
10:11 - 23/04/2017
Hãy tự cứu lấy mình
Một nghịch lý là trong khi nông sản liên tục phải giải cứu thì bình quân mỗi ngày người tiêu dùng Việt Nam vẫn chi khoảng 2,5 triệu USD (tương đương hơn 58 tỉ đồng) cho rau quả nhập.

Thực tế, rau, củ, quả Việt Nam nói chung rất ngon và phong phú. Nhưng tại sao không được đánh giá cao, nhất là ở thị trường nội địa?
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2010, Việt Nam chi 294 triệu USD để nhập rau quả nhưng đến năm 2016, con số này đã tăng lên gấp 3 lần: 924,8 triệu USD. Chỉ riêng trong quý 1/2017, Việt Nam đã chi 230,5 triệu USD cho rau quả nhập, tăng 47,3% so với cùng kỳ.
Thật buồn! Khi mà mỗi ngày người Việt chi con số khủng để nhập mặt hàng mà chính người nông dân sản xuất được và luôn trong tình trạng “tồn”. Buồn, vì trong khi nhiều hộ gia đình ở thành phố phải vất vả mua đất để tự trồng rau ăn cho yên tâm, thậm chí bỏ ra số tiền không nhỏ để mua rau củ, quả phục vụ nhu cầu hàng ngày, thì những vựa rau, vựa trái cây là nơi lý tưởng để cung cấp cho mọi người dân ở các thành phố luôn canh cánh nỗi lo đầu ra sau mỗi vụ thu hoạch.
Thực tế, rau, củ, quả Việt Nam nói chung rất ngon và phong phú. Nhưng tại sao không được đánh giá cao, nhất là ở thị trường nội địa? Phải chăng do bản thân người nông dân không tự đánh giá cao “bản thân mình”? Rồi, tại sao người dân Việt Nam sợ dùng hàng Trung Quốc, nhưng hàng Trung Quốc lại được nhập quá nhiều vào nước ta vậy? Những câu hỏi không khó để có câu trả lời, tuy nhiên, “quảng đường” để làm ra câu trả lời rất xa.
Thông thường, trái cây, rau củ bán trong nước là loại 2, loại 3 không xuất khẩu được. Đã vậy, cái gì cũng ngâm hóa chất, dùng hóa chất, dùng thuốc bảo vệ thực vật quá liều. Thành ra người dân sợ không dám sử dụng nguồn nông sản chất lượng thấp mà lại kém an toàn. Do đó, không thể trách người tiêu dùng.
Đừng ai nghĩ người tiêu dùng ngù ngờ! Họ chấp nhận tốn tiền mua trái cây ngoại (trừ Trung Quốc) với tâm lý để yên tâm, còn hơn phải tự mình “uống thuốc độc” chỉ vì hai chữ “tình thương – ủng hộ” nông dân khi nhiều hàng nông sản rớt giá. Như thế cũng có nghĩa, người tiêu dùng hoang mang và mất lòng tin vào việc an toàn vệ sinh thực phẩm một cách nghiêm trọng.
Trước sự trái nghịch đang diễn ra trên thị trường nội địa, đã có nhiều ý kiến, quan điểm rằng: “Rau, củ của ta sản xuất giờ bị lạm dụng thuốc hóa học có kém gì của Trung Quốc đâu. Chính cái lối làm ăn không trung thực đã giết chết hàng nông sản Việt ngay trong thị trường nội địa. Hơn hết, hãy coi trọng chất lượng hơn số lượng để sản phẩm Việt Nam được nhìn với con mắt khác đi”.
Ở khía cạnh hàng nông sản, những con số cụ thể càng minh chứng cho sự mất an toàn đó là: Theo Bộ NN&PTNN, chỉ trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 4000 tỉ đồng để nhập khẩu các loại hóa chất bảo vệ thực vật, tăng 7.5% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó nguồn nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc (trên 50% tổng nhập khẩu).
Chiều 20/4, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề: “Làm sao phải hạn chế tối đa được tình trạng, tư tưởng phải làm rau hai luống, lợn hai chuồng, một để ăn, một để bán”.
Theo các chuyên gia, trong khi ngành nông nghiệp được Chính phủ hướng đến mục tiêu sản xuất sạch và an toàn nhằm phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Việc cho phép nhập khẩu, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật vô tội vạ thời gian qua cho thấy sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong điều hành của các cơ quan quản lý.
Lâu dài, nông dân cần sản xuất theo chuỗi liên kết. Bởi hiện nay đã, đang và sẽ có rất nhiều dự án đầu tư nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Nếu nông dân không tham gia chuỗi liên kết sản xuất, vẫn theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ thì rất khó khăn cho việc hỗ trợ nâng cao chất lượng nông sản.
Liên quan đến vấn đề này, khi trao đổi với báo chí, GS Võ Tòng Xuân cũng từng nói: “Người nông dân khi nắm được kỹ thuật, chú trọng chất lượng, làm mọi thứ theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì tự khắc người tiêu dùng sẽ tin tưởng lựa chọn. Đừng làm ra sản phẩm chất lượng kém rồi kêu cứu, mà hãy tự cứu lấy mình”.
Dư luận mong nhận được những tín hiệu tích cực của ngành Nông nghiệp. Đừng để vấn đề gì của ngành Nông khi nghĩ tới ai ai cũng thấy chạnh lòng!
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này