11:24 - 11/08/2021
CEO Lee Seung Gun của kỳ lân ngành công nghệ tài chính Toss
Viva Republica, công ty đứng sau ứng dụng Toss với hơn 40 dịch vụ tài chính vừa công bố đã huy động được 410 triệu USD với mức định giá sau gọi vốn 7,4 tỷ USD.
Sau 8 lần thất bại trong suốt 10 năm kể từ khi thành lập, giờ đây Toss đã trở thành công ty fintech lớn nhất Hàn Quốc và cũng là một trong những công ty fintech tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam. Đây là thành quả ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của nhà sáng lập Toss, CEO Lee Seung Gun.
Vượt qua rào cản pháp lý
Lee Seung Gun – cựu sinh viên Đại học Quốc gia Seoul danh tiếng, là nha sĩ tại một bệnh viện liên kết với Tập đoàn Samsung. Tuy nhiên, với mong muốn đóng góp và tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội, anh quyết định từ bỏ công việc ổn định, rẽ hướng sang con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính công nghệ đầy thách thức. Lee nhận thấy tiềm năng của thị trường khi hệ thống chuyển tiền tại Hàn Quốc khá “cứng nhắc và cồng kềnh” với quy trình quá nhiều bước.
Việc thanh toán trực tuyến “ngốn” nhiều thời gian với hơn 40 cú click và phải thiết lập nhiều tài khoản trên các ứng dụng khác nhau. Bên cạnh đó, các ứng dụng ngân hàng trực tuyến trên điện thoại tại thời điểm đó còn nhiều hạn chế dẫn đến việc chuyển tiền qua điện thoại di động liên tục gặp phải tình trạng giao dịch không thành công. Chính mong muốn đơn giản hóa quy trình này đã thôi thúc anh nảy ra ý tưởng tạo nên một nền tảng dịch vụ tài chính giúp mọi người tiết kiệm thời gian và cải thiện cuộc sống.
Những ngày đầu, với những rào cản trong hệ thống ngân hàng tại Hàn Quốc khi đó, các dịch vụ như thế này dường như là bất khả thi. Mặt khác, do các quy định vô cùng nghiêm ngặt trong lĩnh vực này, rất nhiều dịch vụ mang tính sáng tạo vẫn chưa được phổ biến trên thị trường tài chính. Viva Republica được thành lập vào năm 2013, khi các ứng dụng chuyển tiền ngang hàng (P2P) bắt đầu nở rộ trên toàn cầu.
Để biến ý tưởng thành hiện thực, anh đã dành 1 năm làm việc với các nhà làm luật tại Hàn Quốc cũng như các nhà đầu tư để thuyết phục về nền tảng chuyển tiền đơn giản của mình. Sau 2 năm thương thuyết với nhiều lần thất bại, cuối cùng năm 2015 các quy định cứng nhắc ứng dụng chuyển tiền mới được dỡ bỏ. Và Toss chính thức ra mắt.
Vào thời điểm mới ra mắt, Toss chỉ là một trang web đơn giản giới thiệu về dịch vụ của mình, nhưng chưa được cấp phép cung cấp các dịch vụ đó. Nhưng ngay cả khi chưa có giao dịch và không có hoạt động tiếp thị nào, Toss vẫn nhận được sự quan tâm và lượng truy cập trang web bùng nổ. Dần dần, Toss trở thành một ứng dụng tài chính phổ biến, được sử dụng rộng rãi bởi người dùng trẻ tuổi (20-30 tuổi), tuy nhiên ứng dụng vẫn còn khá xa lạ với phân khúc người dùng từ 40 tuổi trở lên.
Để thu hút nhóm người dùng lớn tuổi, Toss đã đưa ra dịch vụ thử nghiệm tra cứu điểm tích lũy trong tất cả thẻ tín dụng của người dùng và quy từ điểm đó ra tiền. Toss Money cho phép người dùng rút số tiền đó ra để sử dụng. Sau khi ra mắt, phản ứng của người dùng về tính năng này rất tốt, tạo được hiệu ứng lan tỏa cao. “Cách thức hoạt động của Toss là cách các dịch vụ tài chính nên được thực hiện.
Chúng tôi đã thiết kế lại hoàn toàn các trải nghiệm cũng như khả năng tiếp cận của các dịch vụ tài chính trên thiết bị di động và hy vọng có thể cung cấp ứng dụng này cho mọi người dùng di động ở Hàn Quốc” – Lee Seung-gun cho hay trong cuộc phỏng vấn với Forbes hồi năm 2017.
Không dừng ở đó, Toss quyết định tạo nên hệ thống điểm riêng – Toss Point và ra mắt tính năng tra cứu điểm trên ứng dụng. Người dùng chỉ cần nhập số điện thoại là có thể tra cứu điểm Toss mà họ chưa biết, đồng thời có thể nhận lại khoản tiền tương ứng từ Toss. Sản phẩm lần này đã thu được hiệu quả bùng nổ hơn rất nhiều so với sản phẩm thử nghiệm trước đó, giúp Toss mở rộng quy mô người dùng đáng kể.
Tham vọng tạo “siêu ứng dụng”
Với mong muốn thiết kế lại hoàn toàn các trải nghiệm cũng như khả năng tiếp cận của các dịch vụ tài chính trên thiết bị di động và hy vọng có thể cung cấp ứng dụng này cho mọi người dùng di động ở Hàn Quốc, bên cạnh việc triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến P2P giúp mọi người có thể chuyển tiền, thanh toán, quản lý tài khoản và thẻ, Lee tiếp tục mở rộng các dịch vụ của mình, bao gồm cung cấp các khoản vay, kiểm tra điểm tín dụng và đầu tư vào cổ phiếu. Lee Seung Gun đã nỗ lực hiện thực hóa dịch vụ này bằng một số cuộc thảo luận với các ngân hàng cũng như với Ủy ban Giám sát Tài chính.
Một trong những lý do khiến Toss Bank tập trung vào các khoản vay là vì thông thường, người dân phải đến một số tổ chức tài chính như ngân hàng để tìm hiểu cũng như được giảm lãi suất vay. Nếu ai đó có điểm tín dụng trung bình, nhiều ngân hàng Hàn Quốc sẽ chỉ cho họ vay với lãi suất thứ cấp. Dịch vụ tra cứu của Toss so sánh lãi suất của các tổ chức tài chính khác nhau và giúp mọi người tìm được mức lãi suất thấp nhất chỉ với một cú nhấp chuột.
Toss Bank sẽ có thể bổ sung thông tin từ các cơ quan xếp hạng tín dụng chính của Hàn Quốc bằng dữ liệu riêng về các giao dịch của người dùng, như tiêu tiền ở đâu, tần suất chi tiêu, dòng tiền và số dư từ đó cung cấp toàn diện các dịch vụ tài chính giản tiện, mang tính cải cách đột phá.
Cuối năm 2018, Viva Republica, công ty mẹ của nền tảng dịch vụ tài chính Toss đã hoàn tất vòng gọi vốn 80 triệu USD. Công ty được định giá khoảng 1,2 tỷ USD, trở thành “kỳ lân” đầu tiên của Hàn Quốc trong lĩnh vực fintech. Các nhà đầu tư trong vòng gọi vốn này bao gồm Alkeon Capital Management có trụ sở tại New York và Altos Ventures ở Thung lũng Silicon.
Trước đó, PayPal, quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins cũng từng rót vốn cho Toss ở những vòng huy động vốn trước. Hiện tại, dưới tác động của đại dịch Covid-19 càng làm nổi bật tầm quan trọng của ngân hàng trực tuyến nói chung và Toss nói riêng, khi mà giờ đây người dân có thể dễ dàng truy cập, chuyển tiền, thanh toán và quản lý tài khoản cá nhân thông qua thiết bị di động.
Công ty có kế hoạch ra mắt Toss Bank, một ngân hàng kỹ thuật số (neobank) vào tháng 9-2021, đây được xem là “thành phần quan trọng cuối cùng” trong chiến lược siêu ứng dụng của Toss. Công ty cũng sẽ sử dụng số tiền tài trợ để tiếp tục mở rộng tại các thị trường nước ngoài, bao gồm cả Việt Nam, nơi Toss đã ra mắt vào năm ngoái.
Thông tin từ trang web chính thức của Toss cho biết, ứng dụng này hiện có khoảng 20 triệu người dùng, tương đương hơn 1/3 dân số Hàn Quốc. Đồng thời là ứng dụng fintech đạt được thành công lớn với 11 triệu người dùng hoạt động tích cực hàng tháng (Monthly Active User – MAU). Theo báo cáo của Viva Republica, doanh thu của Toss trong năm 2020 đã tăng gấp 3 lần lên 390 tỷ won so với năm trước, trong khi khoản lỗ thu hẹp từ 115 tỷ won xuống 72,5 tỷ won.
Theo Yên Huỳnh/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này