12:00 - 28/11/2022
Kinh tế toàn cầu kỳ vọng gì ở Trung Quốc?
Trong báo cáo triển vọng kinh tế vừa được cập nhật của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 sẽ là 3,1% và sang năm 2023 sẽ là 2,2%.
Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu bị mất đà, thì trụ đỡ cho tăng trưởng của năm 2023 là các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Một trong các hy vọng chính là Trung Quốc sẽ sớm mở cửa lại nền kinh tế. Tuy nhiên với những gì đang diễn ra hy vọng cũng khá mong manh.
Vai trò của Trung Quốc rất quan trọng, nhưng…
Nền kinh tế toàn cầu năm 2022 đã bị một số cú sốc lớn cùng lúc và tác động qua lại lẫn nhau: lạm phát cao, niềm tin vào thị trường giảm, tăng trưởng bị mất đà và nhiều yếu tố bất định. Chỉ số giá tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển dự báo sẽ quanh mức 6,3% trong năm 2022 và 4,25% trong năm 2023 trước khi về mức 2,5% trong năm 2024, khi mà các chính sách thắt chặt tiền tệ đã có tác dụng.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP bị chậm lại vì lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và lo ngại suy thoái, thậm chí khả năng nền kinh tế của một số nước lớn bị hạ cánh cứng. Theo OECD, GDP toàn cầu được dự báo tăng trưởng 3,1% trong năm nay và giảm xuống còn 2,2% trong năm 2023 trước khi lấy lại đà vào năm 2024 với 2,7%.
Theo nhận định của OECD, kinh tế thế giới sẽ không đi vào một cuộc suy thoái trong năm 2023, mà thay vào đó là một sự giảm tốc đáng kể của tăng trưởng cùng với lạm phát bắt đầu hạ nhiệt. Tuy vậy, các rủi ro và sự bất định vẫn hiện hữu, các nền kinh tế phải kết hợp giữa chính sách thắt chặt tiền tệ đồng thời với hỗ trợ tài khóa.
Điều đáng chú ý là đóng góp vào tăng trưởng của năm 2023 được cho là phụ thuộc nhiều vào các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á, khi mức đóng góp lên đến 3/4. Trong sự đóng góp này, vai trò của Trung Quốc là nổi bật không chỉ vì quy mô của nền kinh tế, mà còn ở yếu tố mắt xích chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc thông qua các chính sách chống Covid-19 và hỗ trợ nền kinh tế của nước này, thì hy vọng cũng khá mong manh.
Không rõ ràng và dứt khoát trong các chính sách
Ngày 11/11 vừa qua, Trung Quốc đã ban hành một số quy định nới lỏng việc kiểm soát Covid-19, như giảm số ngày cách ly xuống còn 5 ngày so với 7 ngày trước đây đối với những ca tiếp xúc gần, không truy tìm những ca gián tiếp. Mặc dù đây là những nới lỏng không đáng kể, nhưng cũng đã mở ra nhiều hy vọng cho người dân, doanh nghiệp và giới đầu tư. Chỉ số cổ phiếu đã tăng mạnh khi thông tin được công bố và các nhà phân tích quốc tế cũng đưa ra các nhận định lạc quan hơn.
Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng cao những ngày gần đây đã khiến cho tình hình u ám trở lại. Một số địa phương đã quay lại phong tỏa cục bộ, việc xét nghiệm hàng loạt lại được tiến hành khiến cho sự thất vọng và chán chường nhanh chóng quay trở lại.
Nhiều người dân cảm thấy gián đoạn công việc và cuộc sống gần 3 năm qua đã khiến họ kiệt quệ cả về tài chính lẫn tinh thần. Các hoạt động có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người đã giảm đi đáng kể ở Trung Quốc khi nhìn vào số lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách, các khu phố mua sắm sầm uất trước đây giờ hầu như trống vắng.
Trong khi đó, không ít doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng đã đuối sức và số còn trụ lại được đến thời điểm này lo sợ rằng họ không thể trụ được đến sang năm. Với nhiều người, thời điểm để biết rõ nhất là tháng 2 hay 3 năm sau, sau khi mùa mua sắm và tiêu dùng cuối năm đã kết thúc.
Một số nhà phân tích cho rằng, việc kiểm soát Covid gắt gao quá mức cần thiết đã khiến cho việc mở cửa trở lại của Trung Quốc là quá trễ, và không còn cơ hội để quay đầu. Một ước tính cho rằng khoảng 20% sản lượng của nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các chính sách kiểm soát Covid. Các chính sách mở cửa theo kiểu thăm dò và dè chừng của chính phủ, khiến cho hy vọng đưa nền kinh tế trở lại bình thường là rất bấp bênh.
Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, và sự chững lại của Trung Quốc không chỉ ở Covid mà còn ở sự bất ổn của thị trường bất động sản cũng như chính sách nắn lại một số tập đoàn công nghệ của Trung Quốc.
Thời gian qua dòng vốn quốc tế đã rút khỏi Trung Quốc khá nhiều, nhưng những tín hiệu phát ra từ các nhà hoạch định chính sách với mong muốn hỗ trợ nền kinh tế, sớm mở cửa lại nền kinh tế cũng đã trấn an được một bộ phận nhà đầu tư. Chẳng hạn, Trung Quốc đã cố gắng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hỗ trợ một số doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà lần đầu.
Một nền kinh tế sẽ không thể cầm cự mãi nếu không có các hoạt động thương mại dịch vụ, các hoạt động tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Việc quá nghiêm trọng sự nguy hiểm của Covid đã khiến cho hoạt động sản xuất của Trung Quốc bị gián đoạn, khi người lao động phản đối yêu cầu điều kiện làm việc được cải thiện ở một số nhà máy lớn.
Do vậy, hy vọng của thế giới lúc này là ở sự mở cửa trở lại của Trung Quốc, có chính sách sống chung với Covid như Việt Nam đã mạnh dạn áp dụng vào cuối năm 2021. Nhưng hy vọng này khá là mong manh, vì nó phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo Trung Quốc: lựa chọn một chính sách là phải chấp nhận hy sinh một chính sách khác.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này