11:51 - 31/01/2024
Cua Cà Mau đã bay tới xứ cờ hoa…
28/12/2023 trở thành ngày đáng nhớ khi tôi cầm trên tay hộp cua Cà Mau từ trong tủ đông lạnh của siêu thị Tini’s Marketplace, tọa lạc tại góc đường Westminster và Euclid, TP Santa Ana. Con cua màu đỏ thắm khoanh tròn trong chiếc hộp nhỏ hình chữ nhật nặng 500 gr, bán với giá 24 đồng thật sự làm tôi kinh ngạc.
Chỉ vì thích… ăn cua
Người đã đưa con cua Cà Mau vượt 12.500 cây số trên không trung là Đoàn Thị Anh Thư, 37 tuổi, tổng giám đốc điều hành công ty Vua Cua. Anh Thư sinh trưởng tại thành phố Đồng Nai.
Từ lúc mới ra đời, Anh Thư đã xa cha mẹ, sống cùng cô dượng Ba tại Bình Phước. Năm 18 tuổi, cô bé tóc cháy da sạm nắng đồn điền cao su đặt chân đến Sài Gòn, tiếp tục sống một mình vì cha mẹ và hai em đã đi định cư ở nước ngoài.
Cô ở lại Việt Nam, tìm kiếm việc làm, vừa đi học tài chính và nghiên cứu thị trường, chấp nhận sự run rủi của số phận. Thế rồi cô vừa đi làm để kiếm sống, vừa theo đuổi đam mê: nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm của hoạt động kinh doanh. Cô bước vào nhiều lĩnh vực khác nhau, được tuyển dụng làm nhân viên nghiên cứu thị trường của công ty AC Nielsen Việt Nam; nhảy qua ngành bảo hiểm nhân thọ trước khi trở thành nhân viên bán hàng của hai – ba công ty quảng cáo; mở quán bán sinh tố… Anh Thư thú nhận: “Tôi cố gắng đu trend theo khuynh hướng của thị trường, áp dụng những điều mình đã học vào công cuộc kinh doanh ở qui mô nhỏ… nhưng toàn thất bại.”
Đời không như là tên, Anh Thư người chắc nịch như một gã con trai. Anh Thư thích… ăn cua. Trong một lần lướt web, cô tìm thấy chàng trai chuyên bỏ mối cua để rồi đặt hàng dài dài, thoả mãn cơn ghiền món cua luộc ăn với muối tiêu chanh.
Năm 2014, cô bỗng nảy ra ý định mua cua của anh chàng ấy với số lượng lớn để rồi rao bán trên mạng kiếm lời. Người mê món cua của cô đông dần, Anh Thư chào mời các nhà hàng để tăng số lượng và doanh thu, trung bình mỗi tháng thu khoảng 40 triệu đồng. Đến lúc đó thì anh chàng kia không đủ cua để cung cấp, Anh Thư buộc phải đi xa hơn, quyết định rời nhà ở Sài Gòn, vượt 300 cây số đến Cà Mau mua cua tại nguồn, mới đủ để cung cấp cho khối lượng khách hàng ngày càng đông.
Làm bạn với con cua Cà Mau
Anh Thư vác ba lô, một mình ngồi xe đò đến tỉnh lỵ Cà Mau, đi tới đâu hỏi tới đó, tìm kiếm người quen và cả người “trước lạ sau quen” để hỏi thăm. Lăn lóc đầu đường xó chợ từ huyện Đầm Dơi đến huyện Năm Căn của tỉnh Cà Mau, cô dần dần khám phá nhiều điều thú vị. Cô không còn lạ gì trước “thói quen” của nhà vuông, dùng dây thừng dính đầy bùn đất để buộc cua.
Từ trước đó vài chục năm, nhà vuông Cà Mau dùng dây gừng, dây chuối để buộc chặt hai càng cua, vừa dễ cầm, vừa tránh bị cua… kẹp. Dần dà, muốn lời nhiều với chỉ ngần ấy số lượng cua thu hoạch đã khiến “lái con,” “lái mẹ” dùng dây thừng thay vì dây gừng, dây lạt để buộc, làm tăng trọng lượng của con cua. Dây thừng hút nước sau đó được thay bằng dây thừng ngâm trong bùn sình để nâng trọng lượng mỗi con cua từ 400 g lên 550 g, chỉ riêng sợi dây thôi đã nặng đến 150 g. Người tiêu thụ ở Sài Gòn lúc đó đã biết đến châm ngôn “mua dây tặng cua” hoặc “mua cua tặng dây.” Ai cũng ngao ngán nhưng cái thèm lấn át.
Anh Thư khi đó mới 28 tuổi bị cuốn vào vòng xoáy gian lận của người nuôi cua và cả người kinh doanh mà theo cô, không còn “chân chất, thật thà” như vài mươi năm trước. Giờ đây, một chiếc kéo chỉ cắt dây buộc 10 con cua thì hỏng. Người tiêu thụ phải thay bằng kéo cắt vải dành cho thợ may. Cô cũng nhận ra rằng, nhiều người kinh doanh không cần tăng giá bán món cua, mà chỉ cần tăng trọng lượng dây buộc cua.
Ngày dài lăn lóc các hang cùng ngõ hẻm, đầu đường xó chợ giúp Anh Thư nhận ra đặc điểm của các giống cua, hiểu rằng thịt cua huyện Đầm Dơi, Năm Căn của tỉnh Cà Mau chắc nịch, ngọt vì nơi đó vốn là vùng đất phù sa bồi, mà người dân ví là “cua tập thể dục”. Trong khi đó thì thịt cua Bến Tre bời rời vì không giáp ranh vùng biển nước lợ. Cô cũng biết xếp hạng các loại cua, ngon hàng đầu là cua cốm rồi mới tới cua trinh nữ tức cua yếm vuông, cua lột, cua thịt, cua gạch.
Nước xốt “áo” cua Cà Mau đông lạnh
Hiểu được khá đầy đủ tính chất, đặc điểm của con cua Cà Mau, loại cua ngon nhất Việt Nam, Anh Thư lại vác ba lô về Sài Gòn, quyết định mở nhà hàng Vua Cua và lần lượt khai trương 5 nhà hàng trong vòng 4 năm. Quyết định táo bạo và mới mẻ của cô tại Sài Gòn thời trước đại dịch Covid-19 đã đưa thực khách thích ăn cua đến tấp nập, nâng doanh thu của cô lên hơn 7 tỷ đồng/ tháng.
Thế nhưng, phải khá lâu, cô mới hiểu ra rằng mình đã sa vào sự sai lầm của đa số doanh nghiệp trẻ ở Việt Nam: Chăm chỉ làm ăn nhưng không thành công; nhà hàng, cơ sở sản xuất tấp nập khách nhưng không lãi vì mua hàng cũng đồng thời là mua nợ. Nhiều người tưởng kế hoạch chiếm dụng vốn của nhà cung cấp giúp đơn vị phát triển mà không biết rằng mọi thành quả kinh doanh sẽ biến thành con số không vì kiểm soát công nợ kém dẫn đến dòng tiền, tính thanh khoản doanh nghiệp yếu kém. Riêng công ty Vua Cua thời đó đã phải thuê đến 10 nhân viên kế toán, mất mỗi tháng vài trăm triệu đồng tiền để trả lương. Bộ máy hành chánh cồng kềnh, chi phí cao, bán bao nhiêu cũng không đủ lãi để trả lương cho người lao động.
Anh Thư kể lại bài học đau đớn của chính mình khi đi theo khuynh hướng của một số thương gia ở Việt Nam: Thường xuyên ăn nhậu, vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, thắng cũng nhậu và thua cũng nhậu. Nhậu làm gia tăng chi tiêu, hao tổn thời gian và bạc nhược tinh thần. Cô chợt nhận ra rằng phải trở lại với lối sống lành mạnh, ăn thực phẩm đủ chất dinh dưỡng và bỏ rượu. Cô còn quyết định khoá nợ: Không để nợ chồng nợ; thanh toán ngay các đơn hàng bằng nguồn thanh khoản của chính công ty mà không vay mượn hay gọi thêm vốn mới. Cô cắt mạnh số lượng nhân viên hành chánh. Phòng Marketing của công ty giờ chỉ còn lại hai người, gồm chính cô – giám đốc điều hành Anh Thư và một nhân viên thiết kế.
Tích luỹ sức khoẻ để giành lại thương trường ở trong nước, Anh Thư bắt đầu tính chuyện xây dựng thương hiệu và phẩm chất sản phẩm. Tiếp nhận nhiều lời khuyên độc đáo, Anh Thư quyết định nghiên cứu chiến lược sản xuất nước xốt cua để tung ra thị trường nội địa, gồm xốt trứng muối, xốt bơ cay, xốt tiêu đen. Cô nhớ lại: “Khi nói về quyết định đông lạnh con cua, tôi bị nhiều người cho là … khùng, vì ai lại thích ăn con cua đông lạnh ở vùng nguyên liệu bao giờ.”
Anh Thư bền bĩ thực hiện kế hoạch theo lời khuyến khích của anh Lại Hợp Nhân, từng là tổng biên tập báo Diễn Đàn Doanh nghiệp, khắc phục tình huống khó khăn vì thịt cua đông lạnh dễ bị bở, còn hấp chín thì thịt cua bị khô. Cô dành hơn một năm rưỡi để làm đi làm lại món cua đông lạnh bằng cách làm sạch con cua, hấp chín rồi dùng nước xốt chan lên như “áo” cua để phủ kín, giữ nguyên 90% phẩm chất con cua sống, chặn không khí lạnh truyền thẳng vào thịt cua. Vui mừng vì nước xốt cua và cua Cà Mau đông lạnh được người tiêu thụ ở thị trường nội địa chấp nhận, Anh Thư nghĩ đến việc xuất cảng con cua Cà Mau đầu tiên sang Hoa Kỳ, quốc gia có hơn 2 triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc, trong đó tiểu bang California chiếm gần 40%, kế đến là tiểu bang Texas, và đông nhất vẫn là quận Cam của California, với xấp xỉ 140.000 người.
Bốn năm tìm hiểu, bốn tuần quyết định bay sang Hoa Kỳ
Anh Thư tâm sự: “Thị trường Việt Nam 100 triệu dân nhưng chỉ vào khoảng 40% thuộc giới có tiền để thưởng thức các món hải sản Việt Nam.” Theo cô, thị trường nhỏ hẹp còn có điều đáng ngại nữa là nhiều người không thích ăn cua vì ngại dơ tay, mà thích ăn cá, chưa nói đến số người ăn chay ngày càng đông.
Cũng theo Anh Thư thì cô gặp nhiều may mắn, được “quí nhơn giúp đỡ” để đưa con cua Cà Mau “bay” sang Hoa Kỳ. Điều may mắn đầu tiên, Anh Thư thú nhận, đó là việc thay đổi cách sống lành mạnh, dành hết thời gian, vật lực, tiền bạc đầu tư vào việc sản xuất, không sa đà. Cô hạn chế mọi ham muốn vật chất cá nhân, dành thời gian và sức lực lo nghiên cứu chiến lược phát triển thương hiệu và giữ vững phẩm chất sản phẩm.
Bốn năm trước, cô sang Hoa Kỳ, sống cùng cha mẹ một thời gian ở thành phố Seattle, nấu nước xốt cua Vua Cua để chan lên cua Dungeness rồi rao bán cho người Việt Nam quen biết. Anh Thư tin rằng món nước xốt cua của cô chế biến đã chinh phục được một số thực khách ở Seattle. Nhưng con cua Cà Mau chỉ được chắp đôi cánh khi Anh Thư gặp Chinh Nguyễn qua lời giới thiệu của bạn bè, chủ tịch công ty CTWS Group tại Houston, Texas 77003. Chinh Nguyễn đã cùng Thư quyết định nhập cảng Vua Cua để phân phối đến 200 chợ và siêu thị của người Việt Nam tại các tiểu bang / Hoa Kỳ.
Bà Chinh Nguyễn cho biết, công ty của bà trước đây phân phối khoảng 60% hàng hoá Thái Lan, 40% hàng hoá Việt Nam, còn lại là Mexico và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nay thì sản phẩm của Việt Nam chiếm đến 60% sản lượng của CTWS Group phân phối đến các chợ và siêu thị ở Hoa Kỳ, phần lớn tọa lạc tại tiểu bang Texas và California. Chinh Nguyễn xác nhận thế mạnh của các loại hải sản Việt Nam so với Thái Lan và hứa hẹn cố gắng cùng Anh Thư đưa các loại sản phẩm của công ty Vua Cua đến tận tay người tiêu thụ, hầu hết là loại chế biến, “ready to eat.”
Chúng tôi cũng đã đến siêu thị Tini’s Marketplace ở số 5110 Westminster Av., Santa Ana CA 92703 của bà Huyền Phạm, nơi đã bán ra 17 thùng Vua Cua trong vòng một tuần để xác nhận “dấu ấn” cua Cà Mau lần đầu tiên xuất hiện tại Q. Cam, nơi có đông người Việt Nam cư ngụ. Hiện nay mỗi tuần, Vua Cua xuất cảng sang Mỹ trung bình 200 thùng cua và các loại hải sản để các gia đình người Việt Nam kịp đưa lên bàn ăn trong dịp tết dương lịch và tết nguyên đán. Tuy nhiên, sau Tết âm lịch, Vua Cua sẽ được đưa sang Hoa Kỳ bằng đường tàu để giảm chi phí vận chuyển.
Đường dài nhiều thách thức, chông gai
Con đường “vượt biên” của con cua Cà Mau tương đối dễ dàng suốt 3 tuần lễ qua. Nhờ xuất cảng qua đường chính ngạch, 11 tấn hàng Vua Cua nhập cảnh Hoa Kỳ lần đầu tiên không gặp trở ngại. Nhưng Anh Thư nhìn nhận rằng “ai biết được chặng đường sau”, mặc dù hiện nay cô may mắn được sự trợ giúp không ngần ngại của công ty phân phối hàng Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Anh Thư xác nhận mối đe doạ khủng hoảng nguồn cung cấp vì nhu cầu tiêu thụ cua của người Trung Quốc. Cô cho biết: “Người Trung Quốc thường ăn món cua vào dịp lễ lớn như tết Tây, lễ Thần Tài… Đại diện của công ty nhập cảng Trung Quốc đi phi cơ, phát tiền mặt cho thương lái để thu mua, vét sạch cua Cà Mau. Đó là lý do khiến giá cua Cà Mau thời gian gần đây đã tăng gần gấp đôi từ 380.000 đồng lên 700.000 đồng một kí lô gram.” Sản lượng cua Cà Mau của công ty Vua Cua trước đây là 2.000 phần, nay chỉ còn 500 phần một ngày. Tuy vậy, cũng theo Anh Thư thì cô quyết định không tăng giá bán sản phẩm Vua Cua và cũng không thu mua cua Cà Mau trong thời điểm hiện nay. Trái lại, cô tiếp tục tung ra thị trường nước xốt cua trứng muối, bơ cay, me, tiêu đen, cajun; ốc hương; tôm càng; cua lột; tôm sú … đã được chế biến trong lúc sản lượng cua Cà Mau bị thiếu hụt.
Anh Thư hứa hẹn sẽ dành trọn năm 2024 để phô diễn sức mạnh chiếm lĩnh thị trường quốc ngoại của Vua Cua mà điểm xuất phát là Hoa Kỳ, bằng cách nuôi dưỡng thực lực của ngư dân. Cô dự tính cung cấp “tín dụng cua” và khuyến khích các nhà vuông duy trì hoạt động ao đầm, để đổi lại việc chấp nhận yêu cầu của công ty Vua Cua bao gồm việc bảo đảm thức ăn thiên nhiên cho cua thay vì sử dụng thức ăn công nghiệp.
Anh Thư còn dự tính mở nhà máy chế biến hải sản ở Khu Công nghiệp Tân Bình, mời chuyên viên giúp xây dựng qui trình sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất cảng với sản lượng lớn, sử dụng các thiết bị, máy móc sản xuất và kiểm soát kỹ nhằm bảo đảm độ sạch của sản phẩm. Cô tiết lộ: “Chúng tôi muốn hướng đến việc bày bán sản phẩm ở Costco, một trong những hệ thống siêu thị lớn ở Hoa Kỳ.”
Anh Thư cho biết, con cua Cà Mau chỉ là sản phẩm “dẫn kênh” bên cạnh các loại sản phẩm khác như ốc hương, tôm càng, tôm sú, mực… và các loại nước xốt cua, xôi cua, chả giò chua, miến xào cua, bánh canh cua…
Một cô gái chọn cuộc sống đơn độc gần 20 năm ở Việt Nam để tìm hiểu những điều cần thiết để làm dày kiến thức của nhà kinh doanh, từ đặc điểm của thị trường, thị hiếu của người tiêu thụ, phương pháp chế biến và đưa các món hải sản ở Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Cố gắng phi thường của cô gái chưa tới 40 tuổi đời đã được chứng minh.
Bài và ảnh Phụng Linh (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
‘Vũ khí toàn năng’ của doanh nghiệp
Một tản mạn về trà
Sông nước Mekong và chiếc khăn rằn
Nguyễn Thị Hậu: Di sản kiến trúc công giáo ở Sài Gòn
Yêu và kinh doanh hoa chuyên nghiệp
Tags:cua cà mau
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này