10:41 - 01/02/2024
Khởi nghiệp với mướp – mít – dừa – muối – ớt
Khởi nghiệp từ nông nghiệp đã truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo từ nguồn tài nguyên bản địa.
TS Dương Văn Ni – chuyên gia về đa dạng sinh học và tài nguyên ĐBSCL nói nhờ hồi nhỏ chăn trâu, chăn vịt tui biết cỏ năn tượng có thể làm sạch môi trường. Giờ đây, cây năn tượng vô những ruộng trồng lúa thơm – nuôi tôm càng hay tôm sú cỏ năn tượng giống như hệ thống lọc nước thần kỳ làm sạch môi trường. Chưa hết cỏ năn tượng còn tạo ra giá trị kinh tế khi làm hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Do cách sống của con người mà mọi thứ phức tạp hơn cho đời sau. Lối sống xanh sẽ giảm những tác động thô bạo vào tự nhiên. Với cách đó, GS TS Norihiko Hiramatsu, người khởi xướng chương trình “Nhất thôn – Nhất phẩm” (One Village – One Product) đã hướng suy nghĩ từ “tổng sản phẩm quốc dân tới tổng mức độ hài lòng quốc gia” thông qua chương trình này. Từ góc nhìn xã hội, văn hóa, ông đã có nhiều cách nghĩ sáng tạo, không chỉ chặn đứng nạn ly nông di cư ở Oita để tha hương (như làn sóng đi Bình Dương ở ĐBSCL) mà còn thu hút nguồn nhân lực được đào tạo đàng hoàng trở về quê khởi nghiệp. Tại Việt Nam, những câu chuyện Khởi nghiệp xanh mà chúng tôi kể sau đây, cũng hy vọng mở ra một hành trình làm sống lại nông thôn!
Mr.Mướp – Thành công từ những thứ bỏ đi
Trong xu hướng dùng những sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, có nguồn gốc từ thiên nhiên thì các sản phẩm từ xơ mướp sẽ là sự lựa chọn của không ít người tiêu dùng.
Theo thời gian, các sản phẩm, dụng cụ tắm, rửa chén… xã hội đã chuyển qua dùng bằng sợi ni lông, nhựa PP hay PE… Nhận thấy việc sử dụng những loại nguyên liệu trên gây ra rác thải nhựa tác động đến môi trường, nhóm bạn trẻ Đỗ Đăng Khoa, Đỗ Mạnh Quân và Lê Na (tỉnh Đồng Tháp) đã thành lập dự án “Kết nối con người với tự nhiên – Mr.Mướp”, một thương hiệu của doanh nghiệp tư nhân Thảo Minh, nhằm thương mại hóa sản phẩm từ xơ mướp. Khi tham gia cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh 2023, họ đã vượt qua 108 dự án khác trên khắp cả nước để đạt giải nhất.
Không chỉ đơn thuần là những sản phẩm xơ mướp để tắm, rửa chén, nhóm dự án này còn tạo ra sản phẩm có giá trị cao, từ đồ chơi cho thú cưng, đồ dùng chùi rửa nhà bếp, trang trí nội thất….
Chia sẻ tại chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh, các thành viên dự án cho hay, chất liệu xơ mướp không những an toàn, mà còn hỗ trợ làm sạch răng cho thú cưng trong quá trình gặm nhấm đồ chơi. Điều này giúp sản phẩm của Mr.Mướp chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…có mặt trong hệ thống
Khoa nói: “Những sản phẩm đồ chơi thú cưng từ xơ mướp đã xuất đi Nhật Bản hơn 5 năm nay. Việc xuất khẩu này đã nuôi sống dự án qua mùa dịch Covid-19. Còn dòng sản phẩm trang trí đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ”. Sau khi làm sản phẩm có thị trường trong và ngoài nước, Mr.Mướp đã tính đến việc liên kết với nông dân trồng mướp lấy xơ, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu 2 triệu sản phẩm/năm, tương đương doanh số gần 18 tỷ đồng, Mr.Mướp phát triển diện tích 50 ha vùng trồng tại tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk.
Anh Đỗ Mạnh Quân, thành viên trong nhóm cho hay, tại Đắk Nông và Đắk Lắk, họ trang bị máy móc, tư vấn kỹ thuật cho các nông hộ để giảm phí lưu kho, phí cố định. Nông dân tham gia chuỗi này có thể thu khoảng 360 triệu đồng/ha/năm, với điều kiện vừa trồng vừa gia công sản phẩm cho công ty. “Chúng tôi có đội ngũ kỹ sư đến làm việc cùng họ liên tục. Trung bình một kỹ sư làm việc với 5 hộ để hướng dẫn họ trồng, chăm sóc, thu hoạch xơ mướp cũng như hướng dẫn sản xuất thô sản phẩm”, Quân cho biết.
Cùng với vùng nguyên liệu ở Đồng Tháp, An Giang, việc mở rộng địa bàn sẽ giúp Mr.Mướp có vùng trồng ổn định, để đáp ứng số lượng đơn hàng ngày một tăng trong thời gian tới. Cũng theo Đỗ Mạnh Quân, hiện khoảng 30% sản phẩm từ xơ mướp sản xuất tại xưởng dùng cho xuất khẩu, 70% còn lại là liên kết với nông dân sản xuất và cung cấp cho thị trường bán lẻ, nhà phân phối.
Theo kế hoạch, Mr.Mướp đang mở rộng thị trường tại Hàn Quốc và triển khai bán trực tiếp trên sàn thương mại điện tử Amazon.
Bên cạnh các sản phẩm hiện có, Mr.Mướp đang nghiên cứu phát triển miếng xốp thấm dầu và vi nhựa nhằm ứng dụng vào ngành công nghiệp xử lý nước thải. Công trình nghiên cứu đã được gửi đi đăng ký sở hữu trí tuệ và dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2024.
Mr.Muối – Nâng tầm giá trị nguyên liệu địa phương
Dự án: “Sản xuất muối Tây Ninh kết hợp đặc sản vùng miền – Mr.Muối” của nhóm bạn trẻ Đặng Khánh Duy, Nguyễn Ngọc Sơn và Phạm Thái Hoàng đạt giải nhì Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh năm 2023. Nói về hành trình làm dự án này, anh Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, “chúng tôi ấp ủ làm thương hiệu muối cho Tây Ninh từ khá lâu, đến ngày 14.2.2023, “Nghề làm muối ớt Tây Ninh” được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đây là cột mốc quan trọng để nhóm biến giấc mơ khởi nghiệp thành hiện thực.
Để tạo ra sự khác biệt, các dòng sản phẩm của Mr.Muối được nghiên cứu, phát triển, với nhiều tính năng nổi bật. Trong đó, muối tôm kết hợp với cà rốt, củ cải trắng, đậu nành đều giảm tối đa bột ngọt nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của muối Tây Ninh. Nhất là sản phẩm muối tỏi, muối tôm không bột ngọt là loại muối đặc biệt, tập trung vào phân khúc hàng không dùng bột ngọt….
“Mong muốn của Mr.Muối là nâng tầm đặc sản địa phương Tây Ninh, kết hợp với những đặc sản khác ở nhiều địa phương để gia tăng được giá trị của sản phẩm, giúp người nông dân có thêm đầu ra cho sản phẩm nông sản”, Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.
Trong khi đó, anh Đặng Khánh Duy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên, thành viên nhóm cho biết, công ty mới xây dựng nhà xưởng chuyên sản xuất muối với diện tích 500m2, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhà máy đang làm hạng mục cần thiết để đạt tiêu chuẩn FSSC 22000. Hiện tại, những sản phẩm Mr.Muối đã có mặt trong hệ thống Sài Gòn Co.op, hệ thống siêu thị Satra và các chợ truyền thống ở nhiều tỉnh, thành.
K.Products – “Đúc” cá kho Việt Nam xuất qua Nhật
Anh Trần Bảo Khánh, nhà sáng lập dự án: “K.Products – Cung cấp sản phẩm đóng gói tiệt trùng công nghệ Nhật Bản mang lại sự tiện dụng và giải pháp nấu ăn ngon cho khách hàng trong thời đại mới”, cùng vợ là chị Mai Thị Thu Trang, và đồng đội Nguyễn Trung Hiếu là một trong những dự án đạt giải 3 cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh 2023. Nhóm bạn trẻ thế hệ 9X này với điểm chung, nhiều năm học tập và làm việc tại Nhật Bản. Xa quê hương, nhớ những món ăn Việt Nam như phở bò, gà, hủ tiếu, bún bò huế, bún riêu, cá kho,… đã nung nấu ý tưởng, làm sao đưa những sản phẩm này đến thị trường Nhật Bản, cho người Nhật bản địa và những người Việt xa quê.
Năm 2018, Khánh và Trang dành số tiền tiết kiệm và tiền cưới, mua hàng từ Việt Nam xuất sang Nhật, nhưng thất bại vì nhiều lý do, đơn cử như, Nhật Bản không cho cá nhân người nước ngoài nhập khẩu hàng thực phẩm số lượng lớn. Chất lượng hàng hóa không đủ tiêu chuẩn của Nhật Bản… do đó thất bại.
Năm 2020, Khánh về Việt Nam làm việc với các nhà sản xuất để gia công sản phẩm theo yêu cầu của mình, với mục tiêu phải phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản. Năm 2021, K.Products được thành lập, với thiết bị máy móc công nghệ mua trực tiếp từ Nhật Bản. Cùng với đó là xây dựng nhà xưởng đạt chứng nhận ISO 22000:2018.
Từ đó đến nay, K.Products đã xuất khẩu nhiều lô hàng là các sản phẩm theo dạng nấu liền (bún bò Huế, phở bò, phở gà, bún riêu cua…) đến những sản phẩm sẵn sàng ăn ngay (cá kho làng Vũ Đại, cá nục kho riềng, cá nục kho tiêu, bò kho, cà ri gà)… sang thị trường Nhật Bản.
Khánh nói:“Những sản phẩm của K.Products hiện phủ sóng các chuỗi siêu thị lớn Yamadai, Satoku, 212 Kitchen Store, Aeon, Mom… tại Nhật Bản. Ngoài thị trường Nhật, công ty đang phát triển thêm một số quốc gia tiềm năng khác như Hàn Quốc, Úc và Mỹ để đưa các sản phẩm thuần Việt tới bạn bè thế giới”.
Vicosap – Thay áo mới cho dừa sáp Trà Vinh
Trong khi đó, với dự án: “Vicosap – Hành trình thay áo mới cho dừa sáp Trà Vinh” của nhóm bạn Lâm Ngọc Tú, Trần Duy Linh, Nguyễn Thị Ngọc Thảo cũng trang bị được nhiều tiêu chuẩn cao của quốc tế. Tính đến hiện tại, Vicosap đã có các tiêu chuẩn chứng nhận ISO 22000:2018, HACCP, FDA và HALAL. Sản phẩm đang bán tại các cửa hàng đặc sản, các điểm du lịch, chuỗi sân bay quốc tế trên toàn quốc, hệ thống siêu thị Win mart, Emart. Xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông…với các sản phẩm từ dừa sáp sấy, dừa sáp sợi, sữa chua dừa sáp, kẹo dừa sáp…
Hiện tỉnh Trà Vinh có 750 ha dừa sáp, tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè. Vùng nguyên liệu này có khả năng cung ứng cho nhu cầu thị trường hơn 2,3 triệu trái sáp/năm.
Chị Lâm Ngọc Tú cho hay, vùng đất Cầu Kè nơi trái dừa sáp được xem như đứa con tinh thần của người dân trong huyện. Dừa sáp là giống dừa đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao, nhưng đa phần bán ven đường cho khách thập phương, tình trạng khách mua nhầm dừa cũ, dừa hư, kém chất lượng vẫn xảy ra hàng ngày, gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu dừa sáp Cầu Kè. Năm 2023, Vicosap triển khai dự án: “Làng bảo tồn dừa sáp nguyên bản gắn với phát triển dịch vụ – du lịch cộng đồng, cải thiện sinh kế đồng bào Khmer”. “Chúng tôi xây dựng khu trưng bày các hiện vật, tái hiện lịch sử hình thành và phát triển cây dừa sáp như một cách để bảo vệ nguồn tài nguyên bản địa, đồng thời góp phần gìn giữ, lưu truyền đến thế hệ con cháu tương lai”, chị Tú nói.
Những người Khởi nghiệp Xanh nay đã khác!
Mỗi năm, những bạn trẻ trong cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh đều có sự khác biệt, nhất là nhóm đạt giải cao. Năm 2023, điểm chung từ những dự án này, nhiều người đã đưa sản phẩm của mình xuất khẩu đến các thị trường khó tính trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, qua Mỹ, châu Âu…
TS Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC, một trong những thành viên chấm thi các dự án khởi nghiệp Xanh năm 2023 cho rằng, trong nhiều dự án khởi nghiệp, các bạn đều liên kết với người nông dân. Ông nói: “Tôi đánh giá rất cao việc các dự án đã làm “hài lòng” người nông dân. Mối liên kết với người nông dân, ngay cả những doanh nghiệp lớn trong ngành cũng gặp khó, vì người nông dân có thói quen “bẻ kèo”, mỗi khi giá nông sản, nguyên liệu đầu vào biến động”.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhận xét, những dự án khởi nghiệp Xanh thời gian gần đây, thí sinh đã chú ý đến vấn đề thị trường tốt hơn, các bạn nhận thức và hiểu biết sâu sắc xu hướng thay đổi của đời sống xã hội – đặc biệt là sau Covid-19… Nhiều dự án đã hoàn thiện và trang bị cho mình những tiêu chuẩn, chứng nhận quan trọng để thỏa mãn yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường khó tính trong khu vực và trên thế giới.
Bài và ảnh Trần Quỳnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này