15:23 - 16/10/2023
Nguyệt Cầm vọng vang trên đất phương Nam
Sau đêm “Nguyệt Cầm” diễn ra vào ngày rằm Trung thu tháng 8, tôi trò chuyện với nghệ nhân ca cổ Cao Minh Hiền bởi vô cùng ấn tượng với chương trình nhạc cổ truyền dân tộc với các lối hát ả đào, ca trù, hát xẩm… trên một sân nhà ba chái ở Sài Gòn.
Chị Hiền kể, “sân nhà ba chái” ấy là của công ty Amaki mà đại diện là một bạn trẻ tuổi bốn mươi. Bạn ấy gọi cho chị nói: “Cô ơi, em cần một chương trình hát xẩm. Cô có giúp được không?”
– “Đã là hát nhạc dân gian thì còn nhiều thể loại… chớ không chỉ có hát xẩm. Nếu em thích thì cô đưa vào cả trích đoạn kịch nữa nhé.”
– “Dạ, tùy cô, miễn âm nhạc cổ truyền là được, vì khách của em có nhiều khách ngoại quốc họ thích văn hóa Việt Nam ạ”.
Chị Hiền bèn bàn với đạo diễn Tây Phong, cũng là bạn diễn của chị trong trích đoạn vở kịch “Cậu Trời”. Ngay lập tức Tây Phong lên chương trình và phân công: chị Hiền sẽ đi gặp các nghệ nhân và nhạc công ở các câu lạc bộ nhạc cổ truyền dân gian trong thành phố. Tây Phong sẽ dàn dựng chương trình cho liền mạch và khớp thời gian. Ngoài ra hai chị em phải tập cho thuộc bài “Cũng sẽ chìm trôi” của Trịnh Công Sơn được Tây Phong dàn dựng theo lối dân gian đương đại.
Mở màn là giọng ca ả đào cất lên: “Nhật nguyệt (í a) trên cao/ Ta ngồi (ôi à) dưới thấp/ Một dòng (í a) trong veo/ Sao lòng (ôi à) còn đục”… tôi nghe nổi cả da gà trong tiếng đàn nhị, đàn tranh, nhịp gõ phách… nghe như cả hồn dân tộc cất tiếng trong lời ca của một nhạc sĩ đương đại.
Đêm Nguyệt Cầm diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ với 5 thể loại ả đào, hát xẩm, chèo, ca trù, hát văn, và trích đoạn kịch nói đã thành công ngoài tưởng tượng. Khán giả ngồi đến cuối buổi chẳng ai muốn về, còn đòi nghe lại. Các khán giả người nước ngoài thì níu áo đạo diễn Tây Phong cùng nhạc công, các ca diễn hỏi về các điệu nhạc đã khiến họ rung động tâm can. Các diễn viên vừa khóc vừa cười với nỗi niềm hạnh phúc khôn nguôi vì đã lâu rồi mới được cùng khán giả sống trong một không khí đầy tri âm như thế.
Không dừng lại ở đó, chị Minh Hiền cho biết sắp tới chị và Tây Phong sẽ đem chương trình này đi khắp nơi để quảng bá âm nhạc dân tộc. Thật không có tiếng nói nào hay hơn những buổi trình diễn tuyệt đẹp như vậy.
Mục đích của nhóm “Nguyệt Cầm” chỉ là làm sao để có thể đem các thể loại âm nhạc dân tộc Việt đến với người Việt từ thuở ấu thơ như hát ru, ngâm thơ, cho đến những chiếu chèo, hát đám, hát hội, ca nhạc phòng truyền thống, thêm những vở ca kịch kể chuyện lịch sử cho công chúng.
“Chúng tôi còn muốn tiếp tục đi từ miền Trung trở vào đến miền Tây. Chúng tôi cũng sẽ diễn kể cả chiếu chèo Bắc bộ cho đến Đờn ca tải từ, Cải lương miền Nam. Từ chiếu chèo ả đào cho đến những câu hò Trung – Nam Bộ… chúng tôi sẽ xây dựng hành trình sử Việt bằng nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Đó là tâm huyết của chúng tôi”, chị Minh Hiền chia sẻ.
Chị Minh Hiền cũng kể rằng phần lớn các nhạc công và nghệ nhân của chương trình hát ca cổ miền Bắc đều du hành từ Bắc vào Nam. Sống xa xứ nhưng lòng họ luôn ngân lên điệu hát của quê nhà. Tha hương, mỗi người mỗi nghề khác nhau. Nhóm Xẩm ở Biên Hòa đều đi làm và chỉ có ngoài giờ thứ Bảy, Chủ nhật là đi diễn.
Cô Bích Phương đã 57 tuổi từng là diễn viên chèo chuyên nghiệp của đoàn chèo Yên Bái ngày xưa vào Sài Gòn đi rửa bát thuê hàng ngày, đi hát cho các câu lạc bộ có 100, 200 ngàn mà không phải ngày nào cũng được hát.
Cô Minh Thiện hát xẩm là diễn viên học trường chèo VN cũng tha phương vào Sài Gòn không có đất diễn nên phải đi làm nhân viên bán vé… nhưng vẫn nuôi giữ đam mê được diễn nên khi cùng nhau.
Vậy mà họ “Chúng tôi đã thề với nhau “còn sống còn diễn”, chị nói với các bạn: “Nếu như trong đêm diễn mà bỗng như chị tắt tiếng thì các em cứ tiếp tục”.
Chị Minh Hiền cũng cho rằng nhóm chị đi diễn rất linh động. Nhạc công có một đàn đáy, một đàn tranh, một bầu hoặc sáo. Phách gõ thì ở nhóm “Cô đôi thượng ngàn” đảm nhiệm. Một đoàn đi diễn sẽ gồm 3 xẩm, 3 nhạc công, 5 diễn, 3 múa-cô đôi thượng ngàn cùng nhóm hậu kỳ khoảng 15 người… với khoảng từ 60- 80 phút trình diễn. Chương trình thích hợp cho các tiết học liên quan đến văn hóa VN ở các trường học, hay các buổi diễn cho các sự kiện của các bảo tàng, công ty, tập đoàn… muốn được nghe dân nhạc VN.
Chị Minh Hiền hiện đang làm bộ phim tài liệu “Tiếng ca trù trên đất Phương Nam”. Để thực hiện bộ phim này: “Tôi phải học từng chữ của Nam Bộ để dàn dựng những chương trình cho đất phương Nam. Trong tôi luôn vang lên lời căn dặn của thầy Trần Văn Khê trước khi ông mất: “Con hãy cố gắng gìn giữ nghệ thuật này, con ơi!”, chị tâm tình.
Ngân Hà (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
‘Kèn tây’ tung chiêu mới độc lạ ‘sà bì chưởng’
Mekong Connect – Connect cho Mekong!
‘Danh dự của con người là làm một nhịp cầu’
Vốn mạo hiểm cạn dần, kỳ lân châu Á khó bứt phá
Chơi với tủ lạnh
Tags:Nguyệt Cầm
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này