09:10 - 08/06/2017
Phê bình, xin lỗi là xong?
“Các cá nhân liên quan đã nhận ra thiếu sót của mình nên UBND TPHCM chỉ áp dụng hình thức phê bình, nhắc nhở”, trả lời của chánh văn phòng UBND TPHCM liên quan đến sai phạm đất đai ở quận 9.
Câu trả lời trên thực sự đã gây không ít “lăn tăn” trong dư luận, vì liên quan đến sai phạm này có đến hàng loạt cán bộ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo “nhúng tay” vào. Nào là nguyên giám đốc sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) TPHCM, rồi lãnh đạo không ít phòng ban của sở này và nguyên chủ tịch UBND quận 9, nay đã là bí thư quận này…
Theo kết luận thanh tra, năm 2012, UBND TP ban hành quyết định thành lập tổ công tác nghiên cứu huy động vốn đầu tư xây dựng khép kín đường Vành đai 2, thành viên tổ có đại diện UBND quận 9. Năm 2013, UBND quận 9 có báo cáo gửi trung tâm Phát triển quỹ đất về quỹ đất tạo vốn xây dựng tuyến đường Vành đai 2, trong đó có khu đất 1A.
Năm 2014, UBND TP chấp thuận chủ trương thu hồi đất trên địa bàn quận 9, để khai thác tạo quỹ đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2, trong đó có khu đất 1A. Thế nhưng đến tháng 5/2015, UBND quận 9 vẫn có văn bản báo cáo UBND TP và sở TM-MT xem xét chỉ đạo về việc chuyển mục đích sử dụng đất trong khu vực có chủ trương thu hồi đất. Tháng 7/2015, UBND quận 9 tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND TP điều chỉnh cắt khu đất 1A ra khỏi ranh thu hồi tạo quỹ đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2.
Trong khi UBND TP chưa chấp thuận điều chỉnh, tháng 10/2015, UBND quận 9 và sở TN-MT có tờ trình gửi UBND TP phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2015. Trên cơ sở kiến nghị của UBND quận 9, UBND TP chuyển sở TN-MT xem xét đề xuất. Sau đó, sở TN-MT đã có văn bản thống nhất kiến nghị của UBND quận 9 về huỷ chủ trương thu hồi đất đối với khu đất 1A. Như vậy, một mặt UBND quận 9 đề xuất đưa khu đất 1A vào đấu giá để tạo quỹ đầu tư, một mặt vẫn tiếp tục đề xuất quy hoạch là khu dân cư và cho phép người dân chuyển mục đích sử dụng đất, dẫn đến không thể đấu giá để tạo quỹ. Làm vậy, UBND quận 9 đã không thể hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý tại địa phương, và sở TN-MT cũng liên đới trách nhiệm.
Sai phạm có chủ đích, cán bộ làm “liều” như vậy mà chỉ bị phê bình và nhắc nhở, xem ra khó thuyết phục dư luận. Bởi người làm sai chẳng sao, trong khi kết luận thanh tra lại kết luận đó là buông lỏng quản lý. Không phải là câu chuyện sai phạm “nặng” như quận 9, nhưng chuyện vị cán bộ với chức danh thứ trưởng bộ Văn hoá, thể thao và du lịch (VH-TT-DL) đang gây bão dư luận hiện tại, đang đặt ra những câu hỏi rất lớn liên quan đến công tác cán bộ, liên quan đến việc xử lý cán bộ còn chưa đến nơi đến chốn.
Ở câu chuyện “ký bừa” để rồi xin lỗi của vị thứ trưởng bộ VH-TT-DL, ai cũng sẽ đoán ra kết quả thứ trưởng xin lỗi là coi như xong, bởi như chính giải thích của vị thứ trưởng này, là “kẻ” tham mưu làm “liều” chứ mình không “rõ lắm”. Như thế, mạnh tay lắm trong câu chuyện xử lý cán bộ ở vụ việc này, có thể là người tham mưu sẽ bị xử lý kiểu ông cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn của bộ này vừa bị cách chức là… hết tuồng.
Một công dân bình thường còn phải chịu trách nhiệm với chữ ký của mình, huống gì là làm lãnh đạo. Chẳng thế mà, tại buổi toạ đàm khoa học “Nâng cao trách nhiệm thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại TPHCM” do ban Tuyên giáo Thành uỷ tổ chức ngày 2/6, ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó bí thư Thành uỷ TPHCM, phát biểu: nhiều trường hợp khi đặt bút duyệt thu hồi đất, người cán bộ tự xem mình là chủ chứ không phải là người quản lý, dẫn đến người dân khiếu nại kéo dài.
Và, ông Phạm Chánh Trực đề nghị đấu tranh quyết liệt ngăn chặn nhóm lợi ích lũng đoạn; đổi mới quản lý điều hành, siết chặt kỷ cương, xây dựng cơ chế hoạt động của bộ máy hành chính công khai, minh bạch…
Quân Minh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này