09:10 - 02/02/2024
Giấc mơ 100 ‘kỳ lân’ của Nhật Bản
Sửa đổi các quy định về sở hữu vốn, chuyển nguồn tiền tiết kiệm gia đình từ ngân hàng đổ vào các công ty khởi nghiệp, chăm chút cho các startup đang trên đà tiến tới mức định giá 1 tỷ đô la, tức “kỳ lân”…
Chính phủ Nhật Bản đang ráo riết thực hiện kế hoạch hỗ trợ các startup trong kế hoạch năm năm được đưa ra vào tháng 11/2022, với số vốn hỗ trợ lên đến 10.000 tỷ yen (70 tỷ đô la) nhằm tạo thêm 100 “kỳ lân” mới.
Hiện chỉ có bảy startup Nhật Bản được xem là kỳ lân. Đây là con số “rất khiêm tốn” so với các nền kinh tế lớn. Theo CB Insights, tính đến tháng 10/2023, Mỹ có 652 kỳ lân, Trung Quốc có 173 và Ấn Độ có 71. Nikkei Asia nói cơ sở đầu tư mỏng và thiếu các mô hình kinh doanh tập trung ở nước ngoài được xem là các nguyên nhân chính.
Tăng khả năng tiếp cận vốn, thu hút nhân tài nước ngoài
Về nguyên tắc, chính phủ Nhật Bản cho phép ngân hàng sở hữu 100% các startup dưới 10 tuổi thông qua hãng con chuyên về đầu tư thuộc ngân hàng. Với các công ty trên 10 tuổi, các ngân hàng không được phép nắm giữ quá 5% quyền biểu quyết tại các công ty này nhằm bảo đảm tính minh bạch tài chính và phòng ngừa tình trạng tập trung quyền sở hữu.
Thủ tướng Fumio Kishida xem việc tiếp thêm sinh lực cho các startup Nhật Bản là trụ cột trong chính sách kinh tế của ông. Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) sẽ nới lỏng các hạn chế đối với các ngân hàng đầu tư vào các công ty đã hơn 10 năm tuổi. Dự kiến FSA sẽ sửa đổi Đạo luật Ngân hàng vào tháng 6.2024 sau khi lấy ý kiến công chúng.
Các startup nghiên cứu và phát triển (R&D) thường mất nhiều thời gian hơn để đưa sản phẩm ra thị trường và thời gian cần thiết để tạo ra lợi nhuận từ đầu tư thường vượt quá khung thời gian quy định 10 năm. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, hơn 60% startup tập trung vào R&D phải mất hơn 10 năm mới có thể thực hiện IPO (phát hành cổ phiếu công khai lần đầu).
Lĩnh vực phát triển thuốc gặp nhiều khó khăn do thời gian phát triển đặc biệt dài. Thương mại hóa cũng là một thách thức vì startup không thể bán hàng nếu chưa được cơ quan chính phủ cấp phép. Các startup ngành dược phẩm thường không thể vay vốn hay gọi vốn từ ngân hàng nếu tuổi đời vượt quá 10.
Vốn mạo hiểm đóng vai trò rất quan trọng với sự phát triển của startup, nhất là giai đoạn mới thành lập. Theo JVCA, vốn mạo hiểm chiếm 41% số vốn các startup Nhật Bản huy động được trong năm 2022, trong khi vốn từ các định chế ngân hàng chiếm 3,5%. Các công ty đầu tư mạo hiểm chưa phát triển đủ mạnh ở Nhật Bản, nơi vốn tư nhân thường được gửi tại ngân hàng là chủ yếu. Lượng vốn cổ phần tư nhân (private equity) của Nhật Bản chỉ bằng 1% ở Mỹ.
Đầu tháng 10/2023, FSA đã thay đổi chính sách để thu hút tiền tiết kiệm của hộ gia đình chuyển vào kênh đầu tư và nuôi dưỡng các startup. FSA cho phép nhà đầu tư cá nhân tăng gấp đôi vốn góp cho các nền tảng gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) từ 500.000 yen lên 1 triệu yen và các startup chưa niêm yết được huy động gấp năm lần vốn đến 500 triệu yen trong mỗi năm tài chính.
Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản (JPB) có kế hoạch đầu tư 1.000 tỷ yen (hơn 7 tỷ đô la) vào các startup Nhật Bản thông qua dạng vốn cổ phần. JPB sẽ dùng mạng lưới bưu chính toàn quốc để xác định các doanh nghiệp có triển vọng, đặc biệt nhắm vào các startup đang trên đường vượt ngưỡng 1 tỷ đô la. Chính phủ Nhật Bản dự kiến cũng nới lỏng chính sách di trú nhằm thu hút nhân tài khắp thế giới, cho phép nhà sáng lập nước ngoài có thể lưu trú đến hai năm ở Nhật Bản mà không cần đầu tư hay cam kết vốn đầu tư. Hiện các quy định của Nhật Bản buộc nhà đầu tư nước ngoài phải sở hữu một công ty tại Nhật Bản và phải thuê ít nhất hai nhân viên toàn thời gian hoặc đầu tư năm triệu yen để được phép xin thị thực quản lý kinh doanh tại nước này.
Giúp startup “vượt vũ môn hóa kỳ lân”
Kết quả khảo sát 132 công ty chưa niêm yết trong nước tính đến cuối tháng 10.2023 của Nikkei cho thấy Nhật Bản hiện có 13 startup chưa niêm yết đang tiến dần tới mức định giá 1 tỷ đô la. Số startup “chuẩn bị trở thành kỳ lân” đã tăng gấp ba so với năm ngoái nhờ dòng vốn đổ vào các startup đưa ra các giải pháp tự động hóa hay giảm phát thải. Mức định giá của các startup này từ khoảng 50 tỷ yen (340 triệu đô la) trở lên và chỉ cần một hay hai vòng gọi vốn nữa thì đủ sức vượt ngưỡng 1 tỷ đô la.
Với sự hỗ trợ từ Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Nhật Bản (JVCA) và hãng cung cấp dịch vụ đầu tư Kepple có trụ sở tại Tokyo, Nikkei đã thực hiện cuộc khảo sát hàng năm bắt đầu từ năm 2017 đến nay. Trong khi các cuộc khảo sát từ năm 2017 đến năm 2021 chỉ tìm thấy khoảng 1-5 startup tiền kỳ lân, đà tăng trưởng của các startup đã tăng mạnh từ năm 2022.
Nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu đã trở thành bài toán chung cho các startup trong những năm gần đây. Nikkei Asia nói ngày càng nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản non trẻ đang tham gia giải các bài toán này.
Trong 13 startup trên, có năm công ty đã đạt được mốc định giá 1 tỷ đô la, tăng một công ty so với năm ngoái. Opn Holdings là một trong số này, chuyên cung cấp cơ sở hạ tầng thanh toán cho các doanh nghiệp phần lớn ở Đông Nam Á. Định giá của nhà phát triển phần mềm robot Mujin đạt 118,6 tỷ yen, tăng gấp 29 lần so với năm ngoái. Các giải pháp tiết kiệm nhân công trong ngành sản xuất và hậu cần giúp Mujin huy động thành công nguồn vốn khổng lồ.
Kyoto Fusioneering – công ty phát triển thiết bị sản xuất điện nhiệt hạch hạt nhân, một con át chủ bài tiềm năng trong quá trình giảm phát thải – đã tăng mức định giá lên 6,6 lần lên 54,5 tỷ yen. Công ty được đánh giá nhờ các công nghệ tiên tiến, số kênh bán hàng ở nước ngoài đang tăng dần.
Mức định giá được tính bằng đô la Mỹ, sự mất giá của đồng yen đã trở thành rào cản mới của các startup Nhật Bản trên con đường vươn mình chạm mốc 1 tỷ đô la.
Trong khi đó, các nhà đầu tư trên toàn cầu đang trở nên thận trọng hơn trước chính sách siết chặt tiền tệ ở Mỹ và châu Âu. Dữ liệu từ CB Insights cho thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới đã đầu tư tổng cộng 193,6 tỷ đô la vào các startup trong chín tháng đầu năm 2023, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Nhật Bản, lãi suất thấp và chính sách hỗ trợ của chính phủ đang đóng vai trò động lực chính, giúp các startup có triển vọng huy động vốn tương đối dễ dàng.
Ricky Hồ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này