15:09 - 16/05/2017
Sơn Trà không chỉ của một mình Đà Nẵng
Xét về địa lý, Bán đảo Sơn Trà thuộc sự quản lý của Chính quyền Đà Nẵng, nhưng xét về các yếu tố khác (du lịch, an ninh – quốc phòng…) thì Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng.
Chuyện về Sơn Trà đang làm nóng các diễn đàn thông tấn thời gian qua. Và chắc rằng Trung ương cũng chẳng thể ngồi yên khi mà dư luận (đặc biệt là nhân dân Đà Nẵng) đồng loạt phản đối chiến lược “rạch áo xẻ thịt” Bán đảo này. Trong đó, không thể không nhắc đến “quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà” rất đúng quy trình của Tổng cục Du lịch và sự “lặng im” của Chính quyền chủ quản về mặt địa lý Bán đảo Sơn Trà.
Để khẳng định cho cái gọi là đúng quy trình, ông Hà Văn Siêu (Phó Tổng cục trưởng – Tổng cục Du lịch) cho biết: “Tổng cục Du lịch đã quy hoạch bán đảo Sơn Trà đúng quy trình nên không điều chỉnh quy hoạch”.
Vấn đề đặt ra ở đây là, nếu ông phó Siêu nói quy hoạch Bán đảo Sơn Trà là đúng quy trình, thì tại sao dư luận cả nước và nhân dân Đà Nẵng không đồng tình, phản ứng dữ dội? Và có chuyện tất cả thành viên của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng dự buổi làm việc ngày 11/5 vừa qua đều không ký vào biên bản làm việc vì không có điểm chung? Vì sao lại cấm cửa báo chí tham gia cuộc họp để giới truyền thông tuyên truyền mục mục đích của cái gọi là đúng quy trình?
Sự mập mờ về cái gọi là đúng quy trình đó càng khiến cho dư luận lẫn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tâm huyết thêm bức xúc. Suy rộng ra, Sơn Trà không phải của riêng một mình Đà Nẵng mà Thành phố muốn làm gì thì làm, hoặc cá nhân nào cao hơn muốn áp đặt ý chí chủ quan lên cái chung thì áp đặt.
Nói vậy bởi, theo thống kê, hiện nay Đà Nẵng đã cấp phép cho 17 dự án với diện tích gần 1.300ha trên Sơn Trà. Rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu ngạc nhiên tại sao Đà Nẵng lại cấp phép cho dự án ở Bán đảo Sơn Trà – rừng đặc dụng. Trong khi, chuyển đổi quyền sử dụng đất từ đất rừng đặc dụng sang đất khác phải là thẩm quyền của Thủ tướng?
Điều mà nhân dân lo lắng việc Sơn Trà bị băm nát vì những dự án, siêu dự án nào đó, và ắt hẳn Trung ương cũng nhìn ra được cái lo đó là:
Thứ nhất: Cái lo về môi trường sinh thái
Thực tế, Bán đảo Sơn Trà từ lâu được xem như là báu vật của TP Đà Nẵng. Nó không chỉ điều hòa không khí, mà còn có vai trò lớn trong việc che chắn, giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời, sự đa dạng sinh học cao (cả trên rừng và dưới biển) cần được bảo vệ đặc biệt.
TS Vũ Ngọc Long – Viện sinh thái học miền Nam đã từng ví von rằng: “Sơn Trà như tấm áo rừng khoác lên vai Đà Nẵng. Bên trái là rừng Hải Vân và bên phải là Bán đảo Sơn Trà. Vì thế, nếu vai áo bị rách thì khó mà che chắn cho Đà Nẵng được”.
Thứ hai: Cái lo về mặt quốc phòng – an ninh
Bên cạnh sự đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, Sơn Trà có vị trí chiến lược quốc phòng – an ninh rất quan trọng. Bán đảo Sơn Trà án ngữ cửa ngõ vào TP Đà Nẵng cả đường không, đường bộ và đường thủy. Đặc biệt là có hệ thống phòng thủ và radar được ví là mắt thần của Đông Dương, khống chế cả một vùng Biển Đông rộng lớn.
Thiếu tướng Trần Minh Hùng, Nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5 từng khẳng định: “Đây là cửa ngõ vào cảng Tiên Sa và ở đây có đơn vị quân đội là vùng 3 hải quân, Bộ đội biên phòng, các lực lượng vũ trang đang đóng quân ở đó. Nếu tiến hành xây dựng tràn lan thì sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến vấn đề đi lại và vấn đề an ninh – quốc phòng khi ra vào khu vực đó. Về lâu dài thì đây là nơi có thể phòng thủ đất nước, Đà Nẵng và cả miền Trung Tây Nguyên. Nếu xây dựng làm biến dạng thì không thể được”.
Về phía người dân: “Bán đảo Sơn Trà có vị trí đặc biệt về an ninh – quốc phòng mà bán hết cho doanh nghiệp xây nhà, biệt thự nghỉ dưỡng để bán. Mai mốt ai ở trong những căn biệt thự đó? Ai mua những căn biệt thự đó? Ai sinh sống ở đó? Lỡ đó là “những người lạ” thì sao?”.
Dân gian có câu: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Việc xâm phạm không thương tiếc những nơi trọng yếu như thế này có được xem là “quả báo” nhãn tiền?.
Chúng ta nên nhớ, nguồn tài nguyên quốc gia mang tính chất đặc biệt về mặt địa lý (Sơn Trà cũng thuộc dạng đó) là không phải của riêng ai mà có thể duy ý chí. Tức là, khi có một siêu dự án phát triển kinh tế nào đó thì cần phải có sự đồng tình của nhân dân và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu phản biện thì mới gọi là đúng quy trình .
Còn nhớ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường ngày 24/8/2016 do Thủ tướng đích thân chủ trì, Thủ tướng đã phát biểu: “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân”. Câu nói đó trở thành “điểm sáng”, để rồi cho đến bây giờ chúng ta vẫn nghe văng vẳng trên các diễn đàn thông tấn.
Thiết nghĩ, xét về địa lý bán đảo này thuộc sự quản lý của Chính quyền Đà Nẵng, nhưng xét về các yếu tố khác (du lịch, an ninh – quốc phòng…) thì Sơn Trà không phải của riêng một mình Đà Nẵng đâu. Nên mọi sự “đụng chạm” dù từ cấp thấp đến cấp cao xin hãy chừng mực và thận trọng!
Sông Hàn
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này