11:54 - 31/01/2024
Mùi nhớ thương
Sáng sớm, bồi hồi khi đọc vài dòng ngắn ngủn của bà bạn tôi, chủ tiệm phở nổi tiếng Bích Câu ở bến phà Cần Thơ năm nào: “Trình nghiện mắm của dân miền Tây như tui, không Cần gì chỉ Cần Thơ, mà không Cần thơ lại cần Mắm thiệt là khó có ai theo nổi. Tui ở bên đây bao ngày là tui nhớ thương cái mùi mắm ấy bấy nhiêu ngày!”
Lời thú thiệt của người bạn đã dắt dây đến câu chuyện nghe mới rợi chiều qua của anh John Nguyễn, Việt kiều Canada. Cũng về mùi nhớ thương này.
Bây giờ, bước vào các nhà hàng 5 sao ở Sài Gòn này, món được ưa chuộng từ trước đến nay vẫn là: cơm cháy nước mắm kho quẹt.
Cơm cháy dính, thật mỏng thật dòn, chấm mắm kho quẹt phải thật kẹo, bốc mùi thật thơm. Vậy mà anh bạn tôi “sáng chế” ra món chả giò nhân phô mai trộn mắm kho quẹt – rau củ rồi bán cái “bí mật thương mại” của ảnh tới 5 triệu đô Canada. Ly kỳ không?
Ảnh kể với giọng Nam bộ ngọt ngào hào hứng vầy:
Thử tưởng tượng bạn giao biệt thự cho người quản gia trông coi để đi nghỉ đông một tháng. Nửa chừng bị việc đột xuất bạn chạy về. Vừa bước vô cửa, nghe sực nức một cái mùi thật mạnh, thật sốc và thật nhức đầu. Bạn hét lên. Cái gì vậy, chết tôi rồi, sao mà cả nhà bị tấn công bởi cái mùi ghê gớm này? Vào mùa đông, bạn biết không, trời ẩm, tất cả cửa đóng kín, thảm cũng ẩm, mà trời ơi, bốn bề cái mùi này nó xâm chiếm, tôi hét gọi chị bếp.
Chị bếp hốt hoảng chạy ra, phân trần “Cậu ơi, tôi kho nước mắm kho quẹt thôi hà. Tôi tưởng còn lâu cậu mới về”. Rồi như để tạ lỗi, chị ấy ngập ngừng “Tôi nhớ cái món này, cái mùi này quá nên nhà vắng làm liều. Cậu thử một chút đi cậu”.
Tôi hít vô một hồi, bắt đầu thấy mùi nước mắm, mùi tiêu thơm lừng. Và tôi nghĩ miên man… Xin chị bếp một chén nhỏ món kho quẹt, tôi đem vô phòng thí nghiệm cơ quan bắt đầu phân chất. Công ty tôi là President’s Choice, cũng như các công ty thực phẩm khác của Canada, được chính phủ khuyến khích mỗi năm phải làm ra ít nhất một món mới phục vụ người dân.
Đầu tiên tôi thấy món này có rất nhiều đạm, mằn mặn, vị ngon trừ… cái mùi của nó. Nếu pha cái béo của phô mai với chất sền sệt thơm lừng thấm đẫm vị mặn này? Biết đâu đó. Tôi bèn thử. Pha trộn hợp chất đó với nhiều loại phô mai, nhiều tỷ lệ, và pha với cả rau củ tươi xắt nhiều kiểu.
Ăn rất hấp dẫn. Vấn đề đầu tiên là: làm cho mất cái mùi nước mắm quá nồng, chịu không nổi. Mày mò đủ công thức, cuối cùng tôi cũng tìm được cách. Đưa hợp chất xuống độ lạnh âm 4 hay 5 độ C, rồi giữ hợp chất yên vậy qua một hay hai ngày đêm. Mùi dịu hẳn rồi, tôi nghĩ cách biến nó thành sản phẩm có thể bán trong tủ cấp đông siêu thị. Vẫn là công thức hạ nhiệt độ thật nhanh để giữ nguyên trạng, tôi đưa hợp chất này thành nhân của những cuốn chả giò chừng bằng ngón tay cái. Tôi dùng lò chiên công nghiệp kiểu như Kentucky chiên cánh gà, chiên thật nhanh trong 30 giây rồi hạ lập tức xuống âm 60 độ C.
Sản phẩm khi đem bán trong siêu thị hay quán ăn thì lưu trong tủ đá, khách mua về nhà, bỏ lò nướng chừng 15-20 phút đem ra là có những cuốn chả giò siêu ngon. Vỏ giòn rụm với cái nhân chín tới, béo ngậy, rau củ còn sựt sựt hòa trong chất sền sệt có độ mặn thấm sâu và đều, cực ngon.
Sau tám tháng miệt mài, tôi thành công với sản phẩm mới. Mà bí quyết là “nước mắm kho quẹt” Việt Nam với ứng dụng công nghệ trong kỹ thuật pha chế, các công đoạn chế biến và cả sự am hiểu nhu cầu thị trường, thị hiếu khách hàng. Việc chế biến của tôi chỉ là một sản phẩm rất nhỏ mà còn có giá trị như vậy, nếu các nhà nghiên cứu thực phẩm, sinh học và các công ty Việt Nam chuyên tâm đầu tư đúng mức cho món nước mắm của Việt Nam chúng ta thì lợi thế so sánh từ nguyên liệu gần như duy nhất trên thế giới này còn mạnh mẽ tới đâu?
Câu chuyện “chắp cánh cho nước mắm Việt Nam thăng hoa” không chỉ là chuyện tự hào chung chung. Đó là giá trị kinh tế và văn hóa tuyệt vời mà chúng ta từ lâu không đầu tư đủ sâu đủ xứng cho một báu vật của đất nước mình?
PS: Anh John Nguyễn đâu biết ở Việt Nam từng có một dạo xôn xao về chuyện có một tay nhà giàu muốn tiêu diệt nước mắm truyền thống. Làm sao mà món quốc bảo vô cùng quí giá của dân tộc mình lưu truyền mấy ngàn năm lại có thể chỉ vì mong muốn làm giàu của ai đó mà tiêu tan, biến mất?
Vũ Khánh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này