09:18 - 09/05/2018
Bình luận thị trường: Cà pháo mắm tôm cũng là một ‘kèo thơm’!
Tôi vào một quán ăn, thấy treo bảng “Cơm Việt” với thực đơn: rau lang luộc chấm nước mắm kho quẹt, cà pháo mắm tôm… Gọi món chính, không quên một phần cà pháo – mắm tôm.
Khi đưa đũa gắp miếng cà pháo, chợt nghĩ…, ngại quá! Thôi kệ, muốn ăn ngon phải… liều.
Nhiều người thích nhưng e ngại món cà pháo mắm tôm, nhưng có mấy ai biết rằng, món cà pháo mắm tôm của công ty Ngọc Liên đã được cấp FDA vào Hoa Kỳ từ… hai năm trước! Khó tin đúng không? Thiệt 100%!
Cà pháo – mắm tôm cũng đạt chuẩn FDA!
Thật tình cờ, món “cà pháo – mắm tôm – FDA” đó vừa được chứng thực qua cuộc họp chiều thứ bảy 5/5/2018, sau khi hội đồng xét duyệt doanh nghiệp đạt “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” đã soi kính hiển vi vào mọi ngóc ngách liên quan “chuẩn chất” của Ngọc Liên để chấm 91,5 điểm.
Ngọc Liên là một doanh nghiệp nhỏ, chỉ có 70 công nhân, chế biến thực phẩm dạng muối và chua ngọt. Hội đồng nhận xét: kế hoạch HACCP viết tốt; hồ sơ mặt bằng ổn; đường đi của nhân viên, của rác hợp lý; đánh giá nhà cung cấp nguyên liệu được phê duyệt; hồ sơ kiểm soát động vật gây hại và hồ sơ truy xuất ổn…
Một người bạn cũ cho tôi biết, Phan Liên là tiến sĩ về chế biến thực phẩm (ĐH Công nghiệp nghề cá Astrakhan, Nga) là chủ doanh nghiệp Ngọc Liên, một mình lập nghiệp từ mấy chục năm nay, “rất kiên trì nghiên cứu và thành công”.
Ngoài Ngọc Liên, một tên tuổi khác cũng được đánh giá cao là công ty phát triển nông nghiệp Hải Âu. Có lần, ông TPL, chủ của Hải Âu, tiếp tôi ở cửa hàng trái cây và bánh Danny Green (VivoCity) có nói về GlobalG.A.P.Vậy mà nghe phân tích hồ sơ mới thấy kỳ công của một kỹ sư hàng hải, đang kinh doanh vận tải biển, giờ làm… nông dân chuyên nghiệp. Nhìn sản phẩm hữu cơ của ông, tôi hỏi: ông định chịu lỗ bao lâu nữa? Ông cười: “Tôi đang định hướng làm theo để lấy tiêu chuẩn hữu cơ Nhật, dù cực nhưng tôi muốn làm chuyên nghiệp, đúng chuẩn quốc tế ngay từ đầu. Tôi muốn đầu tư “lấy lại danh dự” cho nông sản Việt Nam”.Điểm cao của hội đồng dành cho Hải Âu, làm tôi mừng như là chuyện của mình vậy.Thêm một phiếu ủng hộ làm nông chuyên nghiệp, hứa hẹn đủ chuẩn cạnh tranh xuất khẩu.
Những “lão nông” thời 4.0!
Nghĩ thêm một chút về nhân thân hai người chủ của doanh nghiệp tư nhân này. Họ đều là người ăn học tới nơi tới chốn. Một người là, chắc chắn có nghiên cứu kỹ những gì mình muốn làm, thậm chí nghiên cứu kỹ thị trường, chứ không chỉ có tình cảm muốn “lấy lại danh dự” cho nông sản Việt. Và họ hiểu phải đi đúng cách ngay từ đầu, kiên trì, chịu khó, dám chấp nhận rủi ro. Họ không đi tìm “lão nông tri điền”, mà đi tìm nhà tư vấn tiêu chuẩn. Đó là điều khác biệt xưa và nay. Mà làm ăn theo 4.0 hay hiện đại, không chỉ có doanh nghiệp “khủng” mới làm được, doanh nghiệp nhỏ cũng làm được. Ngọc Liên và Hải Âu chứng thực điều này.
Mấy năm nay, đã có nhiều thông tin về những “nông dân mới” (thực ra là doanh nhân đầu tư vào nông nghiệp an toàn hay hữu cơ). Như ông TPL, như ông Huân (người cũ của Thế giới Di động) và nhiều nhiều nữa.Có nhà nghiên cứu chuyên lai tạo giống lúa như kỹ sư Hồ Quang Cua đã làm được lúa hữu cơ giống ST 24.Doanh nhân Cù Thành của Lương Quới, miệt mài với mấy ngàn hecta dừa hữu cơ ở Bến Tre, để nay có thêm Betrimex, nhiều doanh nhân làm dừa hữu cơ nữa ở tỉnh nghèo này.Vài năm nữa, viết về Bến Tre, chắc tôi phải bỏ từ “nghèo”? Có những nông dân ở cù lao Mỹ Hoà, Trà Vinh cứ lặng lẽ làm lúa hữu cơ đã nhiều năm, mà ngay tại Trà Vinh cũng ít ai biết. Có doanh nhân nổi tiếng với nghề chế biến trái cây đã lâu như ông Nguyễn Lâm Viên, nay chuyển sang làm hữu cơ, kỳ công đi xây dựng mấy vùng nguyên liệu và tiến hành canh tác hữu cơ. Đến thăm phòng nghiên cứu sinh hoá của ông, mà thầm phục công sức đầu tư. Cả ngày ông loay hoay trong phòng nghiên cứu, rồi đem cả dứa về trồng kiểu hữu cơ giữa phòng khách của biệt thự tại trung tâm Sài Gòn, sáng tạo ra nông pháp hữu cơ… Có người bạn suốt đời yêu nghề hữu cơ, xuống tận Cà Mau làm trang trại lớn (Viễn Phú), say mê làm gạo có dược tính, giờ đang tiếp tục với các chế phẩm từ gạo hữu cơ: mì, hủ tíu, nui, bánh gạo…
Xu hướng mới
Các nước ASEAN hiện nay đang hướng nông sản đi ra thị trường thế giới. Chừng như mọi người đều cảm nhận rằng các món châu Á, chế biến từ tàì nguyên bản địa đều có sức hấp dẫn đặc biệt với khách hàng Âu – Mỹ. Hành trang đi ra thế giới của họ thật là thông minh: tận dụng chỉ dẫn địa lý, tính đặc thù địa phương, cùng với tiêu chuẩn thế giới. Như cách mà Thái Lan nâng cấp sản phẩm chỉ dẫn địa lý, hay OTOP (mỗi làng một sản phẩm) của họ, là cùng với những giá trị địa phương này, hỗ trợ mọi cách để các nhà sản xuất được nhận tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA) và châu Âu (EUBio).
Tình hình phát triển nông nghiệp nước ta theo hướng tập trung nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, đã có những chuyển biến rất đáng mừng; nhưng hình như chưa phải từ chiến lược chung của quốc gia. Có vẻ như chính do nhu cầu cao của thị trường nhập khẩu (đòi hỏi sản phẩm an toàn, hữu cơ, truy xuất tốt nguồn gốc) đã tạo chuyển đổi theo cách tự phát, tự nhiên?
“Âm mưu” lớn!
Tôi đang cùng ông Nguyễn Lâm Viên “ủ mưu” dựng một ngôi làng hữu cơ Việt Nam, với một bộ sưu tập thật phong phú các loại sản phẩm hữu cơ Việt Nam, sẽ trình làng lần đầu tiên tại hội chợ quốc tế Thaifex, Bangkok cuối tháng này. Nhân đây, tôi xin nhắn luôn: Các anh chị đang làm hữu cơ nếu muốn, có thể inbox cho tôi để cùng tham gia nhé. Cũng được “nói nhỏ” điều này: không thu phí gì đâu!
Nhiều lần tôi gặp các nhà báo hay chuyên gia kinh tế quốc tế, họ tỏ vẻ ngờ vực chuyện Việt Nam làm nông nghiệp an toàn, nhất là… hữu cơ. Họ nói với lượng thuốc trừ sâu khủng khiếp mà Việt Nam nhập khẩu hàng năm, đất đai manh mún, quản lý tuỳ tiện… làm sao “chịu nổi” yêu cầu khắc nghiệt của tiêu chuẩn hữu cơ? Tôi lại nghĩ tiếp: “Thật không công bằng khi báo chí chỉ dành đất quá hào phóng cho sao showbiz, mà lơ là những ‘sao nhà nông’”! Cố giáo sư Trần Văn Khê sinh thời có nêu một câu hỏi lớn rất đáng nhớ: “Không hiểu làm sao yêu?”.Nếu không truyền thông đầy đủ, thuyết phục về những câu chuyện hay, làm sao mọi người thông hiểu để rồi yêu?
Kim Hạnh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này