09:37 - 27/02/2018
‘Bùng nổ’ giáo sư, phó giáo sư: cần rà soát cái gì?
Những sai lầm dẫn tới sự bùng nổ số lượng GS và PGS năm 2017 không thuộc về “kỹ thuật” gian lận của cá nhân một số ứng viên nào đó, mà là sai lầm của cả hệ thống về nhận thức – tiêu chuẩn – quy trình xét chọn.
1. Trong đợt rà soát này, thanh tra Bộ GD-ĐT khuyến cáo rằng: “Phải đặc biệt chú ý đến những ứng viên làm công tác quản lý nhà nước, không trực tiếp công tác tại các cơ sở đào tạo hay các đối tượng thỉnh giảng”. Chính khuyến cáo này đã phơi bày nhận thức sai lầm của các cơ quan hữu trách về việc xét công nhận chức danh GS.
Theo mô thức quốc tế, GS là chức vụ chuyên môn học thuật cao nhất và quan trọng nhất trong hệ thống giáo chức đại học. Nhưng các hội đồng chức danh của Việt Nam lại nhận thức rằng GS là các phẩm hàm, để phong thưởng tôn vinh những cán bộ khoa học và giáo dục có thành tích chung cho “tất cả các ngành nghề chuyên môn trong cả nước”.
Chính vì thế nên mới nảy sinh ra các ứng viên “làm công tác quản lý nhà nước, không trực tiếp công tác tại các cơ sở đào tạo”. Các “ứng viên” này chính là nguồn cung cấp dồi dào cho đội ngũ GS “hữu danh vô thực” ngày càng đông đảo ở nước ta.
Ở nước ngoài, các quan chức quản lý nhà nước không bao giờ được bổ nhiệm là GS đại học. Ngược lại, một GS đại học muốn tham gia chính trường thì phải bỏ ghế GS của mình. Nếu theo đúng chuẩn mực quốc tế này thì tất cả các “ứng viên làm công tác quản lý nhà nước” đương nhiên bị loại bỏ.
2. Chức danh GS đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao về chuyên môn – học thuật được cộng đồng khoa học quốc tế thừa nhận (qua các công trình nghiên cứu được công bố trong các hội thảo khoa học, qua các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới…). Vậy mà loại tiêu chuẩn này hầu như vắng bóng trong các hội đồng ngành của Việt Nam.
Xin hỏi vị GS chủ tịch hội đồng ngành “giáo dục học” (đúng ra phải là ngành “khoa học giáo dục”): “Trong số 35 ứng viên được công nhận chức danh GS và PGS năm 2017, mấy người có bài đăng tạp chí khoa học uy tín quốc tế?”. Lời đáp của câu hỏi này mới là sự rà soát chính xác cho các hồ sơ ứng viên.
3. Nói cho cùng, kết quả xét duyệt chức danh GS hoàn toàn tùy thuộc vào quy trình thực hiện việc đó.
Ở các nước tiên tiến, quy trình này do hội đồng khoa học của trường đại học tiến hành, để chủ tịch đại học (ở ta thường gọi là hiệu trưởng) ký quyết định bổ nhiệm GS cho trường mình (trong trường hợp cần có một hội đồng chức danh GS nhà nước thì hội đồng này cũng chỉ lên một danh sách các ứng viên đủ chuẩn để giới thiệu cho các trường đại học xem xét bổ nhiệm).
Còn ở Việt Nam, quy trình này lại thuộc toàn quyền của hội đồng chức danh GS nhà nước (với sự trợ giúp của các hội đồng ngành); còn các trường đại học chỉ là kẻ đứng ngoài cuộc!
Bởi thế mà, sau khi được hội đồng chức danh GS nhà nước trao “giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh”, 1.226 vị ứng viên (của năm 2017) đã nghiễm nhiên trở thành các GS và PGS “được tôn vinh”, cho dù dư luận có thể nghi ngờ trình độ “thật – giả” của họ đến đâu đi nữa.
Trong điều kiện như vậy, khi được giao nhiệm vụ “rà soát” hồ sơ các ứng viên để tìm ra những kẻ gian lận, thì các hội đồng ngành, với tư cách “vừa đá bóng vừa thổi còi”, đều đi đến kết luận “bảo lưu các kết quả đã công nhận”, vì tất cả đều “đúng quy trình”(!).
Phải rà soát toàn bộ hệ thống nhận thức – tiêu chuẩn – quy trình
Với thực trạng như trên, nếu thực tâm muốn tạo nên một đội ngũ GS đại học đích thực, các cơ quan hữu trách không thể rà soát hồ sơ của cá nhân các ứng viên theo tiêu chuẩn và quy trình hiện hành, mà phải rà soát toàn bộ hệ thống nhận thức – tiêu chuẩn – quy trình đã qua, để đạt đến nhận thức đúng đắn về chức trách GS đại học, từ đó tạo nên tiêu chuẩn mới và quy trình xét duyệt mới cho tương xứng với chuẩn mực quốc tế.
TS Lê Vinh Quốc
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này