10:31 - 02/12/2022
Đạo diễn Đỗ Khuê: Miền Tây văn hóa & du lịch thiếu hợp tác
Đạo diễn Đỗ Khuê là cái tên quen thuộc với người đồng bằng (ĐBSCL). Ông không chỉ nổi tiếng với chương trình “Cần Thơ Phố” mà còn là “ông Thổ địa” vùng sông nước miền này. Nói về văn hóa ẩm thực-du lịch bản địa, anh chẳng khác nào “đại sứ”.
– Là đạo diễn và biên kịch của chương trình Cần Thơ Phố, anh đã bắt đầu chương trình này thế nào và làm sao để duy trì đến ngày hôm nay? Anh có mong sẽ có những chương trình tương tự ở những thành phố khác ở miền Tây hay không? Xin anh chia sẻ vài kinh nghiệm, nhất là những khó khăn của việc sản xuất và giữ chương trình dài lâu mà vẫn hấp dẫn?
– Đỗ Khuê: Trước hết, thông báo để bà con biết là tôi đã ngưng sản xuất Cần Thơ Phố từ ngày có dịch Covid, nghĩa là đã hơn hai năm. Vì nhiều lý do, mà dễ hiểu nhứt là kinh phí thực hiện đã hết sau một thời gian (quá) dài, và quan trọng hơn là đã… hết hứng. Tuy nhiên đó là một chương trình truyền hình tâm huyết, đã đẻ ra, đã vui buồn với nó ngót nghét tám năm nên có nhiều chuyện để kể, nếu có ai đó muốn hỏi.
Tôi không phải là biên kịch hay đạo diễn gì hết. Tôi chỉ chịu khó la cà, nhìn ngắm, lắng nghe và kể lại câu chuyện đời sống bằng giọng điệu của mình, qua các thủ pháp truyền hình học hỏi được từ các bậc đàn anh. Chuyện tôi kể là những chuyện rất nhỏ của đời sống thường nhật mà trước nay truyền hình “bỏ quên” hoặc chưa quan tâm tới, và nhờ đó mà có khán giả. Khán giả thấy mình trong các câu chuyện của Cần Thơ Phố nên họ yêu mến ủng hộ nó. Đơn giản vậy thôi. Từ ông thợ thiếc, thợ rèn, bà bán xôi cho tới những khu du lịch lớn, nhà hàng to… Từ Cần Thơ mà bay ra nước ngoài. Cần Thơ Phố có khán giả là người Việt ở Úc, Mỹ, Pháp… và họ đã gặp tôi, nói rằng chưa bỏ sót một chương trình nào.
Tôi bắt đầu bằng một format truyền hình có thể nói là lạ lúc bấy giờ, và đề nghị với nhà đài là sẽ tự sản xuất, lo từ A tới Z, giao thành phẩm mỗi tuần và nhận thù lao mỗi quý (và mức thù lao đã không đổi suốt 8 năm). May mắn là được nhà đài ủng hộ, ban đầu còn dè dặt sau thì tin, khi chương trình có khán giả, có quảng cáo. May mắn nhứt là lãnh đạo đài cho tôi tự do tìm đề tài và gần như không can thiệp vào phong cách, ngôn ngữ thể hiện. Chúng tôi tôn trọng khán giả và tôn trọng nhau.
Có thể Cần Thơ Phố đã kể câu chuyện rất nhỏ nhưng để cập tới những giá trị lớn hơn, bền vững hơn. Có thể cách tiếp cận đề tài bằng tâm thế tôn trọng sự việc và mang tính phát hiện. Cũng có thể mình chỉ nói chuyện ăn chuyện chơi một cách khéo léo mà ngành du lịch địa phương được quảng bá hết sức bền bỉ và đầy thuyết phục. Tôi làm phim về món ăn, về đầu bếp nhiều tới nỗi có người kêu tôi là chuyên gia… ẩm thực, mà thực ra đâu phải. Tội nghiệp tôi lắm, tôi chỉ thích ăn ngon.
Bây giờ thì các kênh truyền hình tràn ngập chuyện ăn uống, du hí đó đây, chuyện xưa chuyện nay đều có đủ, đã tới lúc mình nên… đi chỗ khác chơi. Nếu có kinh nghiệm để chia sẻ thì tôi vẫn nghĩ rằng nên giỏi nghề và làm những gì mình yêu thích, thật sự yêu thích, và làm với tấm lòng.
– Văn hóa sông nước vẫn là tính chất đặc biệt của miền Tây, theo anh, du lịch miền Tây nên khai thác những đặc điểm có tính bản địa và di sản (hữu hình lẫn vô hình) cụ thể nào cho du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài?
– Văn hoá sông nước là thế mạnh đặc thù của Mekong nhưng có vẻ như mình đang chạy theo phong trào và làm hết sức chung chung, dễ dãi, rời rạc, không chuyên nghiệp và giống hệt nhau.
Cho hỏi là có bao giờ Ngân Hà được ngồi lai rai ba xị trên ghe giữa đêm trăng sáng mà nghe tiếng đờn kìm khắc khoải trôi trên sông chưa? Hay đã lần nào thức dậy thiệt sớm trên mui ghe thương hồ, pha bình trà quạu rồi ngồi nhìn những chiếc xuồng chở trái cây ngược xuôi trong màn sương mờ mờ tỏ tỏ giữa chợ nổi? Hay có ai đó giải thích ghe, xuồng khác nhau ra sao, làm cách nào phân biệt ghe Long Xuyên với ghe Cà Mau.Bơi, chèo, chống khác nhau chỗ nào mà nếu chưa biết thì có lẽ là bạn chưa hiểu gì về văn hoá sông nước.
Hình như có gì đó thiêu thiếu trong sự hợp tác giữa hai ngành văn hoá và du lịch nên sản phẩm du lịch đang nghèo nàn cạn kiệt dần.
Mùa, là ý tưởng khai thác du lịch hay nhưng có vẻ như ít ai làm tới nơi tới chốn.Người ta nói nhiều về mùa nước nổi mà chẳng ai quan tâm tới mùa nước giựt. Khách tát mương (thả cá vô mương rồi tát nước bắt cá) nhưng khách đâu có biết giậm dấu thế nào hay bắt cá cạn ra sao. Mùa nào thức nấy mà nhiều năm rồi ở Cần Thơ không còn xoài tượng chấm mắm đường và bánh tét (đủ loại nhưn) bán quanh năm ở chợ thì bánh tét hết còn ngon cái ngon ngày nào.
Và, có vẻ như chuyện này đã được nói tới nói lui nhiều quá rồi mà chẳng thay đổi gì hết nên không dám bàn sâu.
– Theo ông, ẩm thực miền sông nước đóng góp những giá trị nào cho đời sống tinh thần người dân miền Tây và cho quê hương VN nói chung?
– Ẩm thực miền sông nước là đề tài được khai thác triệt để. Người ta đang chuyển từ một cực này sang cực khác. Miếng ăn trước đây ít ai chịu nhắc tới còn bây giờ lại nói quá nhiều, rồi có khi nói không đúng đâm ra hư bột hư đường. Thí dụ như các loại bánh quê, bây giờ kêu bánh dân gian, chỗ nào cũng có, đủ loại đủ kiểu, giá trị theo đó mà giảm dần. Ý nghĩa, tinh tuý cũng hết luôn.
Tôi là người ủng hộ ăn theo mùa như trước đây cha ông ta đã làm. Ẩm thực miền sông nước đã có tự bao đời và người ta đã biết cách ứng xử rất điệu nghệ mà hình thành nên văn hoá, vì vậy, việc nó là một phần của văn hóa VN và không cần phải dạy, tự người dân nơi đây sẽ biết cách gìn giữ, lưu truyền. Tôi có cảm tưởng như dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, nhưng đã là người miền Tây thì không thể không thèm mắm lóc, bánh tét hay món cá mè vinh mùa cuối năm béo ngọt. Có cần đóng góp gì đâu, tự nhiên mà nhớ quê nhà thôi.
Ngân Hà thực hiện (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này