16:09 - 07/02/2024
Nữ lưu Hà Nội, chốn cũ ta về!
Giấy khai sinh, văn tự ghi bằng Pháp ngữ nói rõ nơi sinh của chị là làng Bình Đức, Long Xuyên – 80 năm qua vẫn còn rõ nét, lành lặn, khuôn trang, nhưng ký ức chỉ nhớ mang máng một khu nhà – mái lợp ngói, một tháp nước…
Mong muốn của chị rất đơn giản, tìm lại nơi “chôn nhau cắt rốn”. Đó là câu chuyện của chị Phạm Chi Lan – chuyên gia kinh tế – người được giáo sư Trần Văn Thọ gọi là “Nữ lưu Hà Nội”.
Cái khó là tên gọi địa giới hành chính cuốn theo điệp khúc khắc xuất – khắc nhập từ thời Pháp thuộc, 1867. Họ xóa dần hệ thống hành chính phủ huyện của Triều Nguyễn rồi lại thay đổi liên miên. Mới đặt ra Hạt thanh tra Long Xuyên, trên địa hạt của huyện Đông Xuyên và huyện Tây Xuyên thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang cũ; phần còn lại nhập vào hạt Thanh tra Châu Đốc thì ngày 5/1/1876, hạt Thanh tra Long Xuyên đổi thành hạt tham biện Long Xuyên, các thôn đổi thành làng, đặt lỵ sở tại làng Bình Đức, nơi có tòa bố, điện tín, bưu trạm, bệnh xá, trường sơ học. Năm 1900, Long Xuyên được mở rộng thành tỉnh lỵ. Năm 1917, địa bàn Long Xuyên thuộc tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên.
Theo Monographie De La Province De Long Xuyên của Victor Duvernoy, xuất bản năm 1929, trước tháng tư năm 1907, Long Xuyên có một bệnh xá. Cứ hai tuần một lần mới có một thầy thuốc từ Cần Thơ hoặc từ Châu Đốc đến Long Xuyên khám bệnh. Tháng 4/1907, bác sĩ Pujat được bổ nhiệm đến Long Xuyên lo xây Bệnh viện thị trấn trên phần đất hiến của gia đình ông Liêu Sanh Hậu, con ông Liêu Tường Thái, cựu Ủy viên Hội đồng quản hạt và ông Ngô Văn Nhung, cựu Cai tổng Định Phước mới hình thành trại khám ngoại chẩn và phòng khám bệnh cho phụ nữ. Ba năm sau có thêm trại bệnh cho đàn ông, trại bệnh cho các bệnh cách ly và nhà bảo sanh, rồi cất thêm trại bệnh cho người bị sốt, nhà bảo sanh thu phí… Tới ngày 13/7/1913, chính thức làm lễ đặt bia đá kỷ niệm xây dựng bệnh viện, theo Echo du 14 Juillet – Province De Long Xuyên, hôm đó có các quan Pháp, bác sĩ Hostalrich, thầy thuốc Trần Thiện Trương và các dì phước (Ma Soeur) dòng Charité – những người lo khám chữa bệnh. Năm 1925, có thêm trại bệnh cách ly gồm sáu buồng nhỏ, mỗi buồng hai giường; thêm một phòng thanh trùng, phòng mổ – mỗi tháng thực hiện được 15 ca.
Năm 1943, khi chị chào đời thì Bâtiment de l’Hôpital đã khang trang. Đó là khoảng thời gian đáng nhớ của gia đình ông Phạm Trinh Cán – thân phụ của chị – người được bổ nhiệm làm Chánh tòa Tòa sứ Long Xuyên sau khi ông tốt nghiệp cử nhân Luật ở trường Đại học Đông Dương (*).
Tại Long Xuyên, năm 1945, một trận hỏa hoạn thiêu rụi mấy dãy nhà. Sau khi tái thiết, năm 1948, bác sĩ (tên) Nhuận được bổ nhiệm làm việc chính thức tại bệnh viện cùng bác sĩ (tên) Lữ cùng ba nữ hộ sinh Đông Dương tốt nghiệp tại Sài Gòn, theo lời kể cô Bảy Sen, nguyên nữ hộ sinh về hưu năm 1982.
Bệnh viện được đặt tên là “Bịnh viện Long Xuyên” rồi “Trung tâm Y tế Toàn Khoa Long Xuyên”, theo House Of Love–Life in A Vietnamese Hospital của Susan Terry xuất bản năm 1966 tại Australia, tới năm 1975 bệnh viện có 420 giường, 4 bác sĩ làm bán thời gian. Bệnh viện trưởng là bác sĩ (tên) Thình, vừa quản lý bệnh viện vừa quản lý tất cả các hoạt động y tế ngoài bệnh viện bao gồm hoạt động vệ sinh phòng bệnh và các chương trình y tế nông thôn
Sau năm 1975, bịnh viện Long Xuyên cũ, được cải tạo và xây dựng trên tổng diện tích 2,4 ha thành Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang. Ngày 6/4/2016, Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang di dời về trụ sở mới, để lại bệnh viện cũ 300 giường của khoa Phụ sản và khoa Nhi. Đây là nơi chị chào đời.
*
Mọi thứ đã thay đổi, trước mặt là tòa nhà mới đang xây dựng trên diện tích Bệnh viện sản nhi tỉnh An Giang, duy chỉ có tháp nước rêu phong đứng đó như thể chờ đợi một người khắc khoải hoài niệm suốt 80 năm – trở về.
Đúng cái tháp nước này, dấu ấn cuối cùng về nơi chôn nhau cắt rốn – bây giờ là số 02, đường Lê Lợi, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Chị xin được gặp cái tháp nước rêu phong, gạch đá trơ gan cùng tuế nguyệt, nhưng vẫn nguyên vẹn. Tranh thủ chụp một tấm hình kỷ niệm vì người ta nói, mai mốt sẽ đập bỏ để hiện đại hóa cái bệnh viện này. Chị ngồi trầm tư dưới một cội bồ đề, ngoài khu tháp nước. Đôi mắt ấy nói lên dòng ký ức thiêng liêng dạt dào từng nuôi lớn hạt giống nhân hậu trong tâm khảm của chị đang thức dậy.
… Mọi người vỗ tay mừng, đó là ngày hội đồng doanh nghiệp ĐBSCL họp tại Long Xuyên; có cả chiếc bánh sinh nhật mừng ngày chị về đúng nơi chôn nhau cắt rốn – ngày 16/9/2023. Những câu thơ mộc mạc của anh Nguyễn Ngọc Xuân, dân châu thổ gởi qua zalo:
Mừng sinh nhật
Đón tiếp thâm tình dịp đến đây
Nỗi niềm xúc động chẳng riêng tây
An Giang phấn khởi mừng sinh nhật
Doanh nghiệp vui tươi hưởng phước dày
Thắp nến cháy bùng gìn ánh lửa
Dâng quà kính cẩn dạ cầu may
Tám mươi tuổi chẳn về quê gốc
Hưởng sự tin yêu rất đậm đầy
“Bài thơ anh Xuân vừa gửi tặng, tràn đầy cảm xúc từ cuộc mừng sinh nhật tuyệt vời có một không hai sáng hôm qua. Chắc chắn tôi không bao giờ quên được”, chị nói.
Thực ra, chính xác ngày sinh của chị được thầy Lục sự ghi trong giấy là ngày 15/12/1943.
Lạ thật, cái hôm ra mắt sách “Vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh”, do GS Trần Văn Thọ và nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến chủ biên, tại Cần Thơ hồi 11/12/2023, ai nấy lại vỗ một tràng pháo tay thật dài khi biết nơi chôn nhau cắt rốn của nữ lưu Hà Nội này lại ở Long Xuyên.
GS Trần Văn Thọ nói rằng soạn cuốn sách này chúng tôi còn một mục đích quan trọng nữa. Ban chủ biên và tập thể các tác giả tham gia viết bài muốn phát hành cuốn sách để vinh danh hai nữ lưu đương đại mà chúng tôi rất kính trọng, quý mến. Đó là chị Phạm Chi Lan và chị Vũ Kim Hạnh.
*
Từng làm việc tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, là phó giáo sư, rồi giáo sư Đại học Obirin (Tokyo), Giáo sư kinh tế Đại học Waseda (Tokyo) và là thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế qua nhiều đời Thủ tướng Nhật, GS Thọ nói rằng chị Chi Lan, vào thời điểm Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ để đón bắt cơ hội Mỹ bãi bỏ cấm vận, mở rộng đường cho hội nhập quốc tế, những năm chị Chi Lan được chọn làm Phó Tổng thư ký rồi Tổng thư ký và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI); phụ trách các lĩnh vực quan hệ quốc tế và pháp chế, thường xuyên tiếp xúc các đoàn khách chính phủ và doanh nhân trong và ngoài nước… Qua đó, chị đóng góp tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta và các hoạt động kinh tế đối ngoại, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam mở cửa và thân thiện với thế giới.
Lúc tham gia Tổ tư vấn Cải cách kinh tế và hành chánh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, chị cùng các chuyên gia khác nghiên cứu các chính sách, luật pháp về doanh nghiệp và kinh tế, các tổ chức kinh tế quốc tế và hiệp định thương mại tự do để dự báo tác động đối với Việt Nam, đồng thời đề xuất sửa đổi nhiều chính sách và văn bản pháp lý để điều hành kinh tế và phát triển doanh nghiệp sao cho phù hợp với yêu cầu đổi mới của nước nhà và các cam kết quốc tế. Đặc biệt, chị đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các báo cáo về tương lai kinh tế Việt Nam được thực hiện giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Là một chuyên gia kinh tế uy tín, chị xuất hiện trên nhiều diễn đàn kinh tế trong nước và quốc tế, trở thành hình ảnh quen thuộc, tin cậy đối với dư luận trong và ngoài nước.
Đối với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân từng trải qua thời “kinh tế mới” thì nói rằng chị Chi Lan là người thấu cảm và đồng hành – giúp kinh tế tư nhân lấy lại tự tin từ góc khuất của nhóm “đối tượng cải tạo”, gợi mở phương cách khai phóng, hội nhập cất cao tiếng nói của doanh nghiệp vì đất nước mình.
(*) Sau khi làm việc ở Long Xuyên, ông Phạm Trinh Cán được thuyên chuyển về Tòa sứ Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia khởi nghĩa và được cử làm Phó Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Quy Nhơn (Bình Định ngày nay).
Từ thời còn học ở trường Luật, ông cùng dạy tại trường Trung học Tư thục Thăng Long với các giáo sư Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp… Sau này thầy Phạm Trinh Cán được điều về là Phó văn phòng rồi Chánh văn phòng Bộ Giáo dục, rồi Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội) tới khi nghỉ hưu năm 1973.
Trước đó, ông được điều động vào quân đội, xây dựng luật nhà binh và tổ chức Tòa án binh, được phong hàm đại tá đợt đầu tiên (năm 1948), đã trải qua các chức vụ: Phó cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Quân pháp – Bộ Quốc phòng, Chánh văn phòng Bộ Tổng tham mưu kiêm Chánh án Tòa án binh khu Trung ương.
Đại tá Phạm Trinh Cán là người đầu tiên điều tra về vụ án tham nhũng, xa hoa của Trần Dụ Châu – đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu. Trên báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền, cổ động, tranh đấu của Trung ương Mặt trận Liên Việt và Tổng bộ Việt Minh, từ ngày 20/9/1950, nhà báo Hồng Hà nói rằng đây là vụ án tham nhũng nổi tiếng những năm 50 của thế kỷ trước, được xem là một bài học về kiên quyết chống tham nhũng trong bất cứ thời kỳ nào.
Quế Phương (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này