10:41 - 20/04/2016
Tháng tư đau buồn ở Nghĩa Hà
Các em chết đi, nỗi oán thán này chính là chúng ta phải chịu, đừng tiếc thương khóc lóc than thở yếu hèn mà điều cần hơn cả là phải làm gì để cho chính con cháu mình không chết trong oan uổng thế nữa.
Ba ngày qua, những cái chết của chín đứa trẻ thơ dại ở vùng quê nghèo Nghĩa Hà (Quảng Ngãi) chưa nguôi.
Người ta không cam lòng khi nghĩ đến những đứa trẻ 14, 15 tuổi cùng chết đuối ở song quê Trà Khúc chỉ vì không biết bơi.
Và càng đau lòng hơn khi nghe thầy cô ở đây kể rằng, có 7 em cha mẹ đi làm ăn xa gửi con ở quê cho ông bà và không biết bơi là vì thầy cô ở đây cũng không biết bơi để dạy lại các em.
Sẽ còn những cái chết oan uổng nào nữa cho trẻ thơ trên đất nước này?
Trí – Đức – Dục
Bên cạnh những tiếng gào khóc tang thương của những cha mẹ phải lìa xa con kiếm sống ấy là câu chuyện của cha mẹ nơi phố thị tìm mọi cách để ở gần con.
Một thầy giáo dạy kỹ năng sống tại một trường học ở Sài Gòn vội vã lên tiếng trên mạng xã hội: đừng đợi nhà trường, cha mẹ hãy cho con mình đi học bơi, học võ, học cách thoát hiểm, học cách sơ cứu để tự cứu mình, cứu người.
Những con người bận rộn ngày làm mười tiếng, mười hai tiếng gửi con cho nhà trường để kiếm một chỗ đứng trong đô thị đông đúc, khắt nghiệt kia giờ ngao ngán.
Thôi, hãy bớt thời giờ kiếm tiền như một thiêu thân, hãy quay về nhà để cuối tuần đi bơi cùng con, học võ cùng con, giúp con tự lập, tự vận động, thân lập thân.
Còn những người nghèo tha hương kiếm tiền nuôi con gửi cho người thân ở quê thì biết làm gì đây?
Họ sẽ trở về lo cho con họ học này học nọ bằng cách nào khi ngay cả gạo không đủ một nồi cơm, vay nợ đầm đìa cho con đi học, ăn không có, sức nào để làm thuê cày cuốc mà trả?
Một xã hội đánh mất dần trật tự của hành trình sống con người, sẽ trở nên náo loạn và không bao giờ có thể phát triển văn minh đúng nghĩa.
Cha mẹ đi làm để phát triển kinh tế gia đình, nhà trường có trách nhiệm dạy dỗ các em trở thành người có Trí- Đức- Dục.
Kiến thức bồi bổ trí tuệ, đạo đức hình thành nhân cách sống và thể dục thể thao giúp con người có thể chất khỏe mạnh sẽ vượt qua những khó khăn hay tai nạn xảy ra.
Nếu giáo dục không làm tròn nghĩa vụ đó, chỉ là một nền giáo dục què quặt, đào tạo ra những con người đầy lỗ hổng và hình thành những nhân cách khiếm khuyết, chưa kể những con người với thể chất ốm yếu, thiếu kỹ năng sống chỉ ngồi ao ước chuyện lớn trong khi việc nhỏ nhất làm không nổi.
Đất nước cất cánh như thế nào với những con người như vậy?
Những đứa trẻ ngáo ngơ “toàn diện”
Trẻ thơ Việt Nam sinh ra đã phải chịu đựng rất nhiều sức ép từ người lớn. Nhi đồng thì bị ép ăn, thiếu nhi thì bị ép học đến lớn.
Học nhiều nhưng chẳng biết mình thực sự giỏi gì để còn “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mà học nhiều để trở thành “người toàn diện” rất trừu tượng.
Vì thế khi học xong rồi, ra đời lại ngơ ngáo, mất vài năm tuổi trẻ để “vừa làm vừa học”, dẫn đến cuối cùng chưa giàu đã già.
Đó là chưa kể nhồi nhét các loại đủ thứ giỏi toàn diện mà vẫn chết đuối vì không biết bơi, khi gặp căng thẳng thì đánh nhau, dùng dao cắt cổ coi người như thú…
Có rất nhiều cô nữ sinh học giỏi không ai bằng nhưng vẫn bị mắng là dại khờ, chẳng biết gì cả chỉ vì không nấu nổi tô mì gói để ăn.
Nhưng ai dạy cho để biết hay luôn có người làm sẵn?
Ở trường nhồi nhét kiến thức không thực hành, ở nhà nhồi nhét thức ăn cho có sức để học, không ai dạy đạo đức, nhân nghĩa là quan trọng, không ai dạy các kỹ năng tự vệ của một con người bình thường để gặp sự cố còn biết cách thoát thân.
Nếu cứ nói, tôi chán giáo dục này mãi, cũng chẳng được gì, cho nên tôi đành tìm đủ mọi cách cho con tôi được sinh tồn trước đã. Chứ cứ nghĩ đến cảnh, một ngày được tin con mình không còn trên cõi đời này nữa chỉ vì sảy chân đuối nước, chắc tôi cũng chẳng thiết sống.
Sao chúng ta có thể ngồi nhìn trẻ hàng ngày chết vì những lý do mình chính chúng ta, những người đã và đang kiến tạo xã hội này cũng không tin rằng nó vô lý đến vậy?
Cho đến khi nào chúng ta mới thực sự cùng tiếng nói để cho con em Việt Nam được sống trong một môi trường giáo dục tử tế, để đường hoàng sống mà làm người chứ không phải nơm nớp lo sợ mạng sống của mình sẽ bị đe dọa chỉ vì những hiểm họa mà chính chúng ta có thể ngừa được?
Các em chết đi, nỗi oán thán này chính là chúng ta phải chịu, đừng tiếc thương khóc lóc than thở yếu hèn mà điều cần hơn cả là phải làm gì để cho chính con cháu mình không chết trong oan uổng thế nữa.
Ngân Hà
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này