10:56 - 19/02/2024
‘Diên Hồng’ phương án trong kiến thiết nước Nhật
Vào thời điểm năm cũ chấm dứt, năm mới bắt đầu, các học giả, nhà báo ở nước Nhật thường cùng nhìn lại các sự kiện quan trọng đã diễn ra trong năm, phân tích tình hình nước Nhật, chỉ ra các khó khăn, thách thức đồng thời bàn luận về phương án kiến thiết Nhật Bản trong tương lai.
TGHN xin giới thiệu một số góc nhìn của các học giả và báo chí Nhật Bản.
Bốn chỉ dấu để giữ gìn phẩm cách quốc gia
Đầu tiên là quan điểm của giáo sư toán học Fujiwara Masahiko. Giáo sư Fujiwara đã từng có nhiều năm giảng dạy toán học ở các đại học danh tiếng như Cambridge, Oxford và là một nhà văn ăn khách của nước Nhật. Cuốn sách “Phẩm cách quốc gia” của ông xuất bản lần đầu năm 2005 đã bán được 2,65 triệu cuốn tại Nhật Bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trong tác phẩm này, ông đã so sánh văn hóa, xã hội Nhật Bản với xã hội Âu Mỹ ở nhiều khía cạnh. Ở đó ông cho rằng vì Nhật Bản đã chạy theo Mỹ và Tây Âu trong phát triển kinh tế nên bỏ mất vẻ đẹp của mình nằm ở “hình thức” và truyền thống. Ông cho rằng “Sự Mỹ hóa không có điểm dừng mà tiêu biểu là nguyên lý thị trường, thứ trở thành cột trụ của cải cách kinh tế, đã vượt qua lĩnh vực kinh tế và có ảnh hưởng sâu sắc tới cả xã hội, văn hóa, quốc dân tính”. Kết quả là “Nhật Bản đã mất đi đặc trưng quốc gia của mình. Nhật Bản đã mất đi phẩm cách của quốc gia”.
Ông cũng cho rằng Nhật Bản chỉ có thể ra khỏi khủng hoảng, khôi phục được vị trí tiên phong của mình khi Nhật Bản can đảm chống lại “toàn cầu hóa”. Ông nhấn mạnh: “Tôi cho rằng chính việc trở lại thành “Nhật Bản duy ngã độc tôn” và thể hiện là hình mẫu trên thế giới mới thể hiện được vai trò của Nhật Bản và đó cũng là cống hiến cho lịch sử thế giới”. Theo giáo sư Fujiwara chiến lược của Nhật Bản trong tương lai là phải phấn đấu nỗ lực trở thành một quốc gia có phẩm cách. Một quốc gia có phẩm cách theo ông sẽ thể hiện ở bốn chỉ dấu.
Thứ nhất là “Độc lập và không bị phụ thuộc”. Giáo sư Fujiwara Masahiko cho rằng độc lập không chỉ thể hiện ở chính sách an ninh quốc phòng, đối ngoại mà còn phải tự chủ độc lập về lương thực thực phẩm. Theo ông tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Nhật Bản hiện tại là 40%-quá thấp so với Anh (75%), Đức (90%).
Thứ hai là “Đạo đức cao”. Giáo sư Fujiwara cho rằng người Nhật đã từng có đạo đức quốc dân rất cao nhưng gần đây thì “bị xúc phạm triệt để bởi chủ nghĩa coi tiền là số một do kinh tế thị trường đem đến”. Ông chỉ ra nước Nhật phải “Không được hòa vào những quốc gia nước ngoài tầm thường và phải duy trì đạo đức ở tầm cao với tư cách là đặc trưng quốc gia”.
Thứ ba là “Ruộng vườn đẹp đẽ”. Ở đây ông nhấn mạnh sự tươi đẹp và trù phú của đồng ruộng nằm trong tay người nông dân. Ông nhấn mạnh: “Việc có được ruộng vườn đẹp đẽ cũng có nghĩa là việc người nông dân sẽ không phải rơi nước mắt. Nó là căn cứ chứng tỏ nông dân-những người dễ bị tác động về mặt kinh tế nhất cũng đang được quan tâm và họ đang yên tâm lao động. Đấy cũng là việc tình yêu tổ quốc và lòng trắc ẩn vẫn sống thay vì chỉ có những nguyên lý kinh tế”.
Thứ tư là “Sự xuất hiện liên tục của các thiên tài”. Giáo sư Fujiwara chỉ ra hiện trạng của nước nhà: “Nhật Bản thật sự đang dần mất đi môi trường sản sinh ra thiên tài. Ruộng vườn-ngọn nguồn của cái đẹp trở nên hoang phế và từ tiểu học cho đến đại học đang bị ô nhiễm bởi trào lưu chỉ tìm kiếm những gì có ích. Sự ngưỡng vọng giờ đây chỉ dành cho đồng tiền. Hình thức coi nhẹ tiền bạc-thứ đến từ võ sĩ đạo đã bị quên hoàn toàn”.
Đấy là những luận điểm mạnh bạo và trên thực tế đã gây ra những cuộc tranh luận lớn tại Nhật Bản.
Tự tạo ra nền kinh tế tương lai bằng giáo dục
Ở một góc độ khác, giáo sư Sato Manabu, giáo sư danh dự Đại học Tokyo, nguyên chủ tịch Hội nghiên cứu giáo dục Nhật Bản lại có một cái nhìn có trọng tâm khác. Trong cuốn sách “Cách mạng công nghiệp 4.0 và tương lai giáo dục” xuất bản tại Nhật năm 2021 và xuất bản tại Việt Nam năm 2023, từ góc nhìn về giáo dục ICT ông đã đưa ra những nhận định về tình hình Nhật Bản hiện tại và bàn về phương hướng trong tương lai.
Về cơ bản Nhật Bản đã thất bại trong cách mạng IT (diễn ra từ những năm 1980 trở đi), vì thế “Cuộc cách mạng IT này chỉ tiến triển nửa vời ở Nhật Bản và không đem lại sự thay đổi như kì vọng. Biểu tượng của cuộc cách mạng IT là iPhone. 70% linh kiện của iPhone là sản phẩm của Nhật Bản nhưng trên 90% lợi nhuận lại thuộc về Apple. Tóm lại, cuộc cách mạng IT hoàn toàn nằm trong tay các doanh nghiệp Mỹ. Việc phần lớn các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong cuộc cách mạng IT như Microsoft, Intel, Facebook, Amazon, Apple đều là doanh nghiệp của Mỹ đã nói lên điều đó”. Ông nhấn mạnh: “Trong số 30 công ty hàng đầu không có công ty nào của Nhật Bản, chỉ có Toyota lọt vào 50 công ty hàng đầu (đứng thứ 48)”. Ông so sánh với 32 năm trước, thời điểm 1988 khi có tới 21 công ty của Nhật Bản đứng trong danh sách 30 công ty lớn nhất thế giới và chỉ ra nguyên nhân là do Nhật Bản đã thất bại trong xoay chuyển cơ cấu ngành nghề và đổi mới công nghệ.
Theo ông hệ quả nhãn tiền của việc đó là trong 30 năm đó GDP của Nhật Bản chỉ tăng có 1,6 lần-thấp nhất thế giới (thứ 170) trong khi trung bình thế giới là bốn lần. Nhật Bản vì vậy tuy duy trì được vị trí kinh tế thứ ba thế giới về GDP nhưng tỉ lệ tăng trưởng kinh tế rơi xuống hạng thấp nhất thế giới. Nhật Bản muốn vượt qua được khó khăn thách thức lớn lao này thì phải “từ bỏ việc suy ngẫm về triển vọng tương lai của công việc, đời sống, văn hóa và giáo dục dựa trên quốc gia và tư bản. Thay vào đó, nên triển khai cuộc cải cách dựa trên tư tưởng chúng ta tự mình sáng tạo nền kinh tế, xã hội và văn hóa lấy địa phương làm trung tâm, tạo ra tương lai cho trẻ em, tương lai của xã hội địa phương lấy trường học làm trung tâm”.
Ở thời điểm cuối năm 2023, sau khi Chính phủ của thủ tướng Kishida đưa ra quyết nghị về chiến lược tương lai đối với trẻ em với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng già hóa dân số (22.12.2023) các tờ báo lớn như Yomiuri, Asahi đều có bài xã luận bình luận về chính sách này-chính sách được coi như một trong các biện pháp trọng tâm để giải quyết các thách thức của Nhật Bản.
Trong bài xã luận có tựa đề “Chiến lược vì tương lai trẻ em-Cần nỗ lực cho các biện pháp chinh phục già hóa dân số” (25/12/2023) báo Yomiuri cho rằng để xây dựng được xã hội ở đó “thế hệ trẻ muốn sinh con” thì chính phủ phải xúc tiến song song việc tăng cường chính sách chống già hóa dân số và đảm bảo nguồn tài chính. Bài xã luận cho rằng tình trạng già hóa dân số ở Nhật Bản là rất nghiêm trọng. Số liệu thống kê cho biết số trẻ em sinh ra ở Nhật Bản năm 2022 là 77 vạn, thấp nhất trong lịch sử nước Nhật từ trước đến nay tính từ năm 1899. Bài xã luận cũng cho biết trong các cuộc điều tra quốc gia số người không muốn kết hôn và có kết hôn cũng không muốn sinh con tiếp tục tăng lên.
Nguyễn Quốc Vương (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này