10:40 - 27/05/2016
Nâng đường, hạ đường người dân khổ đủ đường
Nâng cao hay hạ thấp mặt đường là chuyện của nhà nước còn biến những ngôi nhà 2 bên đường thành những “căn hầm” hay những ngôi “nhà sàn” ngay giữa lòng thành phố thì lại là chuyện của người dân.
Hình trên là cảnh nhìn từ bên trong ra ngoài đường của xưởng sửa xe ô tô có tên là Bình Trị Đông ở đường An Dương Vương, quận 6.
“Sau khi tuyến đường được nâng cấp sửa chữa thì xưởng trở thành nơi chứa nước mỗi khi có mưa lớn. Mấy hôm trước trời mưa làm nước bên trong nhà xưởng ngập lên đến trên đầu gối”, một công nhân làm việc trong nhà xưởng cho biết.
Tại TPHCM, nhiều tuyến đường vừa mới xây xong nhìn cao ráo thông thoáng, nhiều tuyến đường vừa được nâng cấp đã thoát khỏi ngập úng, người dân lưu thông qua lại dễ dàng.
Tuy nhiên hậu quả của việc nâng cao hay hạ thấp mặt đường đã biến nhà người dân 2 bên đường trở thành những “căn hầm” ẩm thấp hoặc những ngôi nhà “sàn” ngay giữa lòng thành phố.
Cuộc sống của người dân bỗng chốc bị vây hãm bởi những khó khăn không mời mà đến.
Người dân không nắm rõ cốt nền của đường khi thành phố triển khai quy hoạch nên xây dựng nhà gặp nhiều khó khăn.
Nâng đường dân khổ
Dọc những con đường như Lò Gốm, Kinh Dương Vương, An Dương Vương (quận 6), Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), Bạch Đằng (quận Tân Bình), dọc tuyến Quốc lộ 50… người đi đường bắt gặp hàng trăm căn nhà kỳ dị.
Nền nhà của gia đình ông Trần Xuân Hiệp ở đường Kinh Dương Vương, phường 13, quận 6 cũng ở trong tình trạng thấp hơn mặt đường khoảng 0,5m.
Vợ của ông Hiệp là bà Nguyễn Thị Minh Ánh cho biết, hai vợ chồng đều tham gia kháng chiến và cả 2 cùng bị nhiễm chất độc màu da cam.
Căn nhà này do bà mua vào tháng 10 năm 1975. Đây là lần thứ 4 gia đình bà nâng cấp nền nhà, cộng dồn lại cả 4 lần nâng cấp, nền nhà đã được nâng lên hơn 1m.
Sau khi Quốc lộ 50 được nâng lên, nền xưởng gỗ của anh Danh bị thấp xuống hơn 1m so với mặt đường. Việc kinh doanh bỗng chốc trở nên khó khăn, việc vận chuyển gỗ bây giờ phải đi qua 5 bậc tam cấp, xe máy dắt ra dắt vào trở nên khó khăn và nguy hiểm.
Cách xưởng gỗ của anh Danh không xa là quán ăn của chị Phạm Thị Thanh, nền quán ăn của chị cũng thấp hơn mặt đường cả thước. Chị cho biết do nền quá thấp so với mặt đường nên gia đình chị không thể nào dắt xe ra ngoài được, do đó gia đình chị buộc phải trổ một cửa bên hông để thông với con hẻm sát vách nhà chị để dắt xe ra ngoài.
Khi hỏi về việc nâng nền chị cho biết, cách đây mấy năm gia đình chị cũng đã từng nâng nền hơn 0,5m, lúc làm xong nền cao hơn mặt đường cả gan tay, nay nhà nước lại tiếp tục nâng đường làm cho mặt đường cao hơn nền nhà cả thước.
“Kinh tế khó khăn, gia đình tôi chỉ bán điểm tâm sáng chay thì lấy tiền đâu mà đổ đất nâng nền hơn cả thước”, chị Thanh rầu rĩ nói.
Đường Phạm Văn Đồng đoạn qua quận Thủ Đức vừa hoàn thành và dự án cống thoát nước đường Tam Bình cũng làm nhiều nhà thấp hơn mặt đường 1-1,7m.
Nhà bà Đồng Thị Nuôi (929 Phạm Văn Đồng, KP5, phường Linh Tây, quận Thủ Đức) sau khi giải tỏa làm đường Phạm Văn Đồng chỉ còn lại gần 25m² Bà Nguyễn Thị Nhất (48 tuổi), con bà Nuôi, kể: “Lúc giải tỏa làm đường người ta không báo cốt nền tăng bao nhiêu.
Gia đình xây nhà cao hơn nền cũ là 0,6m vậy mà khi đường Phạm Văn Đồng xây xong, nền nhà vẫn bị thấp hơn gần 1m.
Nhà giờ như cái hầm, có hôm, ban đêm trời mưa nước tràn vào trong nhà. Ban ngày, mình còn chống cự được chứ đêm thì chịu. Bây giờ nâng lên cũng không được, đập ra xây lại cũng không xong vì đâu có tiền để làm.
Gia đình tôi có làm đơn xin làm mái tôn che nắng, mưa nhưng ở phường không cho vì sợ mất mỹ quan đô thị. Không cho thì gia đình phải treo mùng màn vậy chứ không biết cách nào…”.
Hạ đường cũng lại dân khổ
Bên cạnh những tuyến đường vừa được nâng cấp biến nhà ở hai bên đường thành những căn hầm thì còn có những tuyến đường bị hạ cốt nền cả thước khiến cho nền nhà bỗng nhiên cao chót vót.
Công trình nâng cấp và mở rộng đường Bạch Đằng và Hồng Hà (quận Tân Bình, TPHCM) do Công ty TNHH MTV phát triển Sài Gòn GS làm chủ đầu tư với thời gian thi công từ tháng 1/2015 đến tháng 2/2016.
Tuy nhiên, đến nay, lô cốt, đất đá vẫn chiếm ngổn ngang giữa đường khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Sau khi công trình, hạ cốt nền, nhiều ngôi nhà hai bên đường tự nhiên cao hơn mặt đường cả thước.
Một số cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa do công trình thi công, không còn lối lên xuống cho khách hàng.
Những nhà xây trước khi làm đường thì phải chịu khổ vì nhà bỗng nhiên bị biến thành hầm.
Nếu nhà nào xây trần cao thì còn có thể nâng nền với điều kiện có tiền, còn những ngôi nhà có trần thấp thì đành phải chịu cảnh sống dưới hầm, ẩm thấp, ngập nước vào mùa mưa, hoặc là phải đập bỏ nhà cũ để xây nhà mới.
Còn những ngôi nhà xây sau khi làm đường xong cũng nơp nớp lo lắng, không biết khi nào đường lại được nâng lên, do vậy họ lại xây nhà có nền cao hơn mặt đường cả thước để chờ đường nâng lên là vừa.
Xây như vậy cũng vừa tốn tiền nâng nền, vừa phải chịu vất vả, nguy hiểm khi dắt xe ra vào hàng ngày.
Những tuyến đường đã xây, đã nâng cấp xong để lại nhiều hệ lụy cho người dân sống ở 2 bên đường, và hiện nay việc nâng đường vẫn còn đang tiếp diễn.
Do vậy đơn vị thi công cần phối hợp với cơ quan chuyên môn tính toán kỹ việc nâng cấp, xây dựng các tuyến đường để cho ra một kết quả hợp lý là: Đường nâng cấp hoặc xây mới phải phù hợp với quy hoạch đồng thời không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, còn nếu ảnh hưởng thì phải đền bù thỏa đáng.
Theo SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này