12:48 - 03/04/2016
‘Người Việt không cần mua BigC’ hay chuyện ‘nhìn cái nhỏ, bỏ cái lớn’
“Tôi nói thật, chưa chắc gì mấy ông lớn này khi được nâng đỡ rồi thì quay lại giúp doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đâu, hỏi doanh nghiệp thử xem hiện nay họ làm việc với Co.opmart, Vinmart khó hay dễ?”
Thời gian gần đây, ban quản trị Thị trường bán lẻ cố gắng đưa tin, phân tích về diễn biến thị trường trong bối cảnh mua bán sáp nhập diễn ra khắp nơi. Cụ thể hơn là theo dõi vụ BigC sẽ thuộc về ai, nhà bán lẻ nội hay chuyển qua tay của đại gia nước ngoài nào đó.
Người viết có liên hệ với một chuyên gia bán lẻ có “số má” để nhờ ông cho ý kiến và phân tích xem “thời thế thị trường” sẽ đi về đâu sau tình huống BigC.Tôi háo hức lắm vì hơn 15 năm buôn ba trời tây, trời ta nhiều thì ông sẽ “dự đoán” chính xác.
Ấy vậy mà, mới trình bày xong cục diện cho ông, cái tôi nhận được là cái “híc xì” thế này: “Tôi thấy dư luận, báo chí Việt Nam thiên lệch lắm, đọc báo nào cũng thấy lăm le phân tích hết cái này đến cái kia về chuyện này, rằng “ông Co.op (Co.opmart)”, “ông Vin (Vinmart)” nếu mua sẽ giữ được thị phần bán lẻ nội… hoặc nếu để rơi vào tay nước ngoài thì coi như nền thương mại nước nhà sẽ tiêu…
Nói qua nói lại cũng có bao nhiêu đó. Tôi nói thiệt, điều đó chẳng sai nhưng từ báo chí đến cơ quan nhà nước khi nhìn về thị trường bán lẻ theo kiểu “thấy cây mà không thấy rừng”, thiếu công bằng và trớt quớt”.
Nghe chưng hửng, nhưng bắt đầu thấy thú vị, tôi nhờ ông phân tích rõ thêm và trích dẫn ý kiến lên Facebook cho bà con đọc và bình chơi:
Ai cũng biết là thị trường mà mấy ông BigC, Co.opmart, Vinmart, Aeon, Metro…đang đấu nhau tùm lum cũng chỉ là 20% tổng giá trị thị trường thôi, 10 năm nữa cũng không quá 25%.
Người ta cứ lo trong chiến trường 25% này mấy ông bán lẻ Việt yếu ớt, không cạnh tranh được, cần phải hỗ trợ nhiều hơn…
Thậm chí có tin đồn, việc Co.opmart mua BigC với cả tỷ đô thì phải có cơ chế đặc biệt, phải được bơm tiền đặc biệt theo cách nào đó, nói chung là mình sẵn sàng quăng tiền để chơi tới bến…
Nhưng theo tôi, chơi tới bến để làm gì, mà mấy ông doanh nghiệp nội này có yếu không? Họ chả yếu gì đâu, doanh nghiệp trị giá cả trăm triệu đô, thậm chí có tỷ đô như Coop thì yếu gì mà yếu.
Cái yếu không nằm ở đây mà tập trung ở đại chiến trường 80% ngoài kia kìa, mà sao không thấy ai nói đến vậy.
Thị trường truyền thống hiện có khoảng 500.000 – 600.000 điểm bán, ước tính có khoảng 10.000 – 15.000 doanh nghiệp phân phối các ngành nghề đang hoạt động. Đa số họ là hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp vừa, nhỏ.
Họ mới thật sự là những doanh nghiệp yếu, chống chọi với cơ bão hội nhập mà không ai giúp họ che chắn cả.
Ở các nước phương tây, đặc biệt là châu Á thì các doanh nghiệp phân phối thị trường truyền thống đều là các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực, đặc biệt các quốc gia đều có các chính sách đặc thù hỗ trợ riêng cho họ.
Nên nhớ tại các quốc gia này đa số thị trường truyền thống đều chiếm dưới 50% cả, có nơi dưới 20%.
80% “sức khỏe” nền thương mại Việt Nam ở trên các tuyến đường, các chợ, các vùng nông thôn vậy mà thử hỏi nhà nước có chính sách gì đặc thù để tăng sức đề khác cho 80% này không?
Hơn 15 năm làm trong ngành này, tôi đảm bảo là không, thậm chí có thể khẳng định là bị bỏ lơ, không ai ngó tới.
Nếu muốn giữ vững thị trường phân phối trong nước, gián tiếp tiếp sức cho doanh nghiệp sản xuất Việt Nam sống được thì phải nhìn đến 10.000 – 15.000 nhà phân phối này, quan tâm đến 500.000 – 600.000 hộ kinh doanh cá thể kia, chứ không phải tối ngày chỉ nghĩ đến mấy con cá lớn vốn đang “mập” rồi.
Tôi nói thật, chưa chắc gì mấy ông lớn này khi được nâng đỡ rồi thì quay lại giúp doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đâu, hỏi doanh nghiệp thử xem hiện nay họ làm việc với Co.opmart, Vinmart khó hay dễ?
Tôi cam đoan không khác gì với mấy ông nước ngoài đâu.
Cái quan trọng bây giờ là cần có chính sách gấp, đặc thù hỗ trợ riêng, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp phân phối nói chung nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thay vì bơm cả tỷ đô vào để mua BigC, chỉ cần vài chục triện USD làm một chương trình bài bản hỗ trợ nâng cao năm lực cạnh tranh trong khoảng 5 – 10 năm thì hiệu quả mang lại sẽ cực kỳ lớn.
Nước ngoài người ta cũng làm vậy, làm nghiêm túc, làm cho ra ngô ra khoai thì vài chục triệu USD là giải quyết nhiều thứ lắm.
Quả thật, người viết cũng hơi giật mình. Càng ngẫm càng đúng, thấy mình còn “nhìn cái nhỏ, bỏ cái lớn” là sai lầm nặng rồi!
K.H
Theo TTBL
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này