
11:27 - 13/01/2019
Việt Nam làm du lịch y tế theo kiểu… mơ mộng
Tháng 5/2018, sở Y tế và sở Du lịch TP.HCM ra mắt “Cẩm nang du lịch y tế TP.HCM” nhằm quảng bá thế mạnh của hai ngành, để thu hút du khách đến thành phố trị bệnh kết hợp du lịch. Hơn sáu tháng sau, một cán bộ y tế cho biết dự án vẫn… chỉ mới như thế.
Trong khi con số du khách nước ngoài đến Việt Nam có thể nắm bắt dễ dàng, thì số người nước ngoài khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong nước lại khó thống kê. Về chuyện này, một bản tin trên trang web sở Y tế TP.HCM chỉ nói chung chung, “trong số người dân đến khám chữa bệnh cũng có nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài”.
Chẳng biết số khách du lịch chữa bệnh ở Việt Nam
Chẳng biết con số này bao nhiêu, cũng không biết du khách đến nước ta chủ yếu khám bệnh gì, ở cơ sở nào. Nhưng nếu gọi những bệnh nhân người Campuchia khám bệnh ở bệnh viện đại học Y dược hoặc người nước ngoài khám chữa bệnh ở bệnh viện FV, là khách du lịch y tế thì thật sai lầm.
Bệnh nhân Campuchia đến bệnh viện đại học Y dược, vì có một số bệnh mà nước họ chưa chữa được hoặc chữa chưa hiệu quả.Còn người nước ngoài đi chữa bệnh ở bệnh viện FV, phần lớn họ đang làm việc tại chỗ, chi phí điều trị được bảo hiểm y tế nước ngoài thanh toán.Chắc không mấy ai trong số này chữa bệnh xong rồi du lịch thưởng ngoạn, như cách làm du lịch y tế thật sựmà thế giới thực hiện từ lâu.
Nhưng ngành y tế và du lịch vẫn mơ mộng làm du lịch y tế. Mơ mộng vì trong năm 2017, ước tính TP.HCM thu hút 6,3 triệu lượt khách quốc tế và 25 triệu lượt khách nội địa. Mơ mộng vì y tế TP.HCM có y học cổ truyền, nha khoa hay thụ tinh trong ống nghiệm, được đánh giá là chất lượng cao, nhưng chi trả thấp so với nước ngoài. Và mơ mộng vì trong mười nước làm du lịch y tế hàng đầu thế giới, mang về cho quốc gia hàng trăm triệu USD mỗi năm, có đến ba nước Đông Nam Á là Singapore, Thái Lan, Malaysia.
Nhưng nếu làm du lịch y tế mà chỉ cần in 10.000 cuốn cẩm nang, đặt sẵn ở sân bay hay khách sạn lớn để người nước ngoài tham khảo rồi tìm đến thì chắc chỉ… trong mơ.
Bác sĩ Q., chuyên gia tim mạch làm việc tại một bệnh viện tên tuổi ở TP.HCM, người thường xuyên đi công tác tại các nước trong khu vực, nói: “Thái Lan hay Malaysia làm du lịch y tế rất bài bản. Các bệnh viện của họ mở văn phòng đại diện ở các nước, tiếp thị quảng bá qua nhiều kênh, đón khách chu đáo từ sân bay rồi đưa đến bệnh viện, tổ chức lưu trú và tham quan… Nói chung đó là một gói du lịch kết hợp chữa bệnh hay chăm sóc sức khoẻ được thiết kế hấp dẫn với chi phí cạnh tranh”.
Tháng qua, tình cờ đi cùng bác sĩ Q. trong chuyến làm việc ngắn ngày của anh tại một bệnh viện ở TP Rangon (Myanmar), tôi hỏi bác sĩ M. Tun, người chuyên đưa dân Myanmar ra nước ngoài du lịch y tế, về khả năng đưa bệnh nhân sang Việt Nam. Anh nói: “Chi phí điều trị ở nước bạn rất cạnh tranh, chỉ bằng 1/3 – 1/2 tại Singapore hay Thái Lan, nhưng vào trang web các bệnh viện Việt Nam, tôi không tìm được thông tin nào bằng tiếng Anh để giới thiệu cho khách hàng, nên đành chịu thua”.
Bác sĩ Tun nói đúng, mở trang web của các bệnh viện hàng đầu tại TP.HCM, mọi thông tin chỉ bằng tiếng Việt và không có bất kỳ thông tin về năng lực chuyên môn, những kỹ thuật nào làm được với tỷ lệ thành công bao nhiêu. Hãn hữu, trang web bệnh viện Từ Dũ có song song tiếng Anh, nhưng khi bấm vào các chuyên mục, tất cả đều… bỏ trống.
Du khách không biết tiếng Việt
Thời toàn cầu hoá, muốn bước ra sân chơi thế giới, nhưng ta lại không bắt chước nước ngoài mà làm theo kiểu mình, thì chắc làm cho vui hoặc để… báo cáo. Thực tế có nhiều rào cản khiến các cơ sở y tế Việt Nam khó làm du lịch y tế, như nhân viên y tế không đủ ngoại ngữ giao tiếp, chữa bệnh không được bảo hiểm y tế nước ngoài thanh toán, và tiên quyết nhất vẫn là các cơ sở y tế công lập muốn làm mô hình này lại không có chứng nhận chất lượng quốc tế JCI (Joint Commission International) để tạo niềm tin. Người nước ngoài không ai đánh giá năng lực bệnh viện Việt Nam trên điểm thi đua hàng năm mà ngành chức năng chấm, bởi đó là chuyện nội bộ người Việt Nam nói với nhau.
Vậy làm du lịch y tế ở TP.HCM phải như thế nào? Có lẽ ngành y tế và du lịch cần bắt đầu thử nghiệm từ những bệnh viện tư nhân sẵn có điều kiện cơ sở vật chất, năng lực tài chính và đã đạt JCI như bệnh viện FV hay bệnh viện Vinmec Central Park. Nếu sợ những bệnh viện này không đủ chuyên gia tầm cỡ, thì có thể giúp họ mời chuyên gia từ bệnh viện công lập sang hỗ trợ.
Nhà quản lý đừng “ngại” khu vực y tế tư nhân phát triển rồi lấn át khu vực y tế công lập.Hệ thống y tế công lập có nhiệm vụ của họ rồi, đó là chăm sóc sức khoẻ người dân trong nước và giải quyết bài toán quá tải.Nếu cơ sở nào quan tâm đến du lịch y tế, họ sẽ tự thân hoàn chỉnh và tham gia sau.
Tại Thái Lan, bệnh viện quốc tế Bumrungrad nổi tiếng thế giới về du lịch y tế, là bệnh viện tư nhân. Nhưng thành công của họ không thể thiếu sự hỗ trợ về chủ trương và chính sách của nhà nước. Một con số tham khảo, vào năm 2012 Bumrungrad tiếp nhận 520.000 bệnh nhân nước ngoài từ hơn 190 quốc gia. Lãi ròng của bệnh viện trong quý 2/2017, mùa thấp điểm, là 28,8 triệu USD.
Phan Sơn (theo TGTT)
Có thể bạn quan tâm
Muốn cắt cụt chi, một căn bệnh bí ẩn
Anh xem xét cấm bán nước uống tăng lực cho trẻ em
WHO cảnh báo Omicron lan nhanh chưa từng thấy
TP.HCM đủ thuốc điều trị Covid-19, gói thuốc C sẽ được cấp cho người cần sử dụng
Một bệnh viện của Việt Nam đoạt giải nhất thế giới về phẫu thuật nội soi cắt gan
Tags:du lịch y tếTP.HCM
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này