10:47 - 22/07/2017
‘Tập trung vào chuyên môn’ kiểu Nhật
Năng suất lao động là một trong những động lực để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp, dù Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng.
Hiện nay, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ Việt Nam đó là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh, bền vững, theo đó Việt Nam sẽ lấy việc phát triển nguồn lao động trong lĩnh vực công nghiệp làm trọng tâm, đặc biệt chú trọng đến khâu đào tạo và khâu này cần được chú trọng từ rất sớm.
Nhật Bản rất coi trọng chất lượng nguồn lao động vì thế Chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách đào tạo nhân lực ngay từ khi học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Đồng thời có sự phân chia theo từng ngành, từng lĩnh vực dựa trên nhu cầu và nguyện vọng của học sinh để định hướng và hỗ trợ.
Nếu sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh có nguyện vọng học nghề thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp hay trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, Chính phủ sẽ có những chính sách định hướng đối với những học sinh có độ tuổi từ 16 – 18, Nhật Bản sẽ đào tạo rất kĩ về nghiệp vụ kế toán và các kĩ năng liên quan như sử dụng các phần mềm kế toán, tin học văn phòng, ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ thuật ghi chép.
Điều này sẽ giúp người lao động khi đi làm không bị bỡ ngỡ và nắm bắt được toàn bộ kĩ năng nghiệp vụ một cách thuần thục.
Thông qua việc đào tạo từ sớm như thế, cộng thêm thời gian làm việc dài hạn tại mỗi DN, tự mỗi thanh niên sẽ rút ra được kinh nghiệm cho bản thân, từ đó sẽ nâng cao được năng suất lao động của mỗi cá nhân và góp phần vào nâng cao năng suất lao động chung của cá đất nước. Tất nhiên, tuỳ theo từng lĩnh vực và từng ngành mà có những yêu cầu cụ thể và những tiêu chí khác nhau.
Đây là những bài học kinh nghiệm mà Chính phủ Nhật đã thực hiện nhằm chuyên môn hoá và tập trung đào tạo nguồn nhân lực – Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng nguồn lao động và năng suất lao động của người Nhật. Người Nhật đã áp dụng và thu được kết quả rất tốt.
Tôi hy vọng rằng với những chính sách có sự tập trung, không dàn trải và có mục tiêu rõ ràng theo định hướng công nghiệp hoá, Việt Nam cũng sẽ gặt hái được những thành công trong việc nâng cao được chất lượng và chuyên môn hoá nguồn lao động, từ công cuộc cải cách và đào tạo nguồn nhân lực của mình.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này