15:11 - 04/11/2017
Má chồng người Mỹ của tôi
Sau hơn một năm rưỡi hẹn hò với con trai duy nhất của bà vào tháng 11 năm ngoái, tôi gặp má.
Buổi chiều hôm đó, tôi và má ngồi trước sân vườn trong khi những người đàn ông đang dợt súng chuẩn bị cho buổi đi săn vào sáng mai.
Má nói: “Không ai hoàn hảo, ai cũng có những điểm tốt và điểm chưa hoàn thiện nhưng khi đã quyết định xây dựng gia đình cùng nhau thì rất cần một trái tim bao dung và rộng lượng. Ta tin rằng con trai ta là người có trái tim nồng ấm…”. Tôi mỉm cười, đặt nhẹ tay lên tay bà. Bà vuốt tóc và nắm lấy bàn tay tôi. Hai tháng sau, tôi chính thức trở thành con dâu của gia đình.
Má kết hôn khi tròn 21 tuổi. Sau khi cưới, ba má cùng nhau xây dựng căn nhà đầu tiên tại Minneapolis với ước mơ có thật nhiều con cái. “Từ bé, má chỉ ước ao được trở thành vợ, thành mẹ. Má chỉ thích được nấu ăn, chăm sóc nhà cửa, chồng con!”, má nói. Mơ ước giản dị là thế nhưng mãi sau năm năm, ba má mới chào đón đứa con đầu tiên vào đúng kỷ niệm ngày cưới của hai người – đó chính là chồng tôi bây giờ. Sau chồng tôi, ba má có thêm ba cô con gái. Trong mỗi bữa ăn, má luôn cầu nguyện cho gia đình được bình an. Trước khi đi ngủ, má hôn ba, hôn con trai và con dâu rồi nói: “I love you” cùng nụ cười hiền hậu. Má nói: “Dù tụi con có điều gì không vui về nhau nhưng hãy nhớ hôn nhau và ôm nhau khi ngủ. Chỉ cần ôm nhau thôi là mọi điều khúc mắc sẽ qua hết!”.
Trước khi lấy chồng Mỹ, tôi nghe mọi người kháo nhau, ở Mỹ con cái tới 18 tuổi không dọn ra riêng thì bố mẹ cũng tống ra khỏi nhà để tự đi làm thêm và lo học đại học. Nhưng với ba má chồng tôi thì khác. Cả bốn người con trong gia đình đều được ba má hỗ trợ học hết đại học, mà trong đó chi phí nặng nhất chính là bốn năm trời nuôi chồng tôi học phi công. “Con biết không, lúc đó Sam mới tám tuổi thôi! Ba má dẫn Sam đi xem triển lãm hàng không. Sam mê máy bay lắm, say sưa từng chi tiết một. Khi về đến nhà, Sam nói “con sẽ trở thành phi công”. Ba má rất bất ngờ và hạnh phúc. Ngay ngày hôm đó, má biết rằng dù có vất vả thế nào thì ba má sẽ giúp Sam hoàn thành ước mơ này!”. Đúng như tâm nguyện, chồng tôi tốt nghiệp bằng phi công danh dự.
Tôi rất thích được nghe má kể chuyện đời xưa qua bộ sưu tập ảnh cao ngất như cái thư viện. Má giữ gìn cẩn thận mọi hình ảnh, quần áo, đồ chơi, sách vở của bốn đứa con trong nhà không thiếu một món. Tất cả đều mới tinh tươm và ngăn nắp. Nào là bộ đồ đầu tiên má mặc cho chồng tôi khi anh ấy chào đời. Con gấu bông giáng sinh đầu tiên chồng tôi được ba mua cho. Chiếc máy bay bằng gỗ chồng tôi tự làm khi mười tuổi. Đôi giày len mùa đông bà ngoại chồng đã đan tặng cho thằng cháu ngoại. Bài thơ đầu tiên chồng tôi viết và được đọc trước lớp. Bản nhạc piano chồng tôi sáng tác khi 13 tuổi và được in thành CD. Tất tần tật những kỷ niệm ghi dấu tuổi thơ cho đến khi chồng tôi cưới vợ. Má cần mẫn gói ghém những kỷ niệm tươi đẹp ấy cho năm đứa cháu ngoại. Đứa nào cũng được trải nghiệm cảm giác mặc trên mình bộ đồ của mẹ ngày xưa, được đọc cuốn sách ngày xưa mẹ được bà ngoại dạy cho abcd.
Mặc dù có con làm phi công, nghĩa là được đi đó đi đây miễn phí nhưng má chưa bao giờ rời khỏi nước Mỹ. Má nói lúc còn trẻ má chỉ mong có nhiều thời gian chăm sóc con cái, rồi đi làm phụ chồng nuôi bốn người con tươm tất. Tới khi già chút thì má chỉ muốn được chơi với cháu và đi thăm bốn đứa con ở ba tiểu bang khác nhau. “Má mong ngày được về Việt Nam thăm gia đình con lắm! Má muốn được cảm ơn mẹ con đã sinh con ra và nuôi dạy con tuyệt vời như thế này. Có lẽ đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ba má đó con!”, má hứa với tôi.
Tôi – đứa con dâu Việt Nam khác biệt ngôn ngữ, văn hoá nhưng giữa tôi và má chưa bao giờ có bất kỳ bất đồng nào. Chúng tôi cùng nhau đi chợ, nấu ăn, làm vườn, xem phim, tám chuyện hài hước rồi cười giỡn thoải mái mỗi khi tôi về nhà thăm. (Tuyệt nhiên không có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến đời sống cá nhân của hai vợ chồng tôi, hay những câu hỏi đại loại như sao má chưa thấy hai đứa có em bé, v.v.). Tôi thích quanh quẩn với má để được nghe những câu chuyện về chồng tôi khi bé. Trong từng ký ức, luôn ánh lên niềm tự hào của một người mẹ có cậu con trai thành đạt, hạnh phúc. Chính má đã giúp tôi hiểu nhiều hơn về lòng bao dung và giá trị vô giá của gia đình. Tình thương của má cho chồng, cho con không phải là sự hy sinh thiệt thòi hay chịu đựng vất vả, mà nó tự nhiên như hơi thở. Hơi thở đó chính là nơi chốn bình yên cho chúng tôi thi thoảng được quay về nương tựa, được nghe má kể chuyện và nói “I love you” trước khi chúc ngủ ngon.
Viết cho má Marsha Danielson.
Yen Danielson
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này