10:40 - 29/10/2018
Những người được sống thật
Cô bạn gái thân từ thuở nhỏ nói với tôi mới hôm qua: “Mình rất ấn tượng câu nói của con trai: ‘Mẹ à, con người ta phải sống với nhiều mặt nạ khác nhau’. Mình cũng vậy, cảm thấy mọi người đang sống như vậy. Nhưng khi nào thì con người mới được sống với bộ mặt thật của mình?” – “Có, đó là bộ mặt lúc họ qua đời”.
Vì sao cần nhiều mặt nạ?
Chính vì phải sống làm vừa lòng người khác (cha mẹ, anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp) mà đến khi lập gia đình, có những người đã tiếp tục phải sống để làm vừa lòng vợ, con. Vì vậy, mỗi lần họ nổi giận – có lẽ là giây phút hiếm hoi họ quay trở lại làm con người thật của mình – thì họ lại nhận được sự phản kháng rất mạnh từ chính người thân. Thậm chí những đứa con cũng không chấp nhận cha mẹ chúng như vậy, nó cho rằng: “Bố nó đây ư?”, “Mẹ nó đây à?” – và sợ bị mất niềm tin ở con, cha mẹ của chúng lại tiếp tục khoác mặt nạ để làm vừa lòng chúng. Cho đến một ngày, mọi thứ đảo lộn, họ bỗng rơi vào trạng thái mất thăng bằng. Họ tìm đến con cái để có một sự cảm thông, nhưng không có. Tìm đến người thân, cũng hụt hẫng và họ chọn cái chết để quay về lại với chính mình.
Nhưng chính những đứa trẻ, cuối cùng lại tiếp tục làm nạn nhân kế tiếp cho hành trình sống mà cha mẹ “đeo mặt nạ” sinh thời đã tạo ra cho chúng. Những câu hỏi về sự sống chết, trách nhiệm và tội lỗi khiến cho những đứa trẻ bắt đầu nghi ngờ về những giá trị đạo đức mà chúng được dạy dỗ.
Không được sống bằng cuộc đời mình
“Tôi thấy ông ấy chết đi là đúng, cuộc sống gì mà suốt ngày cãi vã với bệnh tật, ông ấy thật đáng thương, mà tôi thì không thể chịu nổi khi phải sống trong một gia đình như thế”, một cậu bé nhắn tin cho bạn của nó khi cha của cậu tự tử vì trầm cảm, “Ông ấy bỏ đi rồi và cũng rũ bỏ trách nhiệm của người cha, tôi mới có mười ba tuổi thôi mà!” – “Vậy bây giờ ông tính sao?”– “Thì vẫn phải đi học thôi, chẳng sao cả, tôi thương mẹ tôi, bà ấy làm việc suốt để kiếm tiền cho tôi đi học.Bà ấy đang bị ám ảnh và không thể ngủ được.Giờ tôi phải lo cho mẹ tôi và chắc chắn sau này, tôi sẽ không như ông ấy bỏ đi như vậy”.
Hai đứa trẻ nói chuyện với nhau, xưng là “ông” và “tôi”, không còn là “cậu” với “tớ”. Những gánh nặng gia đình bắt đầu chất lên vai chúng.Trách nhiệm của một đứa con, phải đi học (và học cho giỏi), phải cố gắng để vượt qua mọi nghịch cảnh.Nhưng trong những lời có phần rất “tỉnh táo” ấy, chúng ta vẫn thấy nỗi đau thương chất đầy.
– “Ước gì hồi còn sống, ba dành chút thời gian để chơi với anh, dù chỉ một chút thôi.Và ước gì ba đừng đánh anh quá nhiều như vậy khi anh còn nhỏ, làm gì đó ba không ưng”.
Đó là lời tâm sự của người bạn Hy Lạp thân nhất của Tường Vy, hiện đang là một du học sinh ở Anh, trong chuyến đi vừa qua.Anh bạn ấy kể rằng ở Athens có nhiều ký ức về ba mẹ, nhưng toàn ký ức buồn. Anh học nghề may từ ba và cũng có khiếu. Ông nội chỉ cho ba anh học hết tiểu học vì trường trung học ở xa, nên ba anh chỉ có thể lao động chân tay. Mẹ anh bị liệt phải ngồi xe lăn, và mẹ là người dịu dàng, chăm chỉ, tốt bụng nhất trong lòng anh. Nhưng rồi sau những trận đánh của ba, chỉ hai mẹ con thui thủi với nhau.Anh chăm sóc hai người đến khi họ qua đời, để lại anh một mình.
Tường Vy nói: “Tôi không biết ba anh nếu có cơ hội nhìn lại trước khi mất, ông có hối hận không. Nỗi vất vả, thói nghiện thuốc lá và tính tình cộc cằn của ba anh cũng dễ hiểu, dù không dễ chịu.Cuộc sống khó khăn có thể làm người ta chai sạn”.
Các anh bạn của tôi, từ người Anh, Tây Ban Nha, Hungary, Hy Lạp, cho tới Ấn Độ, Sri Lanka, đều có những ký ức không hay về ba. Tình cờ trong một lần tôi đọc một bài trên trang tin BBC nói đại ý rằng một trong những lý do đàn ông lập gia đình (trong xã hội phương Tây – nơi đàn ông khá là… sợ attachment (sự gắn bó) sớm với một cái gì đó như relationship (mối quan hệ), cưới hoặc có con, vì họ nghĩ nhiều đến trách nhiệm để sẵn sàng hay chưa, chứ không phải “thích là nhích”)… là vì họ muốn trở thành một người cha khác với cha của mình.
Liệu khi họ muốn trở thành khác với người cha của mình, có đồng nghĩa với việc họ được sống là chính họ hay lại phải đóng một vai khác? Và như vậy, bi kịch có tiếp nối bi kịch?
Thái Thảo (theo TGTT)
Có thể bạn quan tâm
TGĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nói chuyện về khởi nghiệp
Trào lưu mua laptop cao cấp để giải trí
Siêu thị Pháp dùng giải pháp Blockchain của một start-up Việt Nam
Mỗi trẻ em là một nhà kiến tạo
Thủ lĩnh HTX kiểu dám nghĩ dám làm
Tags:đeo mặt nạsống thật
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này