11:37 - 11/06/2016
Hạn mặn lịch sử là ‘cú sốc cần thiết’
Các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp và chính quyền đều cho rằng đợt hạn mặn lịch sử lặp lại sau 90 năm là “cú sốc cần thiết”.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh Bến Tre giá trị tăng thêm khu vực nông – lâm – thủy sản giảm 6,79% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó nông nghiệp giảm 10,4% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là do bị ảnh hưởng bởi hạn mặn đến sản xuất nông nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng giá trị thiệt hại của ngành nông nghiệp Bến Tre do hạn mặn gần 1.500 tỷ đồng, trong đó, trồng trọt trên 1.200 tỷ đồng.
Các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp và chính quyền đều cho rằng đợt hạn mặn lịch sử lặp lại sau 90 năm là “cú sốc cần thiết” để người dân tích cực, chủ động hơn nữa trước vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đặc biệt là những biến cố xảy ra trên thượng nguồn sông Mekong, gây ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân lưu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do nằm ở cuối nguồn. Vì vậy, hơn bao giờ hết, người dân Bến Tre cần có thức chủ động trong phòng, chống thiên tai.
Khi thiên tai hạn mặn đi qua, điều dễ thấy nhất đó là có khoảng 353 nghìn người dân tỉnh Bến Tre bị thiếu nước ngọt sử dụng.
Hơn 20 nghìn ha lúa bị mất trắng, hàng chục nghìn ha gồm cây ăn trái, cây giống, hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hàng nghìn vật nuôi điêu đứng vì thiếu nước ngọt và hệ quả là giá cả của chúng bị giảm phân nửa trên thị trường…
Có thể nhiều hộ còn phải lao đao trong vài năm tiếp theo mới khắc phục xong hậu quả, ổn định được cuộc sống.
Trong bối cảnh khốc liệt đó, khoảng 1,3 triệu dân Bến Tre ngoài việc nuối tiếc số tài sản khổng lồ bị thiên tai cướp đi còn ước ao về những công trình thủy lợi hoành tráng đủ sức chống lại với thiên nhiên khắc nghiệt.
Cũng đã có dư luận rằng: nếu khoảng 15 năm trước, lúc cống đập Ba Lai mới hoàn thành, không có những ý kiến dư luận trái chiều thì có lẽ hệ thống thủy lợi của tỉnh đã được đầu tư hoàn chỉnh từ lâu. Nhưng, vấn đề mà nó mang lại vẫn chưa chắc được như kỳ vọng…
Chắc nhiều người còn nhớ chuyện 20 năm về trước, tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười đã được đắp thành 2 khu vực đê bao khép kín để ngăn lũ, đồng thời trữ ngọt.
Việc này đã giúp đồng bằng sông Cửu Long tăng rất nhiều diện tích canh tác lúa 3 vụ/năm, sản lượng lúa nhờ đó tăng đáng kể.
Tuy nhiên, điều đó làm nước trên thượng nguồn sông Mekong khi chảy đến bị đê bao ngăn lại, không thể tràn vào tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười mà đành cuồn cuộn mang dòng phù sa quý giá đổ nhanh ra biển.
Điều đó làm cho đất đai vùng này ngày càng bạc màu hơn và còn tệ hại hơn khi đối mặt với quá trình diễn tiến khô hạn của khí hậu và mặn từ biển xâm nhập lên tích tụ mà khó xả được.
Câu chuyện tương tự nhưng vi mô hơn cũng đã xảy ra ở huyện Ba Tri, Giồng Trôm – chúng ta đã đào hệ thống đập và các kênh nhỏ để trồng lúa.
Thực tế ở nhiều xã, lúa đã trồng được 3 vụ nhưng các hệ thống kênh đã “ngốn” đất của cánh đồng Ba Tri từ hơn 19 ngàn ha chỉ còn khoảng hơn 14 ngàn ha và hàng ngàn ngày công lao động.
Mặt khác, hàng trăm hộ dân đã tốn tiền xây cầu bê-tông qua kênh mới có thể tham gia giao thông đường bộ được.
Trong khi đó, nước ngọt cũng phải thuận theo mùa vì hệ thống đê chưa đủ chắc chắn nên từ lâu chỉ có thể trồng được giống lúa OC10 – một loại lúa cho ra gạo vừa khô quánh vừa nở “tẹt ga” chỉ có thể thích hợp làm bánh, làm bún nên giá bán luôn thấp.
Trong khi đó, vùng đất Thạnh Phú vốn không có những dự án thủy lợi đình đám nhưng người dân đã tích cực chuyển đổi mô hình sinh kế sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên và đã được cuộc điều tra xã hội độc lập của Thạc sĩ Hồ Phi Long – Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) kết luận:
“Vùng đất huyện Thạnh Phú vốn khó khăn vì xâm nhập mặn hơn huyện Ba Tri nhưng sự chuyển đổi mô hình sinh kế để phù hợp với điều kiện sống của người dân Thạnh Phú nhanh hơn nên hiện nay đa số họ có cuộc sống ổn định hơn và tiềm lực kinh tế đã cao hơn dân Ba Tri…”.
Thạc sĩ Long cũng không quên nhắc nhở rằng sau đợt thiên tai này, chính quyền Bến Tre nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung nên xác định rạch ròi giữa các vùng mặn, ngọt, lợ để áp dụng các mô hình sinh kế phù hợp, chứ vẫn chạy theo các dự án thủy lợi đình đám sẽ khó mang lại lợi ích như mong muốn.
Xác định được 2 vấn đề quan trọng nhất để ứng phó lâu dài với xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, đó là nguồn nước ngọt cung cấp đủ cho người dân sử dụng và mô hình sinh kế hiệu quả thích ứng, các nhà khoa học đã chỉ rõ Bến Tre sẽ bị xâm nhập mặn trên toàn bộ đất đai trong thời gian không xa nữa!
Là tỉnh có hệ sinh thái cù lao sông biển nên có tiềm năng thủy sản phong phú và thích hợp để phát triển chăn nuôi hơn là trồng lúa.
Tỉnh có thể tính lại bài toán quy hoạch vùng và tìm ra mô hình sinh kế phù hợp với diễn biến của điều kiện tự nhiên theo từng thời điểm cụ thể.
Cống đập “má khỉ” kiểu Thái Lan, vận động nhân dân chủ động trữ nước mưa đủ dùng, nhân rộng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu… có lẽ là những việc cần thiết phải làm trước mắt.
Việt Phương
Theo Báo Đồng Khởi
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này