
16:23 - 03/06/2020
Hậu dịch Covid-19, cơ hội của kinh doanh online?
Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi thứ sinh hoạt, dễ nhìn thấy nhất ở thói quen mua sắm.
Giờ đây, người ta ít lui tới chỗ đông người, như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà sắm hàng trên online. Đây là cơ hội để mô hình kinh doanh này phát triển.
Ngày nào cũng đầy ắp hàng
Ông Độ, nhân viên của Giao Hàng Nhanh phụ trách địa bàn phường 11 (Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Từ đầu tháng 5, anh em tụi tui cứ tưởng là khi tháo lệnh cách ly sẽ ít hàng, nhưng thực tế lại khác. Xoá giãn cách xã hội rồi, nhưng ngày nào anh em cũng chạy sấp mặt. Chỉ có hai ngày cuối tuần lượng hàng ít hơn, vì các công ty nghỉ làm cuối tuần”. Theo ông Độ, lượng đơn hàng của ông phải giao trong năm ngày làm việc trong tuần dao động từ 120 – 150 đơn hàng/ngày, còn hai ngày cuối tuần từ 50 – 70 đơn hàng/ngày.
Tuấn, nhân viên của MyGo (dịch vụ chuyển phát hàng của Viettel) khu vực phường 1, Tân Bình (TP.HCM) cho biết, từ giữa tháng 4 cho tới nay, đơn hàng giao online vẫn đều đặn, chưa thấy giảm. “Những ngày làm việc trong tuần đơn hàng nhiều hơn, to hơn nên thu nhập của em có cao hơn, còn những ngày cuối tuần lượng hàng giảm nhiều. Bình quân mỗi ngày cũng kiếm được chừng 300.000 – 400.000 đồng. Nỗi khổ lúc này là nắng quá, chạy riết ngoài đường cũng mệt lắm. Nhưng mà có việc làm”, Tuấn cười. Gương mặt đen nhẻm vì nắng.
Ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho biết: “Năm 2020 đã thay đổi hành vi mua sắm. Giờ đây, khách hàng đã quá quen thuộc mua hàng trực tuyến, từ những vật dụng đóng gói, cho đến những bữa ăn sáng-trưa-chiều-tối”. Ông Tuấn Anh còn cho biết thêm, các thương hiệu và nhà bán hàng đẩy mạnh ứng dụng số hoá, để hoạt động thương mại điện tử trở thành kênh bán hàng quan trọng, giúp họ duy trì hoạt động kinh doanh trong mùa dịch bệnh.
Theo ghi nhận của nhiều kênh bán lẻ trực tuyến, từ tháng 3/2020 cho tới nay, người dùng đã gia tăng 25% thời gian truy cập mạng để mua sắm hàng hoá, từ những kênh giao tiếp phổ biến như Facebook cho đến các trang bán hàng chuyên nghiệp theo mô hình “chợ” (cho các nhà bán hàng thuê sạp): Lazada, Shopee, Sendo…; hay các trang bán hàng online của các nhà bán lẻ offline: Thế giới Di động, FPT Shop, Phong Vũ, Nguyễn Kim…
Những xu hướng mới
Thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có nhiều chuyển đổi trong mùa dịch Covid-19. Giới kinh doanh ghi nhận những xu hướng mua sắm phổ biến trong thời gian qua.
Thương hiệu và nhà bán hàng gia tăng mức độ nhận diện trên các kênh bán lẻ trực tuyến, nhằm khai thác chiến lược kinh doanh mới để tiếp cận và tương tác với nhiều người dùng ở nhiều nhóm hàng mà lâu nay quen thuộc trên các kênh bán lẻ trực tiếp (hay còn gọi là offline), như: bách hoá, thiết bị điện gia dụng, chăm sóc nhà cửa, phụ kiện điện tử (tai nghe, pin dự phòng, ốp lưng…) có mức tăng trưởng gấp chín lần so với đầu năm 2019. Một động thái mới của những nhà bán lẻ trực tuyến là gia tăng hoạt động tiếp cận người dùng bằng hình thức livestream (phát trực tiếp). Ông Tuấn Anh của Shopee cho biết, kênh đã ghi nhận số lượt phát trực tiếp trên Shopee Live của các thương hiệu và nhà bán hàng có quy mô vừa và nhỏ, đã tăng gấp ba lần so với hồi đầu năm.
Mua sắm trực tuyến cho mọi nhu cầu. Theo thống kê của các kênh như Shopee, Lazada…, trong dịch và kéo dài cho tới nay, nhóm sản phẩm được mua sắm nhiều nhất: hoá mỹ phẩm, smartphone, sữa, tã giấy, nồi chảo; thức ăn nấu sẵn (chủ yếu vào buổi chiều và tối), gia vị đóng gói, mì ăn liền các loại…
Về thời gian mua sắm, tuỳ theo từng kênh có khác nhau. Shopee cho rằng, trong vài tháng gần đây, hoạt động mua sắm trực tuyến diễn ra sôi nổi nhất vào thứ tư và thứ sáu với khung giờ 12 và 21 giờ. Còn trên các trang bán hàng riêng như Thế giới Di động, FPT Shop… thường diễn ra đều các ngày trong tuần, mạnh nhất là vào các ngày cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật). Đại diện của Grab Việt Nam cho biết, khách hàng có xu hướng đặt hàng trên GrabMart nhiều hơn vào giữa tuần và cuối tuần. Hệ thống Grab thường xuyên ghi nhận số lượng đơn hàng tăng đột biến lúc 16 giờ thứ ba, lúc 10 giờ sáng thứ bảy và 15 giờ thứ bảy, với những mặt hàng quen thuộc với gia đình người Việt: sữa các loại, mì ăn liền, nước ngọt có gas, xúc xích các loại…
Vẫn còn những rào cản
Trong một khảo sát gần đây do đội ngũ sàn giao dịch Tiki thực hiện, vẫn còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) “dè dặt trong việc mở rộng kênh phân phối trên các sàn thương mại điện tử”. Bà Vũ Thị Nhật Linh, phó tổng giám đốc quản lý sàn thương mại Tiki, chia sẻ: nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ có ba “nỗi sợ” khi tham gia bán hàng online: sợ không bán được hàng, sợ không thể quản lý và sợ “tiền mất tật mang”. “Lý do ba nỗi sợ này chính là kiến thức kinh doanh trên thương mại điện tử còn hạn chế”, bà Linh nhận định.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, với mô hình kinh doanh truyền thống, các doanh nghiệp, đặc biệt là khối SME, đang gặp phải nhiều rào cản như: chi phí cao, khó mở rộng thị phần, chịu nhiều ảnh hưởng hơn khi có khủng hoảng (dịch bệnh, khủng hoảng tài chính)… Với lý lẽ trên, ông Dũng cho rằng: “Dịch Covid-19 là một đại hoạ của loài người, nhưng đây cũng là cơ hội để các nhà bán lẻ tại thị trường Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ truyền thống sang hiện đại.”
Tiki và hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cùng trung tâm Phát triển kinh doanh online (IM Group) đã ra mắt dự án Hỗ trợ 500.000 doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử bền vững, trong ba năm 2020 – 2022. Để thực hiện mục tiêu trên, Tiki và IM Group sẽ tổ chức các khoá đào tạo giúp doanh nghiệp nắm các kiến thức nền tảng, để tăng khả năng quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến trên Tiki.
Năm 2020, dự án sẽ tiếp cận và hỗ trợ 150.000 SME tại 30 tỉnh, thành. Trong tháng 6, dự án sẽ thực hiện tại các tỉnh thành: Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Quảng Nam, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Quảng Bình… Đặc biệt trong năm nay, Tiki và IM Group sẽ có gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ đồng dành cho 20.000 doanh nghiệp “lần đầu kinh doanh trên sàn Tiki”. Mỗi doanh nghiệp được chọn sẽ được Tiki hỗ trợ thiết kế gian hàng, đăng bán miễn phí 100 sản phẩm đầu tiên, tư vấn để doanh nghiệp bán được 10 đơn hàng đầu tiên, tặng gói TikiADS để quảng bá sản phẩm, miễn phí một tháng live stream trên Tiki không giới hạn, miễn phí một tháng chiết khấu, thanh toán và lưu kho Tiki.
Bài và ảnh Mỹ Thạch (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này