11:11 - 13/11/2016
Tiêu hủy là hợp lý
Hôm qua, 12/11, báo chí đồng loạt đưa tin về việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiêu hủy 2 tấn ngà voi, 70 kg sừng tê giác, xương gấu, cốt hổ… tạo “cảm giác tiếc của” cho không ít người.
Trên mạng xã hội (và cả những bình luận trên báo chí chính thống) nhiều người cho rằng đó là một sai lầm, không đáng có. Bởi, các mẫu vật động vật hoang dã bị tiêu hủy là tang vật của các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật nhưng đó lại là “mặt hàng quý hiếm”, là tài sản có giá.
Không ít ý kiến đặt vấn đề: sao Nhà nước không bán đấu giá (chắc chắn sẽ thu được rất nhiều tiền) lấy tiền cấp cho các quỹ bảo vệ động vật hoang dã hoặc đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật – xã hội các khu vực mà đời sống người dân còn khó khăn?
Trong khi việc tiêu hủy không chỉ không chỉ “phá hoại tài sản” mà còn tốn công, tốn của.
Thực tế, để tiêu hủy ngà voi, cơ quan chức năng phải tổ chức lực lượng, máy móc để nghiền nát rồi đưa đến lò đốt chuyên xử lý chất thải công nghiệp và chất thải y tế để đốt cháy hoàn toàn trong điều kiện nhiệt độ 1.200 – 1.500 độ C; đối với sừng tê giác, cơ quan chức năng phải dùng củi, dầu hỏa để hỏa thiêu trong thời gian đốt cháy khoảng ba giờ…
Dù vậy, cơ quan chức năng, mà ở đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, có cái lý của họ. Vì khi đấu giá, ngà voi, sừng tê giác… có thể Nhà nước thu được tiền nhưng lại là “mầm móng” và tạo ra “phương thức” cho hoạt động buôn lậu mặt hàng này có đất sống.
Khi bán đấu giá, có nghĩa mặt hàng quốc cấm này sẽ được “hợp pháp hóa” và buôn bán. (Bài học này có thể thấy từ hoạt động bán đấu giá gỗ lậu và sự mất mát của diện tích rừng tự nhiên).
Hơn nữa, hiện các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia buôn bán, nhập lậu nhiều ngà voi, sừng tê giác nhất thế giới.
Vì vậy, hành động tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác (không luyến tiếc) là dấu mốc tỏ rõ quyết tâm, cam kết của Việt Nam với các nước về bảo vệ động vật hoang dã.
Như lời một vị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói: “Tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác bằng cách thức nghiền nát là hành động mang tính chất tượng trưng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đấu tranh chống lại vấn nạn buôn bán mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã”.
Hành động tiêu hủy các mẫu vật động vật hoang dã nói trên có lẽ còn nhằm tạo tiếng vang về truyền thông và đưa ra thông điệp không chỉ với quốc tế mà còn với người dân rằng, Chính phủ không khoan nhượng với hành vi buôn bán động vật hoang dã.
Dù vậy, theo người viết, phải thận trọng đối với việc tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác. Để bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như voi, tê giác… chúng ta không thể tiếp tay cho hoạt động buôn bán lậu (qua việc hợp pháp hóa mặt hàng này bằng các phiên đấu giá). Tuy nhiên, ngà voi, sừng tê giác đặc biệt có giá trị đối với việc giáo dục, bảo tồn, nghiên cứu…
Vậy, tại sao chúng ta không xây dựng một bảo tàng chuyên trưng bày các mẫu vật động vật hoang dã là tang vật của các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật để phục vụ cho mục đích giáo dục, nghiên cứu, bảo tồn?
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này