14:42 - 08/11/2017
Dè chừng với ‘Cái chết đen’ tại lục địa đen
Hơn 1.800 ca mắc và 127 ca tử vong vì một đợt bùng phát dịch hạch tại Madagascar từ tháng 8/2017 đến nay. Mặc dù tình hình lắng dịu, nhưng thế giới vẫn cảnh giác vì nỗi ám ảnh của quá khứ.
Quá khứ đau buồn là trận dịch hạch quét qua châu Âu và châu Á vào thế kỷ 14 giết chết hơn 50 triệu người. Trận dịch năm nay khơi gợi lại quá khứ, vì bình thường mỗi năm Madagascar chỉ có khoảng 400 ca dịch hạch, chủ yếu là ở những vùng nông thôn, còn lần này nó tiến triển thành thể viêm phổi chết người, chưa kể dịch đến sớm hơn, lan nhanh hơn bình thường và xuất hiện ở những vùng đông dân, trong đó có thủ đô.
Vì những lý do đó mà trận dịch hạch ở vùng đất châu Phi này được gọi là ‘Cái chết đen’ (Black Death). TS Tim Jagatic thuộc tổ chức Thầy thuốc không biên giới, người đang làm việc tại Madagascar, nói với tờ Express (Anh quốc): “Cái tên ‘Cái chết đen’ chỉ về trận đại dịch thời Trung cổ ở châu Âu, vì phần lớn những nạn nhân bị thể nhiễm trùng huyết. Khi đó máu lưu thông đến các đầu ngón tay bệnh nhân ít đi, đầu ngón tay chuyển thành đen và bệnh nhân tử vong ngay trong ngày tiếp theo”.
Nhưng phần lớn bệnh nhân lần này của trận dịch hạch ở Madagascar bị thể phổi, thể bệnh dễ được điều trị bằng kháng sinh. Theo TS Jagatic, xưa kia dịch hạch là một bệnh tối nguy hiểm vì chưa có kháng sinh, nhưng với y học ngày nay, bệnh ít có khả năng huỷ diệt như thế.
Bất chấp lập luận khoa học này, thực tế trận dịch hạch năm nay lại bộc phát quá nhanh, tăng vọt 37% chỉ trong vòng năm ngày, và số tử vong cũng tăng cao. Theo ghi nhận của tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào cuối tuần qua, số ca nghi ngờ mắc bệnh là 1.801, trong khi trước đó một tuần là 1.309 ca. Đó là lý do khiến GS Jimmy Whitworth, chuyên gia y tế công cộng quốc tế của trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London (Anh), nói với giới truyền thông đây là đợt bùng phát dịch hạch “tệ hại nhất trong 50 năm qua”.
Qua điều tra, người ta biết được dịch lại bùng phát ở những vùng dân cư đông đúc do một người đàn ông bị dịch hạch từ vùng cao di chuyển đến thủ đô Madagascar và đến thành phố ven biển Tamatave bằng xe buýt.
TS Tim Jagatic nói với hãng tin BBC: “Thoạt đầu chỉ là dịch hạch bình thường, nhưng khi ông ta có mặt ở một trong những thành phố lớn thì bệnh chuyển thành dịch hạch thể phổi và không điều trị. Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân lại sống trong một môi trường đông người, vì thế bệnh phát tán dễ dàng cho người chung quanh”.
Có người cho rằng đợt dịch hạch tại Madagascar liên quan đến tập tục Famadihana của người Malagasy khi bảy năm một lần họ lại đào mộ người chết lên, mang xương người đã khuất cuốn vào một tấm vải mới đi vòng quanh làng, vừa đi vừa ca hát, nhảy múa như một cách tưởng nhớ người chết.
Nhưng một người dân nói với tờ Express rằng dịch hạch lan từ người chết sang người sống là không thể: “Tôi đã tham dự ít nhất 15 nghi lễ Famadihana mà có bị dịch hạch lần nào đâu. Nói như thế là nói dối”.
Tuy nhiên, có một lý giải khác về tính nghiêm trọng của đợt dịch lần này, đó là sự hiện diện của hiện tượng thời tiết bất thường El Niño có cường độ mạnh chưa từng thấy (vì thế năm nay nó được đặt tên là ‘Quái vật Godzilla’).
Theo GS Matthew Bayliss của viện Sức khoẻ toàn cầu và nhiễm trùng đại học Liverpool, những tình trạng thời tiết cực đoan có thể tạo ra đợt bùng phát dịch hạch nghiêm trọng. Ông nói: “Nghiên cứu riêng của chúng tôi gợi ý rằng El Niño có một vai trò trong sự bùng phát dịch Zika cách đây vài năm, và tình trạng này cũng có thể tạo điều kiện cho dịch hạch bùng phát lần này. Năm 2016
lập kỷ lục mạnh nhất về El Niño, vì thế nó được đặt tên là ‘Godzilla’”.
Dịch hạch cũng được truyền đi bằng bọ chét từ loài gặm nhấm hoang dã trong rừng cho chuột ở làng quê, sau đó truyền cho người.
Theo đại diện của tổ chức Thầy thuốc không biên giới, hiện tại ở Madagascar có ba thể dịch hạch tồn tại là thể hạch, thể phổi và thể nhiễm trùng huyết. Trong ba thể bệnh này, thể viêm phổi rất nguy hiểm vì nó có thể truyền trực tiếp từ người sang người.
Willy Randriamarotia, bộ trưởng Y tế Madagascar, lên tiếng: “Nếu một người chết vì dịch hạch thể phổi được bỏ vào hòm, nhưng thỉnh thoảng người ta lại mở hòm ra vì tập tục, thì vi khuẩn có thể lan đi và gây bệnh cho người chung quanh”.
Theo WHO, nhìn chung nguy cơ ở Madagascar vẫn còn ở mức “rất cao” và cũng có khả năng dịch sẽ lan đến các nước lân cận châu Phi như Mozambique, quần đảo Seychelles, Nam Phi và Tanzania. Tuy nhiên, WHO cũng cho rằng chưa đến mức phải hạn chế đi lại hoặc buôn bán với Madagascar.
Những đại dịch của nhân loại đến từ châu Phi
Trận dịch đi qua nhưng vẫn còn âm ỉ là Ebola, có nguồn gốc từ Tây Phi, sau đó lan đến châu Âu và châu Mỹ, đã giết chết hơn 11.000 người. Tuy nhiên, lục địa đen cũng là nơi khởi nguồn những căn bệnh nghiêm trọng đang hoành hành trên thế giới là HIV/AIDS, sốt rét và lao.
Châu Giang
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này