi băn khoăn: những người bạn ở Sài Gòn đem điệu múa Tây Nguyên về cho người Tây Nguyên xem. Còn hồi chiều, cô gái tên Kum kể rằng, cô biết múa nhiều bài trình diễn mỗi khi làng có hội, như bài Bèo dạt mây trôi…
bài, ảnh Ngân Hà
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này