15:41 - 04/04/2018
Không thể ‘huề cả làng’
Không ít người đã đặt vấn đề: rà soát 94 hồ sơ đã phát hiện 41 hồ sơ. Vậy ai bảo đảm hàng ngàn hồ sơ GS, PGS những năm qua đều đạt chuẩn? Bao nhiêu người đã “lọt lưới”?
Từ số ứng viên GS, PGS được công nhận đạt chuẩn ban đầu là 1.226 người, khi dư luận bức xúc lên tiếng rất mạnh, Thủ tướng chỉ đạo, Hội đồng chức danh GS Nhà nước đã phải gác lại 94 hồ sơ “có vấn đề” để rà soát, sau khi rà soát thì ngày 2/4 đã công bố có 41 hồ sơ không đạt chuẩn.
Lý giải về 41 trường hợp này, đại diện Hội đồng chức danh GS Nhà nước cho rằng: chủ yếu do hồ sơ thiếu minh chứng về giờ giảng, 30/41 trường hợp thuộc cán bộ thỉnh giảng, họ bị thiếu minh chứng về giờ giảng như lịch giảng, chương trình giảng, kế hoạch giảng dạy, lớp, thời khóa biểu; nhiều ứng viên không lưu ý quy định này, không lưu trữ, các trường cũng không lưu trữ, nên khi thanh tra hỏi đến thì không tìm được. Giải thích này không thỏa đáng. Theo Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng, thực tế thanh tra cho thấy nhiều ứng viên trong hồ sơ thiếu hợp đồng, thiếu thanh lý hợp đồng, thậm chí hợp đồng môn này nhưng lại thanh lý môn khác. Đặc biệt, một số ứng viên “dựng lại” hợp đồng giảng dạy từ các năm 2012 – 2013 – 2014 để tính vào thời điểm cuối năm 2017.
Các giấy tờ, hợp đồng, thanh lý hợp đồng giảng dạy trên văn bản được ký từ năm 2012 – 2013 nhưng nét mực mới tinh và số điện thoại trên hợp đồng lại hiển thị mã vùng vừa thay đổi từ… năm 2017. Có ứng viên kê khai có giáo trình trong hồ sơ và được tính điểm, tuy nhiên khi xác minh giáo trình này lại chưa được hiệu trưởng chọn; hoặc ứng viên GS, PGS phải tính bằng giờ giảng đối với trình độ đại học nhưng họ lại kê khai giờ dạy chương trình bồi dưỡng, giờ giảng cao đẳng… Như vậy là kê khai sai quy định, là có sự gian dối trong kê khai. Điều này khác rất nhiều so với giải thích của đại diện Hội đồng chức danh GS Nhà nước.
Dư luận tiếp tục lên tiếng: những hành vi nêu trên không thể chấp nhận được với những người thầy, những người làm khoa học. Trách nhiệm của hội đồng cơ sở, hội đồng ngành, Hội đồng chức danh GS Nhà nước về vụ việc sai sót này phải được xác định rõ và phải bị xử lý.
Không ít người đã đặt vấn đề: rà soát 94 hồ sơ đã phát hiện 41 hồ sơ. Vậy ai bảo đảm hàng ngàn hồ sơ GS, PGS những năm qua đều đạt chuẩn? Bao nhiêu người đã “lọt lưới”? Đó là những câu hỏi đòi hỏi Hội đồng chức danh GS, Bộ GD-ĐT phải thực sự cầu thị trả lời.
Cùng với đó, Hội đồng chức danh GS Nhà nước cần nghiêm túc lắng nghe những ý kiến tâm huyết: Có nên duy trì cách xét duyệt, công nhận GS, PGS như hiện nay hay là thay đổi để tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, trả về đúng bản chất của học hàm. GS, PGS phải là những người thực sự có đóng góp, cống hiến cái mới cho việc giảng dạy và đào tạo, cho nghiên cứu khoa học ở các trường đại học. GS, PGS không phải là cái “mác” làm đẹp, tô điểm cho thói háo danh của nhiều người không liên quan mấy đến công tác giảng dạy, đào tạo.
Để không diễn ra tình trạng tương tự, thì tiêu chuẩn công nhận GS, PGS phải được sửa đổi một cách bài bản, nghiêm túc để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận 2018 tới đây. Tiêu chuẩn mới cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của ứng viên, của cơ sở giáo dục đại học, của hội đồng cơ sở cũng như các hội đồng cấp trên. Phải có sự phân định rạch ròi để nếu có vấn đề xảy ra ở khâu nào thì hội đồng ở đó chịu trách nhiệm, không như hiện nay chỉ có thể quy trách nhiệm cho cơ sở giáo dục.
Xã hội đang chờ đợi một sự xử lý nghiêm khắc thì đối với vụ dễ dãi trong việc phong chức danh GS, PGS ở nhiều trường hợp vừa qua không để kết cục là “huề cả làng”. Có như vậy, việc công nhận GS, PGS mới có thể được trả về đúng bản chất, lấy lại niềm tin trong xã hội về giới tinh hoa của đất nước.
Phan Thảo (theo SGGP)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này