11:41 - 25/01/2023
Một góc quê hương nhớ hoài nhớ huỷ
Nhớ cách nay một tuần, anh ngồi trong một quán ăn ở Gò Vấp. Quán bán món bò bảy món ăn khá ngon khiến anh nhớ miên man nhà hàng bò bảy món gần nhà những ngày thơ bé trước 1975. Đó là một nhà hàng lớn, rất đông khách vào cuối tuần.
Thỉnh thoảng, chú bé Thành đi thẩn thơ ra cổng số 8 sát bên nhà hàng này, đứng xem ông thợ rèn nhà đối diện làm việc để được hít mùi thơm của món chả đùm, bò lá lốt và cả mùi bia thơm sực nức từ nhà hàng bay sang.
Ngồi trong quán một mình đợi bạn đến, anh lẩm nhẩm câu thơ hiện đến trong đầu. Tác giả làm bài thơ về con phố cũ ở đâu đó mà như viết cho anh: “… này Bi này Lữ ơi/ hồi tụi mình còn học lớp ba/ nắng chắc vàng hơn bây giờ nhỉ?/ con phố nhỏ dăm con đường giản dị/ mỗi đêm mưa bàng rụng lá biết bao nhiêu!…” (*).
Là họa sĩ từng học trường Vẽ Gia Định, Đại Thành nhắm mắt lại cũng có thể tả từng chi tiết những gì đọng lại trong trí nhớ của anh chuyến về thăm quê lần này, cho dù đã sống ở nước ngoài hơn 20 năm.
Anh ngỡ ngàng chợt nhận ra bàn bên kia là hai chị em Yến, Oanh – những cô bạn ngày xưa thỉnh thoảng chạm mặt nhau trên đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển), cùng học tiểu học Võ Tánh. Xáp lại chuyện trò, cả ba nhắc lại quán chè cô Ba, là mẹ của hai cô trên đường này. Quán chè mở khoảng cuối năm 1968, khi tình hình chiến sự đã êm dần sau trận đánh tết Mậu Thân, ở số nhà số 85 Nguyễn Minh Chiếu. Nửa thế kỷ rồi từ khi ăn miếng chè đậu đỏ đầu tiên ở đó, anh mới rõ ngọn ngành về quán chè này. Cô Ba, mẹ của hai bạn Yến – Oanh vốn lo việc nội trợ trong nhà, mọi chi tiêu từ lâu đã có thầy Ba. Thầy Ba làm công chức hãng tàu của Pháp, mỗi ngày cưỡi chiếc xe Vespa xanh đi làm. Ở nhà, thấy vẫn còn có lúc rảnh rỗi khi con đã lớn, cô Ba mở quán chè bán ngay trong sân nhà, vừa đỡ quên tay nghề nấu chè từ hồi còn thiếu nữ, vừa kiếm thêm để cùng thầy Ba lo cho đám con nhỏ. Thầy Ba chiều vợ, giúp cô chuẩn bị đâu ra đó…
Cô làm thêm yaourt bằng cách mua hũ “yaourt cái” ở tiệm Givral trên đường Cách Mạng 1-11 (nay là Nguyễn Văn Trỗi), về làm mẻ yaourt mới nhìn rất sạch sẽ ngon lành. Chè của cô Ba bán cho khách gồm có nhiều món: Chè đậu xanh bánh lọt, chè đậu đỏ bánh lọt, sương sáo, sương sa hột lựu, có cả sirop đá nhận… Bánh lọt do nhà tự làm chứ không lấy ở chỗ khác. Mỗi ngày cô chuẩn bị nhồi bột làm bánh lọt, nấu nước đường, nấu các món chè khác, làm hạt lựu cho món sương sa, khá bận rộn nhưng rồi cũng đâu vào đó nhờ có các con phụ mẹ. Quán có sẵn một máy xay đá để làm món xi rô đá nhận. Một ly chè giá 5 đồng, trả bằng tiền đồng hình tròn có khía. Tuy vậy, đa số khách đến mua mấy bịch chè cùng lúc để cho cả nhà ăn… Quán chè cô Ba nổi tiếng trong giới học trò thời đó, vì giá rẻ, đi học về chìa 5 đồng ra là có một ly chè thơm ngọt, ly xi rô bạc hà the lạnh hay ly xi rô dâu thơm mát.
Quán vắng, những người bạn cũ cao hứng ôn lại những món ăn hồi xưa ở đất Phú Nhuận hiền hòa này. Đó là xe chè Chí mà phủ của ông già người Hoa đội nón cời lối bằng tre có chóp nhọn, bận cái quần ngắn và cái áo xá xẩu, bộ trang phục bây giờ không còn thấy nữa. Cô Oanh nhớ mỗi khi ông mở nắp nồi ra, hơi và mùi thơm chè nóng bay ngào ngạt. Thùng chè có hai ngăn, chia ra bằng một chữ S như biểu tượng “lưỡng nghi”, một bên là chè Chí mà phủ nấu bằng mè đen và một bên là lục tầu xá là chè đậu xanh. Ông bán từ thập niên 1960 tới 1975, giải nghệ sớm hơn quán chè của cô Ba vài năm.
Chuyện trò một hồi, những người ngồi quanh cái bàn nhỏ bật cười thấy nãy giờ mình toàn nói về những món ăn, hàng quán ngày xưa trong ngày đầu gặp lại sau mấy chục năm. Nhưng làm sao quên được và làm sao không nhắc đến tiệm bánh bao Ông Cả Cần ở góc Đại lộ Cách Mạng 1-11-Trương Quốc Dung mà trước đó quán này là nhà hàng Tân Lâm Điểu… Làm sao quên cháo cá giò heo hẻm Cô Bắc và bánh tiêu kem của tiệm Phi Phượng, tiệm Bảo Hiên Rồng Vàng đối diện Hội đồng xã Phú Nhuận, sát bên tiệm Radio Hà Nội bán bánh cốm, bánh xu xuê, cách rạp Văn Cầm vài ba căn.
Họ từng có một thời tuổi thơ trên xã Phú Nhuận thân thương, và những hàng quán món ăn đó, chỉ đợi nhắc lại là rưng rưng hồi sinh trong lòng những cư dân cố cựu vùng đất này.
Phạm Công Luận (theo TGHN)
————
(*) Con phố cũ. Thơ Nguyễn Hồi Thủ.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này